Công nhân Điện lực Nghĩa Lộ (Công ty Điện lực Yên) Bái lắp đặt công tơ điện tử cho khách hàng. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Tại Diễn đàn công nghệ và Năng lượng Việt Nam năm 2022, cả cơ quan quản lý Nhà nước và chuyên gia đều nhấn mạnh, cần quyết liệt triển khai Quyết định 24/2018/QĐ-TTg vào thực tế nhằm đạt mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng từ 8-10% theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2021-2030.
Có thể thấy, đối tượng thực hiện Quyết định 24 đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ ra rất cụ thể, rõ ràng. Cơ sở pháp lý để thực thi các chính sách tiết kiệm năng lượng về cơ bản đầy đủ. Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị ban hành ngày 11/02/2020 cũng đã yêu cầu “Triển khai chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng giai đoạn 2021 - 2030, trọng tâm là nghiên cứu chế tạo thiết bị năng lượng và ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, tiết kiệm năng lượng”.
Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng dẫn chứng số liệu của Bộ Công Thương về hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng của nhà máy điện tua bin hơi đốt than, dầu của nước ta chỉ đạt được từ 28-36% thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 8-10%; hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% vào năm 2010 và dù đã được nâng lên xấp xỉ 70% vào thời điểm hiện nay, nhưng mức này vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 10% và so với các nước phát triển thì còn thấp hơn nữa. Từ việc đầu tư cho giảm phát thải khí nhà kính và thông qua sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) hàng năm trong giai đoạn 2015-2020 của thế giới dao động từ 150-270 tỷ USD và tăng mạnh lên tới 300 tỷ USD vào năm 2021, trên cơ sở nguồn lực của Việt Nam gắn với cam kết COP 26, Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng cho rằng tiết kiệm năng lượng và SDNLHQ có vai trò quan trọng để thu hẹp khoảng cách giữa các tham vọng về khí hậu và xu hướng hiện tại.
Theo kịch bản tính toán phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 thì tổng đầu tư hàng năm sẽ cần tăng gấp 3 lần vào năm 2030. Do đó, bên cạnh các giải pháp cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính đang được thực hiện một cách mạnh mẽ thì việc mở rộng các công nghệ và giải pháp thúc đẩy năng lượng hiệu quả toàn cầu là hết sức cần thiết để đảm bảo các cam kết về khí hậu.
Theo ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững Bộ Công Thương, cường độ năng lượng của một quốc gia phụ thuộc vào 3 yếu tố cơ bản: Thứ nhất là cơ cấu của nền kinh tế, thứ 2 là mức độ tiên tiến của các công nghệ được ứng dụng trong các ngành và thứ 3 là hành vi về sử dụng năng lượng. Cùng với việc sửa đổi Luật SDNLTK&HQ theo hướng nâng cao trách nhiệm của các đối tượng sử dụng năng lượng, ông Trịnh Quốc Vũ cho rằng, "muốn đạt được mục tiêu và tiết kiệm năng lượng thì chúng ta phải đầu tư vào các giải pháp công nghệ, thiết bị, thay thế những công nghệ - thiết bị cũ bằng công nghệ - thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng hơn. Đấy là cần nguồn lực, nguồn lực này sẽ từ xã hội, các doanh nghiệp - như đối với các doanh nghiệp sản xuất cũng cần phải có đầu tư rất nhiều kinh phí, nguồn lực và Chính phủ cũng cần phải có các cơ chế để hỗ trợ cho doanh nghiệp, và nguồn lực từ trong dân".
Từ các nghiên cứu của mình, TS Phạm Văn Long - ĐH quốc gia Yokohama, Nhật Bản cho rằng, có tới 80% năng lượng tiêu thụ tại Việt Nam và khoảng 90% năng lượng tiêu thụ tại các nước APEC hiện đang sử dụng là từ năng lượng phát thải khí CO2; Các tải nhóm động cơ chiếm khoảng gần 50% trên tổng năng lượng tiêu thụ điện. Vì vậy, việc đầu tư giải pháp công nghệ vào nhóm tải động cơ nhằm giảm tiêu thụ năng lượng điện tại Nhật Bản rất được coi trọng.
"Tại Nhật Bản cũng như các nước phát triển trên thế giới thì các công nghệ điều khiển động cơ sử dụng biến tần được phát triển mạnh mẽ. Ở đây có thể thấy là động cơ được điều khiển các bộ biến tần, điện tử công suất… và các nghiên cứu trong thực nghiệm cũng chỉ ra rằng, khi chúng ta điều khiển với tốc độ động cơ sử dụng biến tần thì sẽ được hoàn vốn đầu tư trong khoảng 3 năm. Tuy nhiên là hoàn toàn sau đó thì năng lượng tiêu thụ điện sẽ giảm rất mạnh và tiết kiệm được rất nhiều năng lượng".
Thực tiễn tại Việt Nam, việc doanh nghiệp đầu tư giải pháp công nghệ tuần hoàn khép kín thu hồi nguồn nhiệt, khí dư thừa để phát điện của Nhà máy nhiệt điện Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất cũng cho thấy, lượng điện phát ra cung cấp cho các nhà máy trong Khu liên hợp sử dụng trong 6 tháng tháng đầu năm 2022 đạt 1,07 tỷ kWh, đáp ứng khoảng 76% nhu cầu cấp điện của Khu liên hợp. Đây là giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả, giảm giá thành sản phẩm trong bối cảnh nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất biến động, tăng cao.
Theo các chuyên gia, để triển khai có hiệu quả Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy tích cực việc loại bỏ được các trang thiết bị sử dụng kém hiệu quả năng lượng và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới trên địa bàn cả nước, cần tập trung đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Bởi, Việt Nam hiện có gần 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, trong đó có khoảng 2.500 cơ sở sản xuất công nghiệp, nhưng tiêu thụ tới hơn 30% tổng điện năng toàn quốc. Nếu đầu tư các giải pháp công nghệ tuần hoàn khép kín như doanh nghiệp Hoà Phát sẽ không chỉ tiết kiệm điện trực tiếp trong quá trình sản xuất, mà còn sản xuất ra điện từ chính quá trình sản xuất của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm này.