Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương khai mạc Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư - VIR nhấn mạnh, năng lượng là yếu tố tối cần thiết đối với sự phát triển của mọi quốc gia. Việc phụ thuộc vào các nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch trong khi các nguồn này đang cạn dần với tốc độ khai thác nhanh, và việc đốt nhiên liệu hóa thạch làm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính khiến trái đất nóng lên, đòi hỏi cộng đồng quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng phải nhanh chóng tìm kiếm những giải pháp thông minh để giải quyết các vấn đề toàn cầu này.
Nếu không có thay đổi đáng kể trong chính sách năng lượng và có những giải pháp phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) một cách phù hợp với hoàn cảnh thực tế thì cái giá phải trả về kinh tế, xã hội và môi trường trong tương lai có thể sẽ rất đắt đối với Việt Nam.
Theo TS Tuấn, hội thảo sẽ tập trung thảo luận các chủ đề về thách thức đối với phát triển năng lượng sạch của Việt Nam và những cơ hội mở ra đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Đây đều là những vấn đề rất thời sự trong bối cảnh nhu cầu về năng lượng của Việt Nam đang ngày một gia tăng nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững của đất nước.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn nỗ lực góp phần vào sự phát triển ổn định chung của toàn cầu và đi tiên phong trong định hướng phát triển mang tính bền vững. Việt Nam xác định không tăng trưởng kinh tế nhanh bằng mọi giá mà cần phát triển nhanh và bền vững. Tăng trưởng kinh tế phải đi kèm với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.
“Để phát triển bền vững nguồn năng lượng quốc gia, Việt Nam cần tận dụng tối đa các cơ hội khai thác các nguồn năng lượng tái tạo bằng cách đầu tư mạnh vào nghiên cứu và triển khai, lồng ghép và tích hợp việc cung ứng điện thông qua các nguồn năng lượng”, Thứ trưởng nói và cho rằng, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về NLTT và nếu tranh thủ được các tiến bộ khoa học công nghệ của thế giới hiện nay, việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng này sẽ hiệu quả hơn.
Theo Thứ trưởng, việc tìm kiếm những giải pháp thông minh để thúc đẩy phát triển năng lượng sạch đang ngày càng trở nên cấp thiết và quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng, đồng thời cũng là một nội dung trọng tâm trong Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh mà Việt Nam đang thực hiện.
Ông Patrick Wall, Tùy viên Thương mại, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM cho biết, trong những năm vừa qua, Hoa Kỳ và Việt Nam đã xây dựng được sự hợp tác sâu rộng và không ngừng phát triển với mục tiêu mang nguồn năng lượng sạch và tái tạo đến với thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng về năng lượng bền vững của Việt Nam. “Hội thảo này là một minh chứng mới nhất cho sự hợp tác ngày càng gia tăng giữa hai quốc gia trong lĩnh vực phát triển năng lượng sạch”, ông Patrick Wall nói.
Trong vai trò là nhà tài trợ của hội thảo, Công ty General Electric (GE) cũng chia sẻ những công nghệ và giải pháp tiên tiến nhất trong lĩnh vực năng lượng gió cũng như năng lượng phân tán, bao gồm năng lượng sinh khối và năng lượng từ chất thải. GE là công ty đã tạo dựng được danh tiếng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, đặc biệt là về năng lượng gió, đồng thời cũng đã hỗ trợ rất nhiều về mặt kĩ thuật cho các dự án năng lượng tái tạo và sản xuất điện tại Việt Nam. Công ty đã cung cấp hơn 62 tua-bin gió cho hai giai đoạn đầu của dự án điện gió Bạc Liêu ở Đồng bằng Sông Cửu Long, và gần đây nhất là được chọn trở thành nhà cung cấp 14 tua-bin trong giai đoạn đầu tiên của dự án trang trại gió Tây Nguyên tại tỉnh Đắk Lắk. Năm 2013, GE và Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) ký kết thỏa thuận về “nghiên cứu tích hợp năng lượng tái tạo”, nhằm mục tiêu phát triển năng lượng gió trở thành một nguồn năng lượng đáng tin cậy sử dụng cho lưới điện quốc gia.
“Với tư cách là một trong những công ty Hoa Kỳ đầu tiên có mặt tại Việt Nam, General Electric đã đồng hành cùng quá trình phát triển kinh tế của đất nước trong suốt 20 năm qua, tập trung chủ yếu vào 4 lĩnh vực thiết yếu: năng lượng, hàng không, thiết bị y tế, và dầu khí. GE luôn nỗ lực đóng vai trò hỗ trợ tích cực khi nhu cầu giải pháp năng lượng tái tạo hiệu quả ngày càng tăng tại Việt Nam. Chúng tôi có thể mang tất cả những kinh nghiệm quốc tế, năng lực nghiên cứu và phát triển cũng như nguồn nhân lực của mình, thông qua việc phát triển quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn với các khách hàng trong nước, để mang đến lợi ích cho Việt Nam một cách bền vững”,bà Nguyễn My Lan, Tổng Giám Đốc GE Việt Nam và Cam-pu-chia phát biểu.
Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư thì trở ngại lớn nhất hiện nay khi đầu tư, phát triển các dự án năng lượng sạch ở nhiều vấn đề như, chính sách, thu xếp nguồn vốn và giá bán.Đơn cử, hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật ở mức cao (Luật, Nghị định) để khuyến khích nhà đầu tư phát triển NLTT; chưa có chiến lược/quy hoạch/mục tiêu cụ thể phát triển NLTT ở cấp quốc gia. Trong khi đó, suất đầu tư lớn so với nguồn truyền thống, hỗ trợ của Nhà nước về vốn thấp so với các nước trên thế giới, lợi nhuận thấp hoặc không có. Về giá bán cũng có những bất cập như, giá điện gió thấp tính dựa trên giá điện than đã lạc hậu do giá than tăng mạnh; giá điện sinh khối chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư; giá điện từ pin mặt trời chưa được xây dựng…
Ngoài ra, còn một số vướng mắc, rào cản được nhìn nhận, như thiếu đội ngũ cán bộ kỹ thuật lành nghề được đào tạo bài bản về NLTT, công nghiệp phụ trợ cho các dạng NLTT chưa được chú trọng phát triển, mâu thuẫn lợi ích giữa phát triển các dự án NLTT với các quy hoạch phát triển các ngành kinh tế khác, rào cản về kỹ thuật trong việc đấu nối các nguồn NLTT bất ổn định với hệ thống điện khu vực như điện gió, điện mặt trời…
Việt Nam có tiềm năng rất lớn về các nguồn năng lượng tái tạo phân bố rộng trên khắp toàn quốc. Vị trí địa lý với gần 3400km bờ biển cung cấp nguồn năng lượng giótiềm năng ước tínhkhoảng 500 -1000 kWh/m2 mỗi năm. Nguồn năng lượng mặt trời phong phú với lượng bức xạ nắng trung bình 5kWh/m2/ ngày trên khắp cả nước. Hơn nữa, tiềm năng kĩ thuật của thủy điện nhỏ (< 30MW) cũng lớn hơn 4000MW…
Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ mong muốn đầu tư sâu rộng hơn trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam. Ngành năng lượng Hoa Kỳ có thể hỗ trợ công nghệ tiên tiến, kỹ năng chuyên môn và chiến lược tài chính để phát triển năng lượng sạch bao gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, địa nhiệt, than sạch, khí đốt tự nhiện, và lưới điện thông minh tại Việt Nam.