Nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn lao động trong sản xuất, công đoàn Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia (NPT) đã tích cực tham gia vào việc tuyên truyền giáo dục CBCN về công tác an toàn lao động. Cụ thể, công đoàn thay mặt người lao động ký Thoả ước lao động tập thể với người sử dụng; Tuyên truyền giáo dục, phổ biến chính sách, huấn luyện bảo hộ lao động (BHLĐ) cho người lao động; Tham gia với chuyên môn xây dựng các chính sách, tiêu chuẩn, qui định về BHLĐ và xây dựng kế hoạch BHLĐ tại cơ sở; Kiểm tra và giám sát việc chấp hành pháp lệnh, chế độ chính sách về BHLĐ tại cơ sở; Đại diện công đoàn tham gia điều tra xử lý các vụ tai nạn lao động; Xây dựng, quản lý và chỉ đạo hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên; Tổ chức kiểm tra chấm điểm thi đua về BHLĐ; Tham gia với chuyên môn xét khen thưởng và xử lý các vụ vi phạm về BHLĐ; Xây dựng và quản lý hệ thống hồ sơ, sổ sách về công tác BHLĐ.
Theo ông Trịnh Tuấn Sơn, chủ tịch công đoàn NPT, Công đoàn có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát công tác BHLĐ, kiện toàn và chỉ đạo hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên tại cơ sở. Thực hiện kiểm tra giám sát công tác BHLĐ của người sử dụng lao động và người lao động, xử lý nghiêm vi phạm, khắc phục kịp thời sai sót, mang tính giáo dục cao mà không sa vào hình thức và chạy theo số lượng. Cụ thể, người sử dụng lao động phải xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động cùng với kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm với 5 nội dung chính: Các biện pháp về kỹ thuật an toàn, phòng chống cháy nổ; Các biện pháp về vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc; Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; Chăm sóc sức khoẻ, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp; Tuyên truyền, giáo dục và huấn luyện về BHLĐ. Trong đó, quan trọng nhất là các biện pháp về kỹ thuật an toàn, phòng chống cháy nổ và các biện pháp về vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc. Hai nội dung đó vừa thể hiện ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động về BHLĐ vừa thể hiện sự hiểu biết đặc điểm công nghệ của dây chuyền sản xuất, các yêu cầu về mặt ATLĐ cho con người và cho thiết bị, qua đó cũng xác định được qui mô, chi phí và các yêu cầu chi tiết của các nội dung còn lại.
Cũng theo ông Sơn, một trong những nguy cơ tiềm ẩn gây mất ATLĐ tại các kho vật tư là ở Khối các Ban quản lý dự án các công trình điện chỉ cử cán bộ phụ trách công tác an toàn lao động chung mà không có các an toàn vệ sinh viên tại các tổ sản xuất ở các kho vật tư, không ràng buộc trách nhiệm cụ thể giữa các Ban QLDA với các nhà thầu thi công, trong khi ở đó thường xuyên diễn ra các hoạt động sản xuất trực tiếp như giao nhận, bảo quản, vận chuyển, sử dụng các thiết bị. Thậm chí có cả các vật tư dễ cháy nổ và có yếu tố độc hại. Bên cạnh đó, các tổ chức công đoàn cần phải quan tâm đúng mức đến các yếu tố có thể gây bệnh nghề nghiệp ở cả khối sản xuất trực tiếp và khối hành chính tại các đơn vị. Cụ thể hoá công tác quản lý hoạt động của mạng lưới ATVSV và các chế độ sinh hoạt, bồi dưỡng nghiệp vụ, động viên về vật chất và tinh thần để mạng lưới ATVSV hoạt động có hiệu quả. Nhanh chóng khắc phục tình trạng đội ngũ làm công tác BHLĐ còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, chưa được quan tâm đúng mức. Tăng cường xây dựng hệ thống quản lý, thanh kiểm tra về BHLĐ thống nhất, đồng bộ, có chất lượng và hiệu quả trong toàn Tập đoàn. Tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, huấn luyện về BHLĐ chung trong Tập đoàn. Tiếp tục hoàn chỉnh các văn bản pháp luật, chế độ chính sách về BHLĐ phù hợp cho từng giai đoạn. Các tài liệu về an toàn không chỉ soạn riêng cho ngành điện mà phải chú ý đến cả các ngành phụ trợ. Tài liệu không nên chung chung áp đặt mà phải cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, giúp cho NLĐ hiểu rõ bản chất sự việc tại sao phải làm và tại sao không được làm, khi hiểu ra vấn đề họ sẽ dễ nhớ và tích cực thực hiện hơn.
Theo các chuyên gia, công tác ATLĐ chỉ thực sự có hiệu quả khi bản thân NLĐ biết tự phát hiện các yếu tố mất an toàn và tự đề xuất phương án giải quyết. Hiện nay ở nhiều nơi hiệu quả hoạt động của đội ngũ an toàn vệ sinh viên chưa cao vì họ chưa biết cách làm việc, chưa biết phát hiện những yếu tố mất an toàn, điều đó có lỗi của người sử dụng lao động trong việc lựa chọn và huấn luyện đội ngũ này. Khắc phục tình trạng này, công đoàn NPT đang tích cực phối hợp với chuyên môn đặc biệt chú trọng đầu tư cho lực lượng an toàn vệ sinh viên và tăng cường giáo dục tính kỷ luật, tự giác của NLĐ. Duy trì và tăng cường công tác kiểm tra an toàn lao động tại hiện trường nhằm giảm thiểu các hành vi vi phạm về công tác an toàn VSLĐ.