|
Thi công trên đập bêtông đầm lăn. Ảnh: H.P. |
Kỹ sư Vũ, cán bộ kỹ thuật của Ban điều hành tổng thầu công trình người dẫn tôi đi thăm quan công trường cười nói: Anh là người ngoại đạo thấy choáng ngợp là chuyện bình thường. Ngay như dân công trường chúng tôi, nhiều người khi mới đến cũng thấy choáng vì quy mô của nó.
Rồi Vũ giải thích cho tôi, nếu như thuỷ điện Hoà Bình, vốn là công trình thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á trước đây, có 8 tổ máy với tổng công suất là 1.920 Megawatt (MW) thì thuỷ điện Sơn La chỉ có 6 tổ máy, nhưng tổng công suất lên tới 2.400MW. Tất nhiên so sánh với thuỷ điện Tam Hiệp (trên sông Dương Tử, Trung Quốc), thuỷ điện lớn nhất thế giới hiện nay với công suất 18.200MW thì thuỷ điện Sơn La vẫn không thấm tháp vào đâu.
Theo như kế hoạch, vào khoảng tháng 5.2010, thuỷ điện Sơn La sẽ tiến hành nút hầm và tích nước vào hồ chứa. Tổng diện tích lòng hồ là 224km2, tiếp đó vào cuối năm 2010 sẽ phát điện tổ máy số 1 và đến đầu 2013, tổ máy số 6 cũng sẽ chính thức đi vào hoạt động, cung cấp sản lượng điện xấp xỉ 10,2 tỉ kWh/năm.
Dẫn tôi tới 2 cửa hầm, thực ra là cửa cống dẫn dòng của công trình, nằm ngay phía dưới đập bêtông đầm lăn (RCC), kỹ sư Vũ giải thích: Nút cống tích nước là sẽ bịt 2 cửa cống dẫn dòng này cả từ phía trên thượng lưu và hạ lưu nhà máy, sau đó, bơm toàn bộ nước trong lòng cống ra và đổ bêtông. Ước tính sẽ phải đổ khoảng 30.000m3 bêtông thường mới lấp đầy được cống dài khoảng 100m, khi đó, sẽ bắt đầu giai đoạn tích nước lòng hồ. Toàn bộ mọi công việc hiện đang diễn ra hết sức thuận lợi và theo đúng tiến độ đề ra.
Theo Ban Điều hành tổng thầu dự án thuỷ điện Sơn La, trên công trường hiện có khoảng 10.000 cán bộ, công nhân viên đang làm việc ba ca với tinh thần “tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”. Số lượng công việc nhiều như vậy, nhưng trên toàn công trường chỉ có 235 cán bộ kỹ thuật có nhiệm vụ giám sát các công đoạn, luôn thường trực tác chiến để sẵn sàng xử lý các sự cố nảy sinh.
Ngay phía trên đầu chúng tôi là dây chuyền vận chuyển bêtông RCC của Nhật Bản chạy uốn lượn từ nhà máy tới thẳng đập bêtông. Theo như những gì mà tôi được giải thích thì đây là một công nghệ mới được áp dụng tại công trình này. Bêtông RCC có độ kết dính cao hơn bêtông thường và đông cứng nhanh hơn, vì vậy cùng trong một khoảng thời gian, nếu dùng RCC sẽ đạt được số lượng nhiều hơn so với bêtông thường.
Để triển khai xây dựng đập theo phương án bêtông RCC với cường độ 90.000m3/tháng, cường độ đỉnh tới 150.000m3/tháng cần phải có thiết bị thi công tiên tiến hiện đại. “Chính vì vậy, ngay sau khi thống nhất với chủ đầu tư, tư vấn thiết kế lựa chọn hệ thống trạm trộn 720m3/giờ với hệ thống thiết bị làm lạnh và hệ thống băng tải vận chuyển vữa bêtông ra mặt đập để thi công”, lãnh đạo ban điều hành cho biết.
Đưa tôi vào trong đường hầm cao độ 138.1, nơi phát ra những tiếng máy khoan sè sè. Vũ giải thích tiếp: Có 3 đường hầm chạy từ bờ trái sang bờ phải của thuỷ điện, mỗi đường hầm dài khoảng trên 900m, ngoài ra còn có các đường hành lang chạy dọc vuông góc với đường hầm.
Với các đường hầm, người ta có thể thường xuyên và dễ dàng kiểm tra, giám sát phía thân bên trong thân đập, kịp thời sửa chữa, ngăn chặn những sự cố hỏng, nứt trong thân đập. Để đảm bảo chất lượng của các hầm và hành lang, công nhân phải tiến hành khoan phun chống thấm và khoan thoát nước. Có hàng ngàn mũi khoang được thực hiện. Toàn bộ công việc sẽ được hoàn thành trong tháng 4 trước khi thuỷ điện Sơn La tích nước vào tháng 5.