Nhiều hạng mục đang được hoàn tất
Đêm trắng công trường
Đêm Tây Bắc. Trong tiết trời lạnh giá như muốn cắt từng làn da thớ thịt ở những ngày cuối đông, nhưng cả một vùng núi rừng vẫn sáng rực trong ánh đèn thi công. Trong sự hỗn độn âm thanh của xe, của máy, của sắt thép xi măng là những chiếc xe ca hối hả đưa đón công nhân thay ca. Âý vậy nhưng những người công nhân ở đây dường như không để ý tới giá rét của núi đồi vùng cao, họ đang hăng say với công việc. Tại khu vực đập chính, được xây dựng bằng công nghệ bê tông đầm lăn (RCC), kỹ sư Đặng Quốc Bảo, Trưởng phòng Kỹ thuật cho biết: Đổ bê tông RCC là phương pháp thi công mới, hiện đại đòi hỏi quy trình kỹ thuật và các điều kiện rất khắt khe, chịu nhiều ảnh hưởng của yếu tố thời tiết. Để có được loại bê tông này cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhiều đơn vị khác nhau. Nguyên liệu trước khi trộn phải làm lạnh dưới 100C, nhiều hôm trời nóng, phải dùng cả đá băng để làm lạnh. Chất phụ gia đặc biệt chính của bê tông này là tro bay của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. Sở dĩ RCC được gọi là bê tông lạnh bởi khi tại trạm trộn nhiệt độ phải đạt 18 độ C và khi băng truyền đưa ra đến hiện trường để đầm lăn không được quá 220C. Do đó, bê tông được thực hiện theo quy trình khép kín, từ trạm trộn đến vị trí thi công dài hàng cây số. Cứ như vậy, lớp nọ nối liền lớp kia, liên tục, suốt ngày đêm nên cán bộ công nhân cũng phải “chạy” theo.
Anh Nguyễn Văn Thanh - một “tổ lái” xe lu thuộc Xí nghiệp 908 - vừa bàn giao xe cho đồng đội, vui vẻ cho biết: “Ngày 8/10/2008, công trường làm lễ ăn mừng đổ khối bê tông RCC thứ 1 triệu. Đây là kết quả của sự nỗ lực sau 8 tháng 5 ngày kể từ khi đổ khối bê tông đầu tiên”. Vất vả là vậy, nhưng các anh vẫn nhớ được cả mốc thời gian làm việc. Tiến độ thi công đòi hỏi công nhân công trường làm 3 ca, 4 kíp, máy móc không nghỉ và công nhân cũng phải“giao ca sống” là chuyện bình thường. Rồi anh tâm sự: “Lại thêm một cái Tết nữa xa nhà. Mình không nhớ đã cùng anh em công nhân đón giao thừa trên công trường bao nhiêu lần rồi, song đó cũng là niềm hạnh phúc và vinh dự vì được đảm nhận trọng trách công việc của thời khắc đầu tiên khởi đầu cho một năm mới”. Thanh kể: Tết năm 2007, toàn bộ cán bộ, công nhân xí nghiệp ăn tết ở công trường và năm nay sẽ thêm một lần lỗi hẹn với gia đình. Với các công nhân như anh Thanh, thì công trường đã là nhà từ nhiều năm nay, từ thủy điện Yaly, Tuyên Quang rồi đến Sơn La. Không vinh dự sao được, khi họ chính là những người ngày đêm đang lao tâm khổ trí để làm ra nguồn điện, góp phần tạo nên những mùa xuân tươi đẹp cho đất nước.
Ông Nguyễn Kim Tới - Phó TGĐ Tổng công ty Sông Đà, Giám đốc Ban điều hành dự án thủy điện Sơn La - phấn khởi cho biết: Tốc độ thi công đập chính bằng bê tông RCC trong năm qua đã làm các nhà tư vấn giám sát và nhà thầu cung cấp thiết bị nước ngoài phải thán phục. Họ khẳng định đập bê tông đầm lăn thủy điện Sơn La là một trong những đập được xây dựng nhanh nhất thế giới. Loại bê tông này có một ưu thế đặc biệt, một công ty sản xuất bê tông trộn sẵn thông thường phải mất từ 15-20 năm mới có được 1 triệu m3. Đắp đập bằng bê tông RCC với cường độ bình quân trên 100.000 m3/tháng như hiện nay thì tiến độ sẽ nhanh gấp 4 lần so với đập thuỷ điện Hòa Bình. Dự tính nếu nhà máy phát điện sớm mỗi năm sẽ làm lợi cho nền kinh tế trên 500 triệu USD.
