Công ty Thủy điện Sơn La đóng góp 125 tỷ kWh cho hệ thống điện quốc gia

Thứ tư, 16/11/2022 | 20:19 GMT+7
Kể từ khi đi vào vận hành đến nay, Công ty Thủy điện Sơn La đã đóng góp 125 tỷ kWh cho hệ thống điện quốc gia (trong đó Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Sơn La là 97,6 tỷ kWh; NMTĐ Lai Châu là 27,4 tỷ kWh), qua đó góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.
 

Nhà máy Thủy điện Sơn La.
 
Đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả công trình
 
Ông Khương Thế Anh – Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La cho biết: Trong những năm qua, Công ty luôn thực hiện đúng và đề xuất vận dụng linh hoạt các nội dung của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công ty thường xuyên chủ động theo dõi tình hình khí tượng thủy văn để đề xuất với cấp có thẩm quyền điều tiết các hồ chứa đảm bảo tận dụng tối đa nguồn nước trên lưu vực sông Đà.
 
09 tổ máy thuộc NMTĐ Sơn La và Lai Châu có vai trò quan trọng trong quá trình điều tần, điều áp giữ ổn định hệ thống điện Việt Nam. Luôn thực hiện đúng phương thức vận hành tổ máy của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia.
 
Công trình thủy điện Sơn La và Lai Châu là 02 công trình có chiều cao đập lớn trên 100m thuộc loại các công trình siêu cao trên thế giới, thiết bị và công nghệ quan trắc công trình thuộc loại hiện đại và có mức độ tự động hóa cao. Hai công trình được lắp đặt 2500 thiết bị được đấu nối về hệ thống thu thập số liệu quan trắc tự động, theo dõi, giám sát số liệu theo thời gian thực 24/24h, quản lý tập trung tại Trung tâm kiểm soát An toàn công trình thuộc Công ty Thủy điện Sơn La. 
 
Ứng dụng công nghệ phần mềm Vista Data Vision 2018 của Iceland và các phần mềm giám sát địa chấn, chuyển vị tự động để giám sát, thu thập và phân tích làm cơ sở để đánh giá an toàn công trình được các đơn vị quản lý nhà nước đánh giá cao. Trung tâm Kiểm soát An toàn đang thực hiện kết nối 5 đập thủy điện trên lưu vực sông Đà thuộc EVN quản lý và đặt tại Công ty thủy điện Sơn La. Hiện Công ty đang phối hợp với các đơn vị để bổ sung thiết bị kết nối với Trung tâm.
 
Thực hiện theo chủ trương của Tập đoàn về việc triển khai áp dụng công tác sửa chữa bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy, ổn định của thiết bị (RCM) theo từng giai đoạn. Toàn bộ phương án kỹ thuật sửa chữa lớn tổ máy và hệ thống thiết bị ngoài tổ máy từ năm 2020-2023 đều được lập theo phương pháp RCM. Khai thác và ứng dụng triệt để công cụ phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS. 
 
Ngoài ra, Công ty đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ban hành các quy trình khai thác hiệu quả các hệ thống giám sát trực tuyến đã được trang bị, nhằm nắm bắt được diễn biến, xu hướng về tình trạng thiết bị từ đó sớm có kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa. Xây dựng và áp dụng hiệu quả các công cụ phần mềm dùng chung trong công tác quản lý khiếm khuyết thiết bị, quản lý thi công. 
 
Nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ với nhà nước, quan tâm đến người lao động
 
Theo ông Khương Thế Anh, trong những năm qua, Công ty thuỷ điện Sơn La luôn là đơn vị dẫn đầu về giá trị, tỷ trọng đóng góp vào ngân sách tại địa phương các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên góp phần không nhỏ trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước từ khi thành lập đến nay đạt hơn 21.700 tỷ đồng. Trong đó, NMTĐ Sơn La nộp hơn 16.600 tỷ đồng, NMTĐ Lai Lai Châu nộp hơn 5.100 tỷ đồng.
 
Công ty Thủy điện Sơn La cũng thực hiện nghiêm túc việc chi trả tiền Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Lũy kế từ khi công trình vào hoạt động đến thời điểm hiện tại, Công ty đã thực hiện chi trả 2.516,7 tỷ đồng quỹ bảo vệ và phát triển rừng nộp tại Sơn La.
 
Để bảo đảm cân bằng môi trường, phát triển hệ thống cây xanh và rừng phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn, sạt lở đất, phát huy hiệu quả lâu dài khai thác các công trình thủy điện, cũng như bảo vệ môi trường tự nhiên. Công ty thủy điện Sơn La tích cực phối hợp với chính quyền 3 địa phương (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) vùng lòng hồ thực hiện trồng rừng, trồng bù rừng bảo vệ môi trường thủy điện và khu vực xung quanh hồ thủy điện Sơn La và Lai Châu với tổng diện tích 408,96 ha với giá trị trồng rừng khoảng 30,27 tỷ đồng.
 
Đồng thời việc trồng cây xanh xung quanh khu vực nhà máy với mục đích trồng cây phủ xanh đất trống, chống sạt lở, xói mòn, đảm bảo cảnh quan, môi trường sinh thái xung quanh khu vực xây dựng thi công trình cũng luôn được lãnh đạo Công ty quan tâm. Tính đến thời điểm hiện tại Công ty đã thực hiện trồng khoảng 250.000 cây trên diện tích 226 ha (bao gồm Sơn La và Lai Châu).
 
Trong hơn 10 năm hoạt động, Công ty thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội có ý nghĩa lớn, góp một phần nhỏ trách nhiệm của Công ty đến với công tác xã hội ở địa phương, một số các hoạt động thường xuyên diễn ra hàng năm như: Hiến máu nhân đạo; Chương trình thăm hỏi, chúc tết và tặng quà người nghèo khu vực lòng hồ Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu; Tuyên truyền về công tác an toàn và phát triển nuôi trồng thuỷ sản an toàn vùng lòng hồ Sơn La, Lai Châu; Hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa bản, trường học tại địa bàn tỉnh; Hỗ trợ chi phí chỉnh trang, sửa chữa các công trình tâm linh; Ủng hộ thả cá giống bổ sung nguồn lợi thủy sản tại huyện Mường La; Chương trình hỗ trợ xã vùng 3 theo Nghị quyết 30a …. Tổng giá trị thực hiện công tác an sinh xã hội 10 năm qua đạt trên 11,249 tỷ đồng.
 
Công ty luôn đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Thực hiện tốt chế độ chính sách đối với CBCNV như tiền lương, tiền thưởng, chế độ trích nộp BHXH, BHYT, chế độ ốm đau, thai sản… đảm bảo đúng, đủ và kịp thời theo chế độ quy định của Nhà nước, hướng dẫn của Tập đoàn. 
 
Với lực lượng lao động lớn, Công ty luôn là điểm sáng trong công tác chăm lo sống người lao động, giúp người lao động luôn gắn bó, cống hiến hết mình vì Công ty. Năm 2015, Công ty Thủy điện Sơn La là đơn vị được vinh danh trong chương trình “Bảng xếp hạng Doanh nghiệp vì Người lao động” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức. 
Lã Linh