Chuyển đổi số trong EVN

Công ty Điện lực Thái Bình: Chuyển đổi số trong quản lý, vận hành trạm biến áp

Thứ năm, 27/10/2022 | 15:30 GMT+7
Thực hiện chương trình hiện đại hóa, tự động hóa lưới điện, Công ty Điện lực Thái Bình đã nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số tại các trạm biến áp (TBA), qua đó giảm nhân viên trực vận hành và nâng cao năng lực kinh doanh điện năng, bảo đảm cấp điện ổn định, an toàn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
 
Công nhân Công ty Điện lực Thái Bình sử dụng camera nhiệt kiểm tra các vị trí mối nối, ngăn ngừa sự cố phát sinh trên lưới điện.
 
Ông Chu Bạch Dương, Đội trưởng Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế, Công ty Điện lực Thái Bình cho biết: Một trong những dấu ấn nổi bật trong lộ trình chuyển đổi số của Công ty Điện lực Thái Bình là việc đưa vào vận hành Trung tâm điều khiển xa; áp dụng chuyển đổi 9 TBA có người trực sang mô hình TBA không người trực và phát triển lưới điện theo hướng số hóa. Trước kia, hồ sơ tài liệu các thiết bị trong trạm quản lý trên giấy thì khi thực hiện sang chuyển đổi số, các cơ sở dữ liệu quản lý kỹ thuật được đồng bộ về hệ thống thiết bị lưới điện như phần mềm PMIS, GIS... Ngoài chức năng quản lý toàn bộ lý lịch thiết bị, chương trình PMIS, GIS còn hỗ trợ truy xuất các thông số đo đếm, các thông số vận hành trực tuyến của trạm.

Để chương trình PMIS có thể xuất ra các báo cáo hoặc số liệu theo số hóa, cập nhật dữ liệu vào chương trình, ngành điện đã bồi dưỡng nghiệp vụ cho công nhân, tiếp cận ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, sử dụng thành thạo và hoàn thành nhiệm vụ trong công tác quản lý vận hành. Các TBA 110kV sau khi chuyển sang chế độ không người trực từng thiết bị như MBA, MC, DCL, TU, TI, Relay... đều được cập nhật chính xác thông tin, “hồ sơ lý lịch”, lịch sử vận hành trong phần mềm số hóa. Đây là bước đầu tiên rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số công tác quản lý vận hành lưới điện, đưa lưới điện từ không gian thực vào không gian số.

Để bảo đảm không để xảy ra sự cố, cấp điện ổn định, an toàn, ngành điện luôn bám sát và thực hiện đầy đủ các quy trình vận hành lưới điện 110kV, trong đó sử dụng các thiết bị kỹ thuật số như camera ảnh nhiệt, flycam, máy đo phóng điện cục bộ (PD) để theo dõi tình trạng của thiết bị, qua đó kiểm soát lưới điện 110kV, vận hành an toàn, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng nguồn lực và tiết kiệm chi phí.

Ngoài ra, với hệ thống điều hành SCADA ứng dụng vào việc chỉ huy, thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị từ xa, Trung tâm Điều khiển xa và các TBA 110kV không người trực đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Hệ thống này giúp giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị, rút ngắn thời gian bảo trì bảo dưỡng, xử lý sự cố trạm biến áp. Khi áp dụng các phần mềm số chuyên dụng tình trạng các thông số vượt ngưỡng không còn xảy ra tại các TBA, từng bước góp phần thực hiện tốt công tác quản lý vận hành và giảm tổn thất điện năng.
 
Anh Bùi Duy Nghĩa, công nhân Công ty Điện lực Thái Bình cho biết: Trước đây, với chế độ làm việc ca kíp, mỗi TBA truyền thống phải có ít nhất 5 nhân viên vận hành thay phiên nhau trực. Nhân viên cập nhật dữ liệu bằng tay, ghi thông số vận hành, xem trực tiếp trên các đồng hồ, các trạng thái thiết bị được đưa lên hiển thị tại các ô đèn trên tủ bảng giúp nhân viên nhận biết trong vận hành và xử lý khi có bất thường xảy ra. Khi áp dụng chuyển đổi số, các chỉ số đó được máy truyền dữ liệu về Trung tâm điều khiển xa, tự động hóa hoàn toàn công tác quản lý, giám sát, quy trình vận hành của máy biến áp. So với TBA thông thường, TBA kỹ thuật số giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ sự cố chạm chập trong quá trình vận hành, tiết kiệm chi phí xây dựng đường dẫn cáp, đơn giản hóa trong công tác vận hành; gia tăng độ tin cậy cung cấp điện; dễ dàng trong công tác sửa chữa, thay thế, bảo đảm duy trì ổn định cung cấp điện an toàn, hiệu quả cho khách hàng.
 
Thời gian tới, Công ty Điện lực Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh lộ trình số hóa, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, vận hành nhằm phát huy hiệu quả công tác chuyển đổi số theo định hướng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Link gốc
Theo: Báo Thái Bình