Công trình xanh thân thiện môi trường

Thứ ba, 13/4/2021 | 09:14 GMT+7
Qua ba năm triển khai, hàng chục công trình về lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tại các điểm trường, nhà thiếu nhi, cơ sở mái ấm trên địa bàn thành phố của các đoàn viên Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh trở thành điểm sáng trong công tác chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của tuổi trẻ thành phố thực hiện trong thời gian qua.

Đoàn viên, thanh niên ngành điện thành phố lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tặng các cơ sở mái ấm, trung tâm nuôi dạy trẻ em khó khăn trên địa bàn thành phố.
 
Trường tiểu học Thạnh An, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ là điểm trường nằm tách biệt trên xã đảo với nhiều khó khăn trong dạy và học, nhất là các khoản kinh phí về điện, nước hằng tháng. Tuy nhiên, từ khi trường được lắp đặt hệ thống điện mặt trời, Ban Giám hiệu nhà trường đã bớt đi một “gánh nặng” về tiền điện hằng tháng.

Cô giáo Đinh Thị Liễu, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Thạnh An cho biết: “Công trình là niềm cổ vũ, động viên thầy và trò ở vùng ấp đảo xa xôi, còn gặp nhiều khó khăn. Đây không chỉ là nguồn năng lượng xanh mà còn góp phần giúp nhà trường tiết kiệm chi phí tiền điện, giảm áp lực điện lưới đến với địa bàn từ đó có thêm kinh phí để chăm lo những hoạt động giáo dục khác”. Để lắp đặt được công trình, các đoàn viên, thanh niên Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh đã vất vả đưa các thiết bị, vật liệu vượt sông để triển khai công trình suốt nhiều tuần liền.
 
Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, Huỳnh Tấn Khương cho biết: Quá trình triển khai công trình “Chung tay sử dụng năng lượng xanh”, các địa điểm mà Đoàn và các đơn vị phối hợp hướng đến là các điểm trường, trung tâm nuôi dạy trẻ có hoàn cảnh khó khăn, các trung tâm nuôi dạy trẻ thiếu điều kiện phát triển;… Đây vừa là cách để các đoàn viên, thanh niên chung tay thực hiện các công trình xanh bảo vệ môi trường, vừa là để cùng các trung tâm, điểm trường giảm được chi phí tiền điện hằng tháng, qua đó giúp họ có thêm điều kiện để triển khai các hoạt động chăm lo cho các đối tượng ở đây. Đơn cử như công trình điện mặt trời được lắp đặt tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tân Bình có công suất 3.2 kWp. Khi hệ thống được đưa vào sử dụng sẽ giúp trung tâm tiết kiệm được gần 400 kW giờ/tháng, tương đương 11,5 triệu đồng/năm. Từ đó, trung tâm có thêm ngân sách để đầu tư, cải thiện cơ sở giảng dạy và chăm lo cho các em.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, Bùi Trung Kiên cho hay: Xuất phát từ suy nghĩ công trình sẽ mang lại ý nghĩa đặc biệt cho Trung tâm, cho nên đơn vị đã phối hợp cùng Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách khoa (SolarBK) tập trung hoàn thành công trình kịp tiến độ. Công trình không chỉ mang lại giá trị vật chất cho Trung tâm mà còn giúp truyền cảm hứng cho cộng đồng về việc sử dụng năng lượng sạch, góp phần bảo vệ môi trường. Bà Lê Thị Kim Chi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tân Bình cho biết: “Chính sự quan tâm, đồng hành của các đơn vị, SolarBK đã giúp Trung tâm thêm nguồn điện, hỗ trợ giảm được tiền điện hằng tháng, giúp cho học sinh được học trong môi trường an toàn, mát mẻ”.
 
Ra đời từ năm 2018, công trình “Chung tay sử dụng năng lượng xanh” tập trung vào việc phối hợp các đơn vị tài trợ thiết bị, đồng thời huy động lực lượng đoàn viên tình nguyện có chuyên môn tham gia lắp đặt miễn phí hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà tại các điểm trường, nhà thiếu nhi, trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật trên địa bàn thành phố. Qua công trình, Đoàn Thanh niên Tổng công ty mong muốn góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về ý thức bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu bằng những việc làm thiết thực, cụ thể như: sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, khuyến khích người dân hướng đến sử dụng các nguồn năng lượng xanh, thân thiện với môi trường, giúp tiết giảm chi phí tại các địa điểm trường, nhà thiếu nhi, trung tâm nuôi dạy các em thiếu nhi mồ côi, khuyết tật đang còn nhiều khó khăn.

Từ năm 2018 đến nay, đoàn thanh niên các đơn vị thuộc Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh đã thực hiện lắp đặt được 28 hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà cho các điểm trường học các cấp, trường dạy trẻ em chuyên biệt, mái ấm, nhà thiếu nhi trên địa bàn thành phố với tổng công suất lắp đặt 110,67 kWp; tổng kinh phí thực hiện gần 2,5 tỷ đồng. Năm 2021, đơn vị dự kiến sẽ tiếp tục phối hợp các doanh nghiệp triển khai thêm 15 công trình khác.
 
Với những giá trị, ý nghĩa mang lại cho xã hội, môi trường, “Chung tay sử dụng năng lượng xanh” là một trong các công trình được nhận Giải thưởng Hồ Hảo Hớn do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh trao tặng. Đại diện Thành đoàn TP Hồ Chí Minh đánh giá: Công trình “Chung tay sử dụng năng lượng xanh” đã phát huy được chuyên môn, nghiệp vụ, tính xung kích tình nguyện của đoàn viên, thanh niên có tay nghề; góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội hiểu rõ hơn về ý nghĩa, lợi ích của việc sử dụng năng lượng điện mặt trời góp phần bảo vệ môi trường.
 
Giải thưởng Hồ Hảo Hớn là giải thưởng cao quý nhất của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP Hồ Chí Minh trao cho các tập thể, cá nhân có sáng kiến mới, áp dụng thành công vào thực tiễn hoặc có đề tài nghiên cứu về công tác thanh niên đóng góp cho sự phát triển của tổ chức Đoàn. Những sáng kiến, mô hình của nhiều tập thể, cá nhân đoạt giải năm nay đã khẳng định được tinh thần và trách nhiệm của tuổi trẻ khi hướng đến cộng đồng.
Theo: Nhân dân