Đường ống áp lực Nhà máy Thủy điện An Khê nhìn từ xa.
Mùa nắng nóng nhiều sông suối khô cạn, mùa mưa dồn dập kéo dài gây nên lũ ống, lũ quét ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Vượt lên thách thức của thiên nhiên, CBCNV Công ty Thủy điện An Khê – Ka Nak vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh (SXKD), vừa làm tốt công tác phòng chống thiên tai hiệu quả.
Sản xuất gắn với điều tiết nguồn nước
Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak là đơn vị trực thuộc Tổng công ty Phát điện 2, được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành Nhà máy Thủy điện An Khê, Nhà máy Thủy điện Ka Nak.
Nhà máy Thủy điện Ka Nak (13 MW) nằm trên địa bàn huyện KBang, tỉnh Gia Lai, với dung tích hồ chứa trên 285 triệu m3. Nhà máy Thủy điện An Khê (160 MW) thuộc địa bàn thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, và một phần thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, dung tích hữu ích 5,6 triệu m3.
Sau 10 năm đi vào vận hành (2011) đến nay, Thủy điện An Khê, Ka Nak đã sản xuất cung cấp hơn 5,4 tỷ kWh điện năng cho hệ thống điện quốc gia, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp đủ điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong vùng hưởng lợi.
Hồ chứa An Khê và Ka Nak có tổng dung tích hữu ích hơn 291 triệu m3 có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp nước cho hạ du sông Ba, tỉnh Gia Lai và hạ du sông Côn, tỉnh Bình Định trong mùa khô và tham gia giảm lũ hiệu quả cho vùng hạ du trong mùa lũ.
Hàng năm về mùa khô trước sự thách thức của thời tiết, Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak tích cực, chủ động đề xuất phương án vận hành hồ chứa theo hướng tập trung ưu tiên nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, môi trường ở hạ du và thực hiện vận hành xả nước bám sát lịch sản xuất mùa vụ, nhu cầu tưới tiêu của bà con phía hạ du.
Để đối phó với tình hình nắng nóng của mùa khô 2021, trước yêu cầu của UBND tỉnh Bình Định về việc điều tiết Thủy điện An Khê - Ka Nak cấp nước cho hệ thống kênh Thượng Sơn, huyện Tây Sơn, thời gian vừa qua, Công ty đã tích cực, chủ động tích trữ nước hồ chứa An Khê, Ka Nak nhằm đảm bảo khả năng cung cấp nước về hạ du sông Ba, đáp ứng được nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, phòng chống hạn hán của người dân vùng hạ du.
Theo đó, từ đầu năm 2021 đến nay Công ty đã cân đối lượng nước trong hồ, điều tiết, vận hành phát điện Nhà máy An Khê để cấp nước cho hệ thống kênh tưới Thượng Sơn, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định và hạ du sông Kôn với lưu lượng đáp ứng theo yêu cầu của tỉnh Bình Định.
Thủy điện An Khê, Ka Nak trải dài trên hai tỉnh Gia Lai và Bình Định nên việc bố trí lực lượng phòng chống, ứng phó thiên tai bị phân tán. Theo đó, một số hạng mục công trình nằm trên địa hình dốc, phức tạp dễ bị chia cắt, đường quản lý vận hành có nguy cơ sạt lở cao; trong các đợt mưa, lũ lớn thường gây nguy cơ làm tắc nghẽn, bồi lấp hệ thống thoát lũ… Tuy nhiên, vào mùa mưa lũ, Công ty đã thực hiện vận hành hồ chứa tuân thủ chặt chẽ quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba, quy trình vận hành đơn hồ, góp phần tham gia giảm lũ hiệu quả cho hạ du, đảm bảo an toàn và giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất cho vùng hạ du.
Để đảm bảo an toàn trước, trong và sau khi xả lũ, Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak đã thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo cho các đơn vị quản lý nhà nước và địa phương theo quy trình vận hành liên hồ chứa và quy chế phối hợp trong quá trình vận hành với chính quyền địa phương. Trong đó, chú trọng công tác cảnh báo, thông báo quá trình xả lũ tới bà con nhân dân sinh sống khu vực hạ du. Nắm chắc các thông tin về dự báo thời tiết, bám sát sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, EVN, EVNGENCO 2, trong quá trình xã lũ, CBCNV 2 nhà máy đã túc trực 24/24 h thực hiện nghiêm ngặt quy trình xả lũ điều tiết qua các cửa van đập tràn Thủy điện An Khê – Ka Nak đảm bảo cho mực nước hồ không vượt quá mực nước dâng bình thường, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du. Nhờ vậy trong suốt mùa khô cũng như mùa lũ, thủy điện An Khê – Ka Nak không gây thiệt hại hoặc mất an toàn cho cho sản xuất và đời sống của người dân vùng hạ du.
Công ty cũng phối hợp với các đơn vị tiến hành kiểm tra, đo đạc và xác định các mốc tương ứng với lưu lượng nước xả về hạ du sông Ba qua đập tràn An Khê và lắp đặt camera giám sát trực tuyến để các cơ quan quản lý nhà nước theo dõi, giám sát mực nước thượng, hạ lưu đập, lưu lượng qua nhà máy và đập tràn.
