Sự kiện

Công ty Truyền tải điện 1: Sứ mệnh tiên phong

Thứ bảy, 17/1/2015 | 21:02 GMT+7
Ngày 1-5-1981, Công ty Truyền tải điện 1 ( tiền thân là Sở Truyền tải – Công ty Điện lực 1) được thành lập, 33 năm đã trôi qua với bao gian nan, thăng trầm, các thế hệ CNCNV Công ty Truyền tải điện 1 (thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia-NPT) đã phấn đấu không mệt mỏi vì sự an toàn, liên tục của dòng điện Quốc gia, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 33 năm, những người thợ đường dây của Công ty Truyền tải điện 1 đã hợp sức tạo nên một tập thể anh hùng của ngành điện.
 

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải gắn Huân chương lên lá cờ truyền thống.. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Vượt lên chính mình
 
Công ty Truyền tải điện 1 là một trong những đơn vị hoạt động chuyên ngành truyền tải điện đầu tiên của Việt Nam. Vạn sự khởi đầu nan, khi cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề, với vài chục m2 nhà xưởng lợp tôn, phương tiện dụng cụ nghèo nàn và bộ khung cán bộ trên dưới chục người cùng gần 200 CBCN từ các đơn vị Điện lực 1, Điện lực Hà Nội, Xây lắp điện..đã bắt tay ngay vào việc biên soạn các qui trình, quy phạm quản lý kỹ thuật song song với chuẩn bị cơ sở vật chất, đào tạo con người… Công ty thành lập ngày hôm trước, thì hôm sau đã phải xử lý sự cố, rồi hành loạt thử thách như thay sứ khoảng vượt sông Hồng (Khoảng vượt lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ với cột cao 156m), kéo dây vượt sông Cấm, xây lắp trạm Yên Phụ, PK1, Thủy Nguyên…).  Thời điểm đó, những người làm công tác đường dây chưa có kinh nghiệm xử lý những sự cố lớn, vật tư lại thiếu thốn, phải mày mò, nghiên cứu chế tạo từng chiếc gông thay sứ, từng chiếc hàm ép để thi công tại hiện trường…những công việc rất đơn giản ở thời điểm bây giờ lại là thần kỳ của 33 về trước, là bằng chứng hùng hồn về sức sáng tạo, bản lĩnh, độ vững vàng của đội ngũ cán bộ công nhân Công ty ngay trong ngày đầu thành lập.
 
Những năm 90 của thế kỷ XX, với ưu thế vượt trội về năng lực và tinh thần trách nhiệm, Truyền tải điện 1 lại là đơn vị chủ chốt của điện lực miền Bắc, đi đầu và có những đóng góp quan trọng trong việc xây lắp, thí nghiệm, hiệu chỉnh các TBA 110kV ở các tỉnh miền núi như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái.. và đặc biệt là đưa điện lưới quốc gia vào các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng. Vào thời điểm đó, Liên Xô cũ tan rã, nguồn thiết bị viện trợ không còn, CBCNV Công ty đã phải dầy công nghiên cứu, vừa thiết kế vừa gia công chế tạo hơn 300 tủ bảng điều khiển bằng việc khai thác các thiết bị lẻ trên thị trường và thiết bị tận dụng để lắp đặt các tủ bảng hợp bộ, có thể nói bước chân của người thợ Truyền tải điện 1 đã len lỏi đến vùng sâu, vùng xa, đã thành cú hích quyết định cho nền công nghiệp địa phương vốn còn nhỏ bé và yếu ớt phát triển, cũng chính những bước chân đó đã góp phần làm tươi lại những cánh đồng khô hạn Miền Trung và cải thiện một bước đời sống, sinh hoạt của đồng bào. 
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Ngày 27-5-1994 đường dây 500 kV Bắc - Nam (còn gọi là mạch 1) chính thức hòa lưới, hệ thống điện toàn quốc được thống nhất. Đây là mốc son ghi dấu bước tiến bộ vượt bậc của điện lực Việt Nam. Trong quá trình chuẩn bị sản xuất, Công ty được bộ Năng lượng (Nay là bộ Công thương) tin tưởng giao nhiệm vụ biên soạn hệ thống quy trình, quy phạm quản lý, vận hành chung cho toàn quốc. Không thể kể hết khó khăn thử thách mà đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề truyền tải điện 1 phải đối mặt. Do đường dây 500 kV Bắc - Nam lần đầu tiên được xây dựng và đưa vào vận hành ở Việt Nam trong bối cảnh các nhà khoa học và quản lý còn nhiều ý kiến trái ngược nhau. Hàng loạt thiết bị hiện đại mà ngay cả những cán bộ ngành điện lâu năm cũng chỉ mới thấy lần đầu. Bỡ ngỡ là thế, phức tạp là thế nhưng toàn bộ kỹ sư, chuyên viên và những công nhân dày dạn kinh nghiệm của Công ty đã vượt lên chính mình, miệt mài nghiên cứu, chắt lọc từ hàng ngàn trang tài liệu bằng tiếng nước ngoài; so sánh, đối chiếu với điều kiện cụ thể của Việt Nam và cuối cùng đã hoàn thành xuất sắc công việc. Sau 20 năm kể từ ngày ấy, hệ thống quy trình, quy phạm này vấn được tiếp tục sử dụng cho đường dây 500 kV mạch 2, mạch 3…
 
