Sự kiện

Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh: Tự hào Điện lực Việt Nam

Thứ sáu, 19/12/2014 | 15:29 GMT+7
Ông Phạm Lê Thanh -Tổng giám đốc EVN  tâm sự: năm 1892, người Pháp đã xây dựng Nhà máy điện đầu tiên tại Cửa Cấm (Hải Phòng). Tiếp đến là Nhà máy đèn Bờ Hồ, Nhà máy điện Chợ Quán. Ngày 21/12/1954, Bác Hồ đã về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ. Từ đó, ngày 21/12 hàng năm đã chính thức trở thành “Ngày Truyền thống ngành Điện lực Việt Nam”. 60 năm qua, ngành điện đã trải qua biết bao thăng trầm và cũng đạt được những kết quả thật đáng tự hào.


60 năm qua, ngành điện đã nỗ lực hết mình để thắp sáng niềm tin trong nhân dân.

Bảo đảm cung cấp nguồn điện cho đất nước là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong chiến lược nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Đảng, Chính phủ. Ngành điện đang và sẽ làm gì để thực hiện tốt nhiệm vụ đó?

Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, ngành điện Việt Nam đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao. Những năm gần đây, EVN đã đưa vào vận hành 60 tổ máy, thuộc 29 dự án nguồn điện với tổng công suất gần 11.000 MW, chiếm tới 61% tổng công suất phát điện của Việt Nam, có năng lực bảo đảm sản xuất tới 65% sản lượng điện toàn hệ thống hàng năm. Như vậy, sau 60 năm, chúng ta đã có 33.000MW, hiện hệ thống điện chỉ sử dụng khoảng 22.000MW, có dự phòng 30%, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 3 hiện nay trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 31 trên thế giới về quy mô nguồn điện.

Là một tập đoàn giữ vai trò duy nhất và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thực hiện cam kết của Chính phủ đối với Quốc tế về mục tiêu thiên niên kỷ xóa đói, giảm nghèo, hiện nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã và đang cung cấp điện lưới quốc gia tới 99,42% số xã và xấp xỉ 98% số hộ dân nông thôn, vượt trên 6% so với chỉ tiêu Chiến lược phát triển điện lực quốc gia đề ra. Mức độ phủ điện đến các hộ dân vùng sâu, vùng xa đã cao hơn một số nước trong khu vực, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng tại các địa bàn