Năm 2020 đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử, công suất điện than bị đóng cửa, ngừng hoạt động cao hơn lượng được đưa vào vận hành trong giai đoạn 6 tháng. Cụ thể, từ ngày 1/1 – 30/6/2020, 18,3GW điện than đã được đưa vào vận hành trong khi 21,2GW bị đóng cửa, dẫn đến mức sụt giảm ròng 2,9GW trên toàn cầu, theo kết quả mới nhất từ cơ sở dữ liệu theo dõi các dự án điện than toàn cầu của Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (GEM).
Bên ngoài Trung Quốc, công suất vận hành của các nhà máy điện than đã đạt đỉnh vào năm 2018 và xu hướng này có vẻ sẽ chững lại khi số lượng các nhà máy sắp sửa bị đóng cửa theo kế hoạch bên ngoài Trung Quốc vượt quá lượng dự kiến được đưa vào vận hành.
Công suất điện than toàn cầu suy giảm chủ yếu nhờ châu Âu cho ngừng hoạt động 8,3GW điện than vào năm 2020. Với kế hoạch cho ngừng hoạt động thêm 6GW điện than trong năm nay, châu Âu đang trên đường xác lập một năm giảm kỷ lục nguồn năng lượng này.
Công suất điện than toàn cầu lần đầu suy giảm bất chấp dự án của Trung Quốc
Trong nửa đầu năm 2020, Trung Quốc đi đầu về phát triển nhà máy điện than, chiếm 90% công suất được đề xuất bổ sung (tương đương 53,2GW trên tổng 59,4GW), 86% công suất được bắt đầu xây dựng (12,8GW trong 15GW) và 62% công suất đưa vào vận hành (11,4 GW trong 18,3 GW).
Việc xây dựng thêm các nhà máy điện than quy mô lớn sẽ chỉ làm trầm trọng hơn nữa cuộc khủng hoảng dư thừa điện than của quốc gia này, hạ thấp công suất vận hành trung bình trong thực tế của các nhà máy điện than của Trung Quốc từ dưới 50% như hiện nay xuống còn dưới 45% vào năm 2025, theo một báo cáo Đại học Maryland mới công bố cuối tuần qua.
Tại Đông Nam Á, chỉ có 1GW công suất điện than được đề xuất bổ sung và 0,8GW công suất được bắt đầu xây dựng trong nửa đầu năm 2020, giảm 70% so với mức trung bình của khu vực với 2,9GW đề xuất bổ sung và 2,7GW xây mới sau mỗi sáu tháng kể từ năm 2015.
Quy hoạch điện VIII sắp tới của Việt Nam đang đề xuất loại bỏ 9,5GW công suất điện than đã phê duyệt và đẩy lùi thêm 7,6GW đến sau năm 2030. So với quy hoạch 7 điều chỉnh, mức giảm này sẽ loại bỏ gần một nửa (48%) công suất nhiệt điện than được quy hoạch bổ sung đến năm 2030, từ 35,5GW xuống còn 18,4GW.
Bộ trưởng năng lượng Bangladesh gần đây tuyên bố nước này có thể sẽ hạn chế xây thêm nhà máy điện than trong tương lai, chỉ cho phép bổ sung trong mức 5GW vào 1,2GW đang vận hành. Với 4,8GW hiện đang được xây dựng tại Bangladesh, đề xuất cắt giảm này đồng nghĩa với việc hủy bỏ 16,3GW điện than chưa đi vào xây dựng trong quy hoạch.
Vào tháng 2/2020, Ai Cập cho biết sẽ hoãn thi công nhà máy điện than Hamrawein công suất 6,6GW và thay vào đó khởi động một dự án năng lượng tái tạo. Với quyết định này, Ai Cập đã tạm hoãn hoặc hủy bỏ toàn bộ 15,2GW điện than mới trong quy hoạch.
Liên hợp quốc đã kêu gọi các nước thực hiện đình chỉ việc xây dựng các nhà máy điện than mới vào năm 2020 nhằm đáp ứng mục tiêu của hiệp định khí hậu Paris. Tuy nhiên, vẫn còn 189,8GW công suất điện than đang được xây dựng trên toàn cầu và 331,9 GW khác đang trong giai đoạn lập kế hoạch tiền xây dựng.
Từ nay đến năm 2030, sản xuất điện than toàn cầu cần tiếp tục giảm 50 – 75% so với dưới mức hiện tại để hạn chế nhiệt độ Trái Đất ấm lên ở mức dưới 2° C, theo phân tích của GEM dựa trên các kịch bản của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu.
Christine Shearer, Giám đốc chương trình về than tại GEM, nhận định đại dịch Covid-19 đã làm đình trệ việc phát triển nhà máy điện than trên toàn thế giới, đem đến một cơ hội hiếm hoi cho các quốc gia đánh giá lại kế hoạch năng lượng của mình trong tương lai và lựa chọn con đường tối ưu hóa chi phí, đó là thay thế năng lượng than bằng năng lượng sạch. Cuộc chuyển đổi này nếu diễn ra sẽ kích thích các nền kinh tế, tạo việc làm mới và giúp thế giới đáp ứng được các mục tiêu khí hậu toàn cầu.