Tin trong nước

Khó - Dễ giao tiếp nơi công sở?

Thứ năm, 24/6/2010 | 14:36 GMT+7

Văn hóa ứng xử luôn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống. Song hiện nay, tại công sở, đặc biệt ở các cơ quan hành chính, nhà nước, văn hóa ứng xử vẫn chưa được đặt đúng vị trí...

Có thể nói rằng, tại các cơ quan hành chính, các phòng tiếp dân, trường học... trên cả nước, vẫn xuất hiện những câu hỏi thiếu chủ ngữ và vẻ mặt lạnh lùng của người cán bộ hay của nhân viên bảo vệ. Khi còn là sinh viên mới tốt nghiệp, tôi đến phòng đào tạo của trường để nộp ảnh làm bằng đại học. Đây là một trường đại học lớn tại Hà Nội, vậy mà dù đã đến giờ tiếp sinh viên quá đến 30 phút, tôi vẫn không thấy ai trong phòng. Chờ mãi, rồi cũng có một cô quần bò xắn đến tận đầu gối, dép lê loẹt quẹt mở cửa bước vào và nhìn tôi hỏi với bộ mặt lạnh như băng : “Có việc gì thế?”. Tôi rón rén khẽ hỏi “Cô cho hỏi bao giờ em có thể nhận được bằng ạ”? cô đanh giọng chát chúa: “Bằng gì mà bằng, vừa bảo vệ tốt nghiệp xong đã đòi bằng. Đi về, lúc nào có bằng sẽ thông báo sau”…

Một ngày có 24 giờ, nếu làm phép tính nhẩm đơn giản thì chắc chắn thời gian gặp gỡ, tiếp xúc với đồng nghiệp của mỗi người sẽ chiếm phần lớn. Tuy nhiên, đâu đó vẫn tồn tại những người là “cơn ác mộng” của giới văn phòng. Họ đơn giản là những kẻ nói năng thiếu chừng mực, hợm hĩnh. P là một phó phòng có năng lực và cá tính. Sự nghiệp và tương lai của anh rất rộng mở, nếu như anh không quá… nóng tính. Với nhân viên dưới quyền, hễ không vừa lòng việc gì là anh quát tháo ầm ĩ, dù việc đó không phải là quá to tát, nặng nề. Ỉ mình có khả năng, nên anh coi thường đồng nghiệp, thường nói theo kiểu ra lệnh khiến mọi người rất khó chịu. Ngay cả đối với sếp, nhiều khi anh cũng có những tranh luận (tất nhiên là về công việc) gay gắt quá mức độ cần thiết. Anh không hiểu một nguyên tắc trong môi trường công sở là phải học cách sống gần gũi, hòa bình với mọi người, nói năng nhẹ nhàng, vừa đạt hiệu quả trong giao tiếp vừa thể hiện mình là một con người có văn hóa. Chính vì thiếu những kỹ năng đó nên P càng ngày càng bị đồng nghiệp xa lánh, nhân viên dưới quyền vì sợ mà nghe lời, nhưng không thán phục. Còn sếp của anh, sau những lời xì xào, phàn nàn của mọi người trong cơ quan đã khiển trách vì lời nói thái độ thiếu chừng mực gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa chung của công ty.

Giao tiếp nơi công sở là một nghệ thuật và thể hiện nền tảng văn hóa của mỗi người nói riêng và của một tổ chức, doanh nghiệp nói chung. Vì thế, mỗi người hãy là một nhân tố tích cực bằng việc điều chỉnh hành vi, thái độ của mình để góp phần tạo ra môi trường làm việc văn hóa. Đồng thời, mỗi tổ chức, doanh nghiệp cũng cần xây dựng những tiêu chí cụ thể về văn hóa giao tiếp – coi đây là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành văn hóa doanh nghiệp của mình.

QUY TẮC 10 ĐIỂM TRONG VĂN HOÁ GIAO TIẾP NƠI CÔNG SỞ

1. Ân cần: Trong giao tiếp tránh tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt hoặc có vẻ mặt khó đăm đăm, bực tức. Luôn cần thể hiện sự quan tâm và tôn trọng đối tượng giao tiếp.

2. Ngay ngắn: Trang phục phù hợp, không tuỳ tiện, luộm thuộm; tác phong nhanh nhẹn.

3. Chuyên chú: Không làm việc riêng trong khi giao tiếp. Nhiều chị em phụ nữ mắc lỗi khi vừa trao đổi công việc, vừa cắt móng tay, móng chân, kẻ lông mày, tô son, đánh phấn…

4. Đĩnh đạc: Không trả lời thiếu chủ ngữ, cộc lốc, nhát gừng.

5. Đồng cảm: Cần thể hiện cảm xúc đúng lúc, đúng chỗ, mắt luôn hướng về người đối thoại bày tỏ sự quan tâm, đồng cảm.

6. Ôn hoà: Tránh nóng nảy, khi giao tiếp vung tay tuỳ tiện, đặc biệt là chỉ ngón tay về phía mặt đối tượng giao tiếp theo “nhịp điệu” của lời nói “đanh thép” của mình. Cần có thái độ ôn hoà.

7. Rõ ràng: Không nói quá to, nói quá nhiều. Tránh nói lạc đề hoặc nói quá nhỏ khiến người nghe phải căng tai mới nghe rõ.

8. Nhiệt tình: Thể hiện sự sẵn sàng phối hợp giúp đỡ đồng nghiệp khi cần thiết, đừng tỏ ra khó khăn, ích kỷ.

9. Nhất quán: Không nên phát ngôn bất nhất, thay đổi tuỳ tiện, chối phăng những điều đã nói ra hoặc dễ dàng hứa nhưng không làm theo lời hứa.

10. Khiêm nhường: Tránh tranh luận khi không cần thiết, không nên lúc nào cũng bộc lộ sự hiểu biết, sự khôn ngoan của mình hơn người, không nên dồn đối tượng giao tiếp vào thế bí để dành phần thắng về mình.   

Theo: TCĐL số 5/2010