Thủy điện Hòa Bình.
Công ty Thủy điện Hòa Bình cũng đã bố trí các kíp trực nhằm đảm bảo “mục tiêu kép”.
Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình về vấn đề này.
PV: Thưa ông, trước tình trạng dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, TP Hòa Bình đã thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 10/5, Công ty đã có chỉ đạo gì để công tác phòng chống dịch được tốt nhất?
Ông Nguyễn Văn Minh: Ngay sau khi xuất hiện ca dương tính COVID-19 đầu tiên trong nước, Công ty đã chủ động tăng cường công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ y tế, EVN và địa phương, cụ thể là: Thường xuyên cập nhật tình hình diễn biến dịch bệnh trong nước, trên địa bàn tỉnh và thành phố Hòa Bình. Tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể CBCNV Công ty và EVNPSC tại Hòa Bình thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K. Dừng toàn bộ việc đón tiếp khách tham quan công trình khi tình hình diễn biến dịch trong nước có chiều hướng phức tạp.
Sau dịp nghỉ lễ 30/4-01/5 yêu cầu toàn bộ CBCNV trong Công ty và EVNPSC đi từ các địa phương khác về khai báo y tế; rà soát các trường hợp F1, F2, F3 (nếu có) để có biện pháp cách ly phù hợp. Triển khai phương án làm việc từ xa cho từng đối tượng cụ thể.
Tiến hành kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn đối với tất cả CBCNV và người ngoài trước khi vào khu vực làm việc của Công ty.
Xây dựng kịch bản, phương án sẵn sàng ứng phó trong trường hợp xuất hiện ca dương tính Sars-covi 2 trong Công ty, đặc biệt là đối với lực lượng vận hành.
Ngày 09/5 ngay khi có thông báo xuất hiện 02 ca dương tính đầu tiên tại Thành phố Hòa Bình, Công ty đã triển khai ngay phương án ăn nghỉ tập trung cho toàn bộ lực lượng trực ca vận hành, đồng thời yêu cầu EVNPSC phối hợp áp dụng đối với lực lượng trực sửa chữa.
PV: Với đặc thù là đơn vị quản lý vận hành nhà máy điện rất quan trọng Công ty xây dựng phương án trực vận hành như thế nào? Lực lượng trực vận hành gồm bao nhiêu người và chia theo các ca, kíp ra sao thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Minh: Trước tình hình xuất hiện ca nhiễm COVID-19 tại địa bàn thành phố Hòa Bình, Công ty triển khai ngay phương án ăn nghỉ tập trung sau ca làm việc cho toàn bộ lực lượng trực ca vận hành. Công ty bố trí 05 kíp vận hành, mỗi kíp gồm 18 người ăn nghỉ tập trung ở 05 vị trí riêng biệt trong khu vực Nhà máy. Nhân lực mỗi kíp được duy trì ổn định (không điều ca lẫn nhau giữa các kíp để đảm bảo sự độc lập về nhân lực).
Các vị trí ăn, nghỉ của nhân viên vận hành đều được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất như: Điện, nước, gường, chiếu, chăn màn, tivi, mạng Wifi, điều hòa… và các nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày. Công tác hậu cần giao cho bộ phận nấu ăn ca của Công ty thực hiện có sự kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm và phòng chống dịch covid; chế độ, mức ăn hàng ngày thực hiện theo Quyết định số: 2684/EVN-TCNS ngày 22/4/2020.
PV: Đối với lực lượng lao động văn phòng, Công ty bố trí, phân công lực lượng như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Minh: Để hạn chế tiếp xúc, đối với các phòng ban, Công ty bố trí luân phiên 50% quân số làm việc từ xa; giao cho các Trưởng đơn vị giám sát về khối lượng, chất lượng, hiệu quả của từng cá nhân CBCNV. Cắt bỏ các cuộc họp tập trung không cần thiết.
PV: Công ty phối hợp với EVNPSC như thế nào để vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa đảm bảo tiến độ sửa chữa, thay thế thiết bị các tổ máy thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Minh: Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Công ty có thành phần cán bộ của EVNPSC tại Hòa Bình và được mời tham gia các cuộc họp của Ban chỉ đạo. Tất cả các biện pháp phòng chống dịch đều thông báo cho EVNPSC phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ.
EVNPSC tại Hòa Bình đã bố trí lực lượng sửa chữa thường xuyên ăn nghỉ tập trung trong nhà máy giống như lực lượng vận hành. Công ty đã đề ra một số quy định cụ thể phối hợp trong phòng chống dịch tại khu vực sản xuất (quy định khi giao nhận ca; khi làm thủ tục phiếu, lệnh công tác giữa nhân viên sửa chữa với nhân viên vận hành…).
Để đảm bảo tiến độ sửa chữa mùa khô, chuẩn bị đón lũ 2021, Công ty cùng EVNPSC rà soát tiến độ sửa chữa các tổ máy, đặc biệt là công việc có liên quan đến chuyên gia nước ngoài nhập cảnh phải cách ly y tế theo quy định. Kịp thời thống nhất với A0 điều chỉnh tiến độ các tổ máy sao cho phù hợp với thực tế, không để ảnh hưởng đến khả năng huy động công suất các tổ máy.
PV: Xin cảm ơn ông!
Công ty Thủy điên Hòa Bình (thuộc EVN):
Quản lý, vận hành Nhà máy Thủy điện Hòa Bình gồm 8 tổ máy với công suất 1920MW.
Đây là nhà máy giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo cấp điện cho thủ đô Hà Nội, đồng thời đảm nhận vai trò chính trong việc điều chỉnh tần số và điện áp của hệ thống điện quốc gia.
Nhà máy có có nhiệm vụ chính là cắt lũ, giảm lũ, chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, cải thiện giao thông thủy trên sông Đà, sông Hồng và tăng cường nguồn nước phục vụ nhu cầu dân sinh và các hoạt động sản xuất khác.
|