Cùng với việc tổ chức ký kết quy chế phối hợp trong công tác vận hành công trình Thủy điện An Khê – Ka Nak với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, huyện và các xã vùng hạ du chịu ảnh hưởng của quá trình điều tiết, Công ty đã lắp đặt hệ thống loa cảnh báo tại khu vực hạ du công trình, xây dựng các biển cảnh báo dọc hạ lưu và tăng cường bổ sung thêm các biển cấm, biển báo hiệu đường thủy đặt trên bờ khu vực hạ du.
Khi mưa lũ xảy ra, Công ty thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp cùng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tại địa phương chủ động cung cấp thông tin, thông báo tới người dân ở hạ du trước, trong và sau khi xả lũ hồ chứa. Cùng với đó Công ty bố trí người thực hiện trực, tính toán thủy văn phục vụ công tác điều tiết hồ chứa 24/24 giờ, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền công tác phòng, chống lũ lụt vùng hạ du cho cán bộ, nhân dân trong vùng chịu ảnh hưởng dưới nhiều hình thức như: Hội nghị, phát tờ rơi, áp phích phổ biến các kiến thức về bão, lũ, cách phòng tránh và hiệu lệnh xả lũ của công trình. Đồng thời hỗ trợ BCH PCTT&TKCN các xã, các thôn bản chịu ảnh hưởng trực tiếp của quá trình xả lũ áo phao, quần áo mưa, ủng, đèn pin, loa truyền thanh…
Ông Đỗ Đức Hoài, Phó Giám đốc Công ty cho biết, để đối phó có hiệu quả với thiên tai, điều quan trọng nhất là phải tuyệt đối chấp hành nghiêm chỉnh quy trình vận hành của nhà máy, đặc biệt là quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba.
Tiếp tục các giải pháp phòng chống thiên tai
Để làm tốt hơn nữa công tác PCTT&TKCN trong những tháng còn lại của năm 2021, Công ty tiếp tục đề ra những nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết là thường xuyên tuân thủ các nội dung được quy định của Chính phủ và Bộ Công Thương về quản lý an toàn đập, hồ chứa; Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba.
Trong thời gian tới Công ty Thủy điện An Khê - KaNak sẽ đánh giá, tổng kết công tác PCTT&TKCN, rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Ban chỉ huy PCTT&TKCN và Đội xung kích PCTT&TKCN; Tiếp tục xây dựng và rà soát cụ thể kế hoạch, phương án PCTT&TKCN những tháng cuối năm 2021 sát với thực tế, phù hợp với tình hình, đặc điểm, đặc thù của từng đơn vị theo phương châm bốn tại chỗ.
Bên cạnh đó, tổ chức rà soát, kiểm tra nhân lực, vật lực, thiết bị phục vụ công tác PCTT&TKCN của đơn vị và tổ chức diễn tập phương án PCTT&TKCN. Tổ chức rà soát, kiểm tra toàn diện, quan trắc, đánh giá tình trạng an toàn hồ đập, bảo dưỡng, sửa chữa trước mùa mưa, lũ đối với toàn bộ thiết bị, công trình liên quan đến công tác vận hành chống lũ, đặc biệt là tuyến đầu mối.
Việc sửa chữa, bảo dưỡng các hạng mục công trình, đảm bảo đủ năng lực phòng, chống lũ và an toàn trong mùa mưa bão, lũ năm 2021 phải hoàn thành trước 30/8/2021. Thực hiện nghiêm chế độ trực ban và báo cáo theo quy định, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống để phục vụ chỉ đạo, điều hành, đảm bảo an toàn cho người trong phòng chống và khắc phục hậu quả lụt, bão, thiên tai.
Ngoài ra, Công ty chủ động phối hợp với Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Gia Lai, Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện KBang, Đak Pơ, Kông Chro, thị xã An Khê và các cơ quan chức năng trên địa bàn; phối hợp với địa phương phổ biến, tuyên truyền công tác PCTT&TKCN, hướng dẫn nhân dân vùng hạ du kỹ năng ứng phó với lũ lụt.
Nghiên cứu đưa ra các giải pháp để thông tin nhanh nhất đến nhân dân vùng hạ du phương pháp cảnh báo hiệu quả, kiểm tra hiện trạng hành lang thoát lũ ở hạ lưu đập, kịp thời kiến nghị để xử lý các vi phạm, lấn chiếm ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ của công trình, đảm bảo xả lũ an toàn đồng thời ngăn ngừa và hạn chế thiệt hại cho vùng hạ du. Chủ động cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về công tác PCTT&TKCN; tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan truyền thông để cung cấp thông tin kịp thời đến người dân, công chúng; tạo được sự đồng thuận và chia sẻ nỗ lực khắc phục, khó khăn trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai, lụt bão.
Ngoài việc tham gia các lớp tập huấn về PCTT do cơ quan cấp trên và của địa phương tổ chức, Công ty sẽ bố trí CBCNV tham quan học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về công tác PCTT tại các thủy điện khác để nâng cao kỹ năng cho CBCNV...