Cán bộ, nhân viên kỹ thuật đang trực vận hành hệ thống SCADA tại Công ty Điện lực Bình Dương.
Đôi bên đều hưởng lợi
Ông Lê Minh Quốc Việt, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương (PCBD), cho biết thực hiện mục tiêu chuyển đổi số cung cấp các nội dung về hệ thống đo xa. Đến nay, công tác ghi chỉ số bằng điện thoại thông minh, khảo sát cấp điện bằng máy tính bảng cho thấy lợi ích khi áp dụng công nghệ số trong công tác kinh doanh, dịch vụ. Trong đó, công tác lắp đặt công tơ điện tử và hệ thống đo ghi từ xa tiếp tục không ngừng cải tiến thiết bị trong đo đếm điện năng, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng theo định hướng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Đến nay, PCBD đã triển khai lắp đặt và thay thế công tơ điện tử cho 382.266 khách hàng sử dụng điện, chiếm tỷ lệ 69,55% trên tổng số khách hàng đang quản lý (382.266/549.640). PCBD đã lắp hệ thống đo ghi từ xa cho 281.676 khách hàng, trong đó có 6.648 khách hàng sử dụng điện qua trạm biến áp riêng, 275.028 khách hàng sử dụng điện sau trạm công cộng, chiếm tỷ lệ 51,25% trên tổng số khách hàng đang quản lý. Theo lộ trình, đến năm cuối năm 2025, PCBD sẽ hoàn tất lắp đặt 100% công tơ điện tử và hệ thống đo ghi từ xa cho tất cả các khách hàng mua điện trên địa bàn. “Triển khai hệ thống đo xa, khách hàng có thể theo dõi chỉ số điện năng tiêu thụ tại bất kỳ thời điểm nào bằng cách truy cập vào web chăm sóc khách hàng của ngành điện, đồng thời có thể tự giám sát được sản lượng điện tiêu thụ hay mức tải đã và đang sử dụng trong từng thời điểm, từ đó có giải pháp điều chỉnh phụ tải hợp lý hơn trong quá trình sản xuất. Riêng đối với ngành điện giảm được nhân công, giảm được các sai sót trong quá trình ghi chỉ số điện năng tiêu thụ hàng tháng”, ông Việt nói.
Ngoài việc giám sát từ xa sản lượng điện sử dụng của khách hàng, ngành điện còn giám sát được sản lượng điện phân bổ và phân tích tổn thất. Qua đó, kịp thời phát hiện những trường hợp hư hỏng hệ thống đo đếm, việc khắc phục sẽ nhanh chóng hơn. Ngoài ra, do có dữ liệu lưu trữ về sản lượng điện năng tiêu thụ ở những thời điểm trước khi hệ thống đo đếm hư hỏng, việc tính toán truy thu sản lượng điện năng tiêu thụ trong thời gian hệ thống đo đếm bị hư hỏng sẽ chính xác.
Ghi chỉ số bằng thiết bị thông minh
Ông Lê Minh Quốc Việt cho biết thêm nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, PCBD đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới trong công tác ghi chỉ số bằng điện thoại thông minh. Triển khai công nghệ mới đã giảm được các công đoạn ghi chép thủ công, kiểm soát được các khách hàng tiêu thụ điện bất thường, giảm nhân công phúc tra, đặc biệt tiết kiệm thời gian nhập số liệu vào hệ thống CMIS. Thiết bị sử dụng hệ điều hành Android tương thích với các thiết bị di động, máy tính bảng.
Đến thời điểm hiện tại, có 48,75% số công tơ được ghi chỉ số bằng điện thoại di động. Giải pháp này đã mang lại nhiều lợi ích, giúp khách hàng biết sản lượng điện tiêu thụ và số tiền phải trả ngay sau khi ghi điện, hạn chế thấp nhất các sai sót từ khâu nhập chỉ số, kiểm tra chỉ số bất thường, chấm, xóa nợ, giảm bớt nhân công nhập dữ liệu, nhất là trong giai đoạn cao điểm ghi chỉ số… Mặt khác, giải pháp cũng hỗ trợ tích cực cho nhân viên thu ngân, kiểm soát tiền thu nhanh chóng và chính xác; không cần phải cộng tiền từng hóa đơn như trước đây, rút ngắn thời gian chấm xóa nợ do các thông tin gạch nợ đã được chuyển vào từ điện thoại di động, chỉ cần kiểm tra và quyết toán hóa đơn.
Chương trình cũng đã xác định được tọa độ GPS của từng khách hàng, hiện tại dữ liệu tọa độ được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu tại công ty. Ngoài ra, nhân viên ghi điện và dịch vụ bán lẻ điện năng có thể dùng điện thoại di động chụp ảnh điện kế khiếm khuyết, vi phạm hành lang an toàn lưới điện và đặc biệt là tang chứng vi phạm sử dụng điện. Hiện nay, ngành điện còn triển khai công tác khảo sát cấp điện bằng máy tính bảng, nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp tối ưu hóa chi phí, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng một cách thiết thực, hiệu quả. PCBD đã và đang ứng dụng máy tính bảng trong công tác khảo sát cấp điện mới, di chuyển công tơ… theo yêu cầu của khách hàng mua điện.
Sau khi triển khai hoàn chỉnh, đến nay đã có 4.478 yêu cầu cấp điện hạ áp qua ứng dụng khảo sát cấp điện trên máy tính bảng, áp dụng theo hồ sơ cấp điện điện tử. Nhờ áp dụng chương trình chuyển đổi số, bước đầu PCBD đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Quản lý tài liệu được khoa học, thông tin được truy xuất nhanh chóng, số liệu báo cáo được cập nhật kịp thời... không chỉ giúp ngành điện đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả trong lưu trữ, quản lý mà còn giúp khách hàng dễ dàng cập nhật, tra cứu thông tin khi cần thiết. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chuyển đổi số đã giúp khách hàng hạn chế việc đi lại, giảm nguy cơ lây nhiễm.