Cùng với sự ra đời của nhiều trạm biến áp, nhiều thiết bị sử dụng công nghệ hiện đại, đội ngũ anh chị em quản lý vận hành đã trưởng thành vượt bậc. Họ không những hoàn toàn làm chủ các thiết bị được giao quản lý vận hành mà còn có thể lập phương án kỹ thuật, thiết kế chi tiết, thay thế, lắp đặt, nâng cấp thiết bị như những chuyên gia nước ngoài thực thụ. Tiết kiệm hàng chục, hàng trăm ngàn USD nếu phải thuê chuyên gia.
 

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi lễ.. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Chống quá tải cũng là nhiệm vụ vừa thường xuyên, vừa đột xuất mà nhiều năm qua Truyền tải điện 1 đã hoàn thành xuất sắc. Đặc điểm của các công trình chống quá tải là thời gian thi công eo hẹp; việc ghép nối thiết bị thế hệ cũ với thế hệ mới khó khăn, phức tạp, thi công vào ban đêm, thi công trong điều kiện các thiết bị xung quanh vẫn đang mang điện. Vậy nhưng bằng tinh thần vượt khó, phát huy nội lực, chủ động, sáng tạo của mình, CBCNV Công ty đã làm chủ được thiết bị với công nghệ hiện đại, hàng loạt các trạm biến áp trọng điểm của miền Bắc như: Hà Đông, Mai Động, Chèm, Thanh Hóa, Ninh Bình, Vinh…đã được nâng công suất gấp đôi, gấp ba với thời gian nhanh nhất và đảm bảo chất lượng. Điều có ý nghĩa đối với khách hàng dùng điện là hàng chục ngàn tấn thiết bị siêu trường, siêu trọng đã được lắp đặt chủ yếu vào ban đêm (từ 1 giờ đến 5 giờ sáng) nhằm giảm thiểu thời gian cắt điện. Có thể nói những người thợ đã không quản vất vả, nhọc nhằn, miệt mài lao động, nhận về mình những khó khăn gian khổ cốt sao cho mỗi người dân, mỗi nhà máy, công xưởng khi bắt đầu ngày làm việc mới hoàn toàn yên tâm vì nguồn điện được cung ứng đầy đủ.
 
Những năm gần đây, Công ty đã có bước tiến dài trong việc đảm nhận các công trình đầu tư xây dựng và sửa chữa có giá trị lớn, yêu cầu về chất lượng và tiến độ cao. Điển hình là xây dựng và lắp đặt trạm cắt 220 kV Nho Quan, giá trị lên tới 165 tỷ đồng, thời gian thi công trong 8 tháng; lắp đặt và đưa vào vận hành máy biến áp (MBA) 125.000 kVA lần đầu tiên do Việt Nam chế tạo chỉ trong 28 ngày; lắp đặt hệ thống tụ bù nhằm cải thiện chất lượng điện áp hệ thống truyền tải miền Bắc, lắp máy 2 trạm 500 kV Quảng ninh, giá trị 525 tỷ; Nâng công suất và lắp thêm MBA 220 KV tại trạm Thường tín, giá trị 400 tỷ… Tất cả những công trình này đã góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư các công trình điện của Điện lực Việt Nam. 
 
