Vệ sinh cách điện hotline tại TBA 110kV Cư Jút.
Vệ sinh khi đường dây vẫn mang tải
Đầu tháng 5 vừa qua, Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Đắk Nông (PC Đắk Nông) đã triển khai thực hiện giải pháp vệ sinh cách điện hotline, sử dụng nước áp lực cao tại TBA 100kV Cư Jút. Đây là một trong những nhiệm vụ then chốt đang được triển khai theo Đề án Phát triển lưới điện thông minh của ngành Điện.
Hiện nay, hệ thống lưới điện đang phải tiếp xúc hàng ngày với bụi bẩn từ môi trường. Khi bề mặt bẩn kéo dài sẽ gây rò rỉ, làm tổn thất điện năng. Nếu độ bẩn tích tụ nhiều, kết hợp độ ẩm cao hoặc sương mù còn có thể dẫn đến phóng điện dọc theo bề mặt chuỗi cách điện, gây ra sự cố pha - đất, làm gián đoạn việc cấp điện.
Trước đây, để bảo đảm an toàn cho hệ thống, định kỳ hàng năm, các đơn vị điện lực phải tiến hành cắt điện và huy động một lực lượng lớn nhân lực làm vệ sinh lưới điện. Việc cắt điện khi tiến hành vệ sinh lưới điện đã gây nhiều thiệt hại cho hệ thống như: Phá vỡ phương thức vận hành hợp lý, tăng tổn thất điện năng, gây gián đoạn cung cấp điện cho khách hàng... Ðặc biệt, việc công nhân phải lau chùi từng bát sứ trên độ cao hàng chục mét cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động. Vì vậy, giải pháp vệ sinh cách điện hotline được ứng dụng sẽ sớm khắc phục được tất cả những tồn tại trên.
Theo đó, công nghệ này đã sử dụng giải pháp phun nước áp lực cao vào trụ điện, đường dây, bát sứ, trong khi đường dây vẫn mang tải. Nước dùng để vệ sinh lưới điện là nước nguyên chất đã được khử ion nên không dẫn điện. Công nghệ mới này đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, cải thiện chỉ số Saifi (chỉ số về số lần mất điện trung bình của lưới điện phân phối) và chỉ số Saidi (chỉ số về thời gian mất điện trung bình của lưới điện phân phối) của toàn ngành điện. Qua đó giúp giảm tối đa thời gian cắt điện, bảo đảm cho hệ thống lưới điện vận hành liên tục an toàn, đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho tỉnh Đắk Nông và các tỉnh lân cận.
Với những thành công ở TBA 110kV Cư Jút, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tiến hành vệ sinh hotline tại các trạm 110kV Đắk Mil, Đắk Song, Gia Nghĩa, Đắk R'lấp.
Tự động hóa toàn bộ lưới điện
Tính đến 29/2/2020, PC Đắk Nông đang quản lý hơn 162.000 công tơ bán điện, tăng 3,93% so với cùng kỳ; trong đó, có hơn 157.000 công tơ điện tử các loại đã được triển khai lắp đặt, chiếm tỷ lệ 96,9% trên tổng số công tơ đang quản lý. Đến nay, 100% công tơ điện tử của 6/7 điện lực trực thuộc đã được đơn vị hoàn thành (trừ Điện lực Krông Nô còn hơn 5.000 công tơ cơ khí, chiếm tỉ lệ 3,1% trên tổng số công tơ bán điện toàn công ty).
Ngoài ra, đơn vị cũng đã thực hiện lắp đặt đo xa RF-Spider được 1.233TBA công cộng, thu thập số liệu từ xa được hơn 147.000/157.000 công tơ điện tử của khách hàng, chiếm tỷ lệ 96,9% trên tổng số công tơ điện tử. Việc thu thập dữ liệu từ xa cũng được đơn vị đẩy mạnh, với tỷ lệ online RF-spider đạt 99,85% trong quý I năm 2020.
Đặc biệt, hiện nay, tất cả các thiết bị đóng cắt trên lưới điện cũng đang được ngành điện thực hiện điều khiển từ xa từ Trung tâm điều khiển (TTĐK) tỉnh Đắk Nông. Trong đó, TTĐK được kết nối vận hành với 6/6 TBA 110kV vận hành theo mô hình không người trực.
Ngoài ra, Trung tâm cũng đang điều khiển xa 85 máy cắt recloser trên lưới trung áp… Nhờ đó, công tác vận hành, điều độ của hệ thống được tập trung về một đầu mối duy nhất, giúp giảm được thời gian thao tác thiết bị. Khi xảy ra sự cố bất thường, tại các điểm nút cũng sẽ được hệ thống cảnh báo tới các điều độ viên để có biện pháp xử lý kịp thời. Các nhân viên vận hành không còn phải trực tiếp thao tác, giám sát các thiết bị điện, nhất là các thiết bị cao áp nên TBA vận hành an toàn và giảm tai nạn điện hơn…
Giám đốc PC Đắk Nông Nguyễn Ngọc Ánh cho biết, trong giai đoạn 2020-2025, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai và hoàn thành các mục tiêu của Đề án phát triển lưới điện thông minh trong toàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng và tăng năng suất lao động cho đơn vị. Đơn vị sẽ tập trung nghiên cứu triển khai lộ trình chuyển đổi số các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong toàn công ty, để hướng đến điện lực số, doanh nghiệp số. Trong đó, đơn vị đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ từ cuộc cách mạng 4.0 để áp dụng, phát triển phục vụ công tác quản lý, tự động hóa, tăng năng suất lao động và dịch vụ khách hàng. Công ty cũng sẽ hoàn thiện cơ chế điều hành, quy chế phân cấp, phối hợp giữa các phòng, các đơn vị; đồng thời, sắp xếp, bố trí lại lực lượng lao động hợp lý theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, tăng năng suất lao động.
Link gốc