Diễn đàn năng lượng

Cổ đông sáng lập

Thứ tư, 8/10/2008 | 16:22 GMT+7
Cổ đông sáng lập là người góp vốn cổ phần, tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản điều lệ đầu tiên của CTCP.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, CTCP mới thành lập phải có cổ đông sáng lập. CTCP được chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc từ công ty trách nhiệm hữu hạn, hay được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập từ CTCP khác không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập. Trong trường hợp không có cổ đông sáng lập thì điều lệ CTCP trong hồ sơ đăng ký kinh doanh phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty đó.

Cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập

- Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán và phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

-  Trường hợp có cổ đông sáng lập không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua thì số cổ phần chưa góp đủ đó của cổ đông sáng lập được xử lý bằng cách: các cổ đông sáng lập còn lại góp đủ số cổ phần đó theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty hoặc một, một số cổ đông sáng lập nhận góp đủ số cổ phần đó, hay có thể huy động người khác không phải là cổ đông sáng lập nhận góp đủ số cổ phần đó (người nhận góp vốn đó đương nhiên sẽ trở thành cổ đông sáng lập của công ty thay thế cổ đông sáng lập chưa góp cổ phần theo đăng ký).

- Trường hợp các cổ đông sáng lập không đăng ký mua hết số cổ phần được quyền chào bán thì số cổ phần còn lại phải được chào bán và bán hết trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.  Sau ba năm, nếu số cổ phần đó vẫn không được bán hết thì công ty phải đăng ký điều chỉnh giảm số vốn được quyền phát hành ngang bằng với số cổ phần đã phát hành.

-  Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập, nếu được sự chấp thuận của ĐHCĐ. Trong trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó và người nhận chuyển nhượng đương nhiên trở thành cổ đông sáng lập của công ty. Sau thời hạn ba năm, các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập đều được bãi bỏ.

Lưu ý

Khi số cổ phần đăng ký góp của các cổ đông sáng lập chưa được góp đủ thì các cổ đông sáng lập cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị số cổ phần chưa góp đủ đó. 
 

Theo: Bộ phận Tư vấn và Phân tích CTCK Hà Nội - HSSC