Tỏa sáng từ những phong trào thi đua
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải xem triển lãm ảnh về ngành điện của Ngọc Hà- phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Công ty Truyền tải điện 1 còn là cái nôi của các phong trào thi đua. Nhận rõ, nghề Truyền tải điện xét đến cùng là đảm bảo vận hành an toàn cho các tuyến đường dây và trạm biến áp, Công ty đã khơi dậy bằng được phong trào thi đua xây dựng trạm biến áp và đường dây kiểu mẫu, coi đây là biện pháp có tính sống còn, nhằm phát huy nội lực không ngừng nâng cao chất lượng vận hành. Chính từ phong trào này, các trạm biến áp và các tuyến đường dây ngày càng hoàn thiện. Bắt đầu có thể từ việc nhỏ như ghi chép sổ sách, rồi thiết bị sạch đẹp an toàn; cao hơn nữa là hoàn chỉnh sơ đồ theo đúng yêu cầu vận hành, đặc tính kỹ thuật của từng thiết bị, nhân viên vận hành có thể xử lý sự cố, sửa chữa hoặc phát hiện, phòng ngừa sự cố cho thiết bị vào các giờ cao điểm, những lúc quá tải hoặc thời tiết bất lợi. Cũng xuất phát từ việc lượng hóa các tiêu chuẩn thi đua, thường xuyên bổ sung các nội dung tiêu chuẩn thi đua đáp ứng yêu cầu vận hành, đồng thời lượng hóa công việc của bộ phận quản lý, kể cả của lãnh đạo Công ty. Thông qua phong trào thi đua, mục tiêu của mỗi cá nhân đã thống nhất với mục tiêu của toàn Công ty. Không chỉ có vậy, vì thi đua được gắn với tiền lương và thu nhập nên mỗi người đều ý thức được mức độ cống hiến của mình đồng thời yêu cầu sự đánh giá rõ ràng về mức độ cống hiến của người khác và đây chính là điểm đột phá, là đòi hỏi khách quan để thực hiện dân chủ cơ sở và từng bước hoàn thiện các mặt quản lý nghiệp vụ tại Công ty. Có thể nói, nhờ có thi đua mà nòng cốt là thi đua xây dựng  trạm và đường dây kiểu mẫu chung tôi đã phát huy được nội lực. Và trong rất nhiều bài học thành công của Truyền tải điện 1 thời gian qua thì phát huy nội lực thông qua thi đua là bài học thành công quan trọng nhất. 33 năm qua, nhiều bông hoa thành tích tươi thắm, đã được gieo mầm từ chính mảnh đất thi đua này.
 
 33 năm qua, Công ty Truyền tải điện 1 luôn luôn là đơn vị đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, là lực lượng nòng cốt, xung kích có thể và sẵn sàng ứng cứu các đơn vị bạn theo sự phân công của cấp trên; sản xuất tăng trưởng trung bình 15 -18%, sản lượng 2014 đạt 49,5 tỷ kWh gấp hơn chục lần so năm 1995; lưới truyền tải điện ngày càng có độ tin cậy cao, suất sự cố giảm mạnh, tỷ lệ tổn thất luôn dưới mức cho phép, năm 2014 đạt 1,7. 
 
Ghi nhận những thành tích trên, CBCNV Công ty đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương độc lập hạng 3 (năm 2001); Huân chương lao động hạng nhất (năm 1995); danh hiệu Anh hùng lao động cho tập thể trạm biến áp 220kV Đồng Hòa (nay là Truyền tải điện Hải Phòng, 2001); danh hiệu Anh hùng lao động cho cá nhân đồng chí Đậu Đức Khởi, nguyên Giám đốc Công ty (2001); danh hiệu anh hùng lao động cho tập thể CBCNV Công ty (2005) và Huân chương Độc lập hạng nhất (năm 2014).
 
Thanh Mai/Icon.com.vn