Công ty Truyền tải Điện 2: Thắp sáng “khúc ruột miền Trung”

Thứ sáu, 21/8/2009 | 16:04 GMT+7

Mới đây, có dịp được đến Công ty Truyền tải Điện 2 (PTC2), tham quan nhà truyền thống của Công ty, tôi thấy một không gian được sắp đặt có chủ ý, tuy chỉ là những công cụ, vật dụng sử dụng cho ngành Điện nhưng không hề đơn điệu. Từ đôi ủng bảo hộ, đến bộ quần áo đặc chủng, dùng cho công nhân sửa chữa đường dây đang mang điện, tất cả đều được để cẩn thận trong những tủ kính. Nhiều hiện vật trưng bày được xếp tuần tự theo thời gian, đi cùng năm tháng và đồng hành với quá trình phát triển của Công ty. Tôi để ý, cứ mỗi một chặng đường phát triển, Công ty càng đạt kết quả tốt hơn và nhận được nhiều phần thưởng của các cấp, các ngành, Bằng khen của Chính phủ, Huân chương của Nhà nước. Chính điều này đã khẳng định thêm vị thế của Công ty, để khi nhắc đến PTC2 là nhắc đến những nỗ lực, phấn đấu không ngừng của CBCNV nơi miền Trung đầy sóng, nắng gió.

Qua tìm hiểu, được biết, Công ty Truyền tải Điện 2 là đơn vị được giao quản lý vận hành 01 trạm biến áp và 587 km với 1.352 vị trí cột của hệ thống đường dây 500kV (mạch 1) trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, KonTum – Gia Lai. 15 năm quản lý, vận hành lưới điện trên địa bàn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, PTC2 đã gặp không ít khó khăn. Phần lớn các vị trí đường dây đi trên địa hình đồi núi hiểm trở, đèo cao, suối sâu, qua các vùng dân tộc ít người, thời tiết khắc nghiệt, mưa lớn kéo dài thường xuyên đã làm cho một số móng cột dù đã được xây kè chắn và mương thoát nước bảo vệ vẫn bị xói lở. Đường vào tuyến phục vụ quản lý vận hành bị sạt lở, ngập lụt, gây ách tắc cho phương tiện kiểm tra, ảnh hường đến an toàn của đường dây như đoạn từ vị trí 1233-1273 (Quảng Bình), đoạn 1452-1456 (Huế), từ vị trí 1620-1680 (đèo Hải Vân, Phú Gia – Huế, Đà Nẵng) … Trước tình hình trên, được sự chỉ đạo trực tiếp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đơn vị đã chủ động khắc phục sửa chữa như kè đá, bắc cầu tạm, xẻ rãnh xương cá thoát nước, tổng kiểm tra và xử lý triệt để các tồn tại về móng cột có nguy cơ xói lở. Vì vậy, các vụ sạt lở móng cột đều được xử lý kịp thời, đảm bảo cho đường dây vận hành an toàn trong mùa mưa bão.

Bên cạnh việc khắc phục những biến cố do thiên tai gây ra, Công ty Truyền tải Điện 2 còn phải “đương đầu” với những sự cố nghiêm trọng trong quá trình quản lý, vận hành lưới điện. Toàn bộ hệ thống thiết bị hiện đại, kỹ thuật công nghệ tiên tiến của các nước phát triển mà lần đầu tiên ngành Điện Việt Nam được trang bị. Tuy nhiên, sau nhiều năm vận hành, chất lượng thiết bị xuống cấp làm cho công tác quản lý vận hành gặp phải khó khăn: Khi truyền tải công suất cao, xày ra hiện tượng phát nhiệt các tiếp điểm dao cách ly 500kV, bất thường trong hệ thống mạch nhị thứ, hư hỏng pha B MBA AT2 … Công ty đã không ngần ngại đầu tư trí lực, nắm bắt và làm chủ thiết bị, kịp thời phát hiện và xử lý ngay các hiện tượng bất thường xảy ra, đồng thời có những đề xuất hợp lý để thay thế các thiết bị có nguy cơ hỏng hóc lan rộng ra khỏi khu vực vận hành để xử lý, đảm bảo tốt chỉ tiêu cung cấp điện an toàn, liên tục và chất lượng điện năng. Để minh chứng cho những nỗ lực, phấn đấu không ngừng của Công ty, Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng đã luôn duy trì tốt công tác vận hành, bảo đảm an toàn cho lưới điện truyền tải điện (với sản lượng truyền tải điền từ Bắc vào Nam đạt khoảng 16 tỷ kWh, từ Nam ra Bắc đạt hơn 38 tỷ kWh, đồng thời cung cấp cho các tỉnh miền Trung với sản lượng đạt gần 20 tỷ kWh điện.

Sau hàng chục năm vận hành, khai thác, nhiều thiết bị trạm biến áp và đường dây 500kV đã có dấu hiệu xuống cấp, lão hóa (trong đó có  TBA500kV Đà Nẵng đòi hỏi phải đại tu, bảo dưỡng, thay thế kịp thời. CBCNV trong Công ty đã phối hợp với các đơn vị trong Ngành tự mày mò, nghiên cứu, sửa chữa, để phục hồi máy biến áp trở lại hoạt động trong thời gian ngắn nhất. Nổi bật là đã tiến hành thành công 6 đợt sửa chữa đường dây 500kV đang mang điện bằng máy bay trực thăng, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế to lớn, mà khẳng định từ nay, CBCNV ngành Điện lực Việt Nam nói chung, Công ty Truyền tải Điện 2 nói riêng đã làm chủ thiết bị, công nghệ, không cần phải thuê chuyên gia nước ngoài.

Bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị, quản lý vận hành và xử lý sự cố, Công ty đặc biệt quan tâm đến trình độ chuyên môn của đội ngũ CBCNV, luôn tổ chức các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học để người lao động trong Công ty tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ vào thực tiễn công tác quản lý, vận hành, sửa chữa, thay thế đường dây và trạm 500kV (xử lý các mối nối tiếp xúc bằng công nghệ hàn cadweld, nghiên cứu sử dụng công nghệ sứ composite trên đường dây …). Ngoài ra, Công ty đã phối hợp chặt chẽ với phòng an ninh kinh tế, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, tham mưu cho Ban chỉ đạo bảo vệ lưới điện quốc gia các địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng từ tỉnh, xuống xã, phối hợp cùng ngành Điện tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp … giúp cho việc quản lý đường dây và trạm thuận lợi, hạn chế được các vụ xâm hại công trình lưới điện quốc gia.

Để phát huy hiệu quả trong lao động sản xuất. Ban lãnh đạo Công ty còn thường xuyên tổ chức phát động các đợt thi đua , phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo, yêu nghề, gắn bó với đơn vị của CBCNV, qua đó, có ý thức xây dựng văn hóa doanh nghiệp và văn hóa công sở thể hiện qua các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn; phong trào thu đua “ Lao động giỏi”; phong trào “Xanh, sạch, đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”; phong trào “Phong trào văn hóa thể thao” … thực hiện nghiêm túc các quy chế dân chủ về lương, thưởng, chế độ BHXH, BHYT, chế độ nghỉ dưỡng hàng năm …, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của CBCNV Công ty.

15 năm vượt qua khó khăn, thách thức, những người thợ điện của Công ty Truyền tải Điện 2 như ngày càng trưởng thành và tự hào đã đóng góp công sức, trí tuệ của mình cho dòng điện luôn an toàn, ổn định , tạo đà để “khúc ruột miền Trung” tự tin phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Theo: Tạp chí CN T8/2009