Trên thị trường hiện nay hầu hết cổ phiếu có tính thanh khoản cao đều là cổ phiếu của các ông lớn.
Chọn những ông lớn
Những cổ phiếu có khả năng thanh khoản cao không hẳn là cổ phiếu có lượng giao dịch nhiều nhất. Như cổ phiếu SIB chẳng hạn, theo thống kê từng phiên của Trung tâm Giao dịch chứng khoán (TTGDCK) TP.HCM (HoSTC ) trước đây người ta thấy cổ phiếu STB mỗi phiên giao dịch trên nửa triệu cổ phiếu, có phiên lên đến 1,3 triệu cổ phiếu. Thế nhưng, thời gian gần đây do cổ phiếu này được nhiều người tìm mua mà cổ đông thì muốn nắm giữ không bán ra khiến lượng giao dịch tụt xuống còn hơn 40.000 CP.
Có thể giải thích hiện tượng này như sau: Một thời gian, cổ phiếu STB của Sacombank gần như không tăng giá. Nên khi STB rục rịch tăng giá, có những người không nắm kỹ thông tin, thấy cổ phiếu tăng giá vội bán đi kiếm chênh lệch. Phiên 17-1 và 18-1 lượng giao dịch của STB lên đến hơn 1,1 triệu cổ phiếu. Nhưng rồi đến khi TTGDCK thông báo chính thức việc Sacombank sẽ cho quyền mua cổ phiếu theo tỷ lệ 2 CP cũ được mua thêm 1 CP mới với giá 15.000đ/CP, thì những cổ đông bán vội mới bật ngửa ra là mình đã bán hớ. Họ vội vã mua vô, nhưng đến thời điểm này thì còn bao nhiêu người bán!
Một số cổ phiếu trong thời gian qua luôn nằm trong bảng “tốp 5” gồm VNM (Vinamilk), VSH (thuỷ điện Vinh Sơn Sông Hinh), REE, PVD (Khoan và dịch vụ khoan dầu khí). Tuy nhiên, danh mục “tốp 5” được điều nghiên trong tháng 1.2007 của các chuyên gia thì chỉ có 3 “ghế” thành viên thường trực là STB, VSH và VNM, còn 2 “ghế” thành viên không thường trực thì được thay đổi bởi các cổ phiếu có tính thanh khoản khá như TDH, GMD, CII, BMP...
Mua OTC cũng cần quan tâm tính thanh khoản
Tất nhiên, cổ phiếu đã lên sàn giao dịch, niêm yết tại TTGDCK TP.HCM hay đăng ký giao dịch tại TTGDCK Hà Nội đều mang tính thanh khoản cao hơn khi còn là cổ phiếu ở thị trường tự do (OTC).
Với cổ phiếu ở thị trường OTC khi có thông tin sắp được lên sàn thì thị giá tăng lên rõ rệt, nhiều người săn mua nên dễ bán. Mức chênh lệch giữa cổ phiếu OTC và cổ phiếu niêm yết có thể tăng gấp 2 lần. Cụ thể như cổ phiếu TDH của Công ty CP Nhà Thủ Đức trước khi lên sàn giao dịch ở mức giá 120.000đ/CP , nhưng chào sàn tại mức giá 300.000đ/CP; hay như FPT lúc còn là cổ phiếu OTC được “cò chứng khoán” chào bán tại giá 240.000đ/CP thì lên sàn với giá 400.000đ/CP gấp 40 lần mệnh giá.
Những sự kiện trên đã làm cho nhà đầu tư lao vào mua những cổ phiếu OTC vì cho rằng có mức lãi cao. Nhưng thực tế, thị trường chứng khoán không có công thức nhất định. Có khi cổ phiếu đấu giá chính thức lần đầu ra thị trường đạt mức giá rất cao nhưng sau đó ngoài thị trường tự do giới “cò” chào bán giá thấp hơn, vẫn không bán được. Điều đó có nghĩa người mua phải cẩn trọng tìm hiểu thông tin cặn kẽ. Không thể mua theo phong trào, đến lúc cần không bán được.