Vì dòng điện ngày mai
Hiện nay, đang có mặt ngày đêm ở đại công trường thuỷ điện Sơn La là gần 10.000 người. Đặc biệt, để thực hiện “Chiến dịch thi đua 360 ngày đêm vì mục tiêu hoàn thành tiến độ công trình thủy điện Sơn La năm 2009”, 4 đơn vị chủ lực thi công đã huy động một đội ngũ công nhân, thiết bị máy móc hùng hậu nhất, tranh thủ ngày đêm triển khai các hạng mục của công trình.
Kết quả lao động sáng tạo của các đơn vị trong thời gian qua là cơ sở quan trọng, góp phần bảo đảm để vượt tiến độ về đích sớm hai năm so với dự kiến ban đầu. Năm 2008, các đơn vị thi công đã đổ trên 1,26 triệu m3 bê tông RCC đập chính, vượt mục tiêu đặt ra; lắp đặt gần 6.500 tấn thiết bị máy móc; khai thác hơn 1 triệu m3 đá; sản xuất 522.000m3 cát nghiền, 1,04 triệu m3 đá dăm các loại; khoan phun chống thấm 13.590m dài, khoan phun gia cố 2.100m dài... Điều khiến chúng tôi cảm thấy phấn chấn hơn còn bởi, khi đến đơn vị thi công nào trên công trường chúng tôi cũng đều bắt gặp những gương mặt hân hoan, tự tin. Tại khu vực lắp đặt ống áp lực, kỹ sư Nguyễn Đức Sỹ, Đội trưởng Đội hàn 962 của Lilama, tạm dừng tay, vui vẻ: “Tuy mỗi đơn vị đảm nhận một công việc, nhưng tất cả đều nỗ lực hết mình. Mối quan tâm chung nhất của mọi người là tiến độ và tiến độ”. Đúng vậy, là một công trình mang tầm vóc lịch sử, nhưng lại thể hiện rất rõ về lợi ích kinh tế - xã hội như công trình thuỷ điện Sơn La thì tiến độ luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu. Và, hẳn nhiên, để đạt được điều này là cả một quá trình nỗ lực của hàng nghìn con người đang bám trụ tại công trường.
Cùng với đội ngũ cán bộ, kỹ sư, lao động trực tiếp, sự thành công của tiến độ công trình còn phải kể đến những đóng góp thầm lặng của các lực lượng khác, trong đó có những cán bộ chiến sĩ công an. Qua Trung tá Lê Đức Mạnh, Phó đồn Công an bảo vệ Thủy điện Sơn La chúng tôi còn được biết những gian nan vất vả mà các anh đã vượt qua từ những ngày đầu công trình tổ chức lễ ngăn sông. Hồi ấy, hệ thống đường xá chưa hoàn chỉnh, hàng ngàn xe tải loại lớn ngày đêm cày xới tung bụi mịt mù. Chỉ cần đi tuần tra khoảng 10 km, đưa tay lên vai áo là có thể bốc được một nắm bụi. Mỗi lần vào báo cáo chỉ huy, anh em phải đứng ngoài cửa phủi quần áo vài phút. Rồi đến lúc đường xá hoàn thành, tuy đỡ phải rẽ cây băng rừng, nhưng con đường tuần tra dài hơn, phải vượt thêm nhiều dốc núi khiến đồng lương ít ỏi của các chiến sỹ lại phải cáng thêm một khoản không nhỏ tiền xăng, nhất là thời điểm xăng lên giá. Với một công trường ngổn ngang nơi miền sơn cước đang tập trung gần 1 vạn con người, việc giữ gìn an ninh trật tự thật không đơn giản. Đó là chưa nói đến sự phức tạp, hiểm nguy ngày đêm vẫn rình rập ngay trên mỗi bước đường tuần tra, trong sinh hoạt thường ngày ở chốn “thâm cùng sơn cốc” này.
Xuân đã về trên khắp nẻo đường Tây Bắc. Những cánh đào đang trải dài trên các cánh rừng đại ngàn. Xen trong tiếng suối róc rách là tiếng cười giòn tan của những chàng trai cô gái Thái trên đường xuống chợ. Rời đại công trường, chia tay với sự sôi động của không khí thi đua vì dòng điện ngày mai, chúng tôi trào dâng một cảm giác lâng lâng khó tả mỗi khi hướng về phía núi rừng Tây Bắc của tổ quốc. Tết này, hàng nghìn người tiếp tục xa quê, nhưng chắc chắn họ luôn cảm nhận được hạnh phúc. Bởi, họ có hàng triệu con người ngưỡng vọng, trước mặt họ là đại công trường thuỷ điện lớn nhất khu vực và trong lòng họ luôn sáng lên niềm tin về những mùa xuân tươi đẹp của đất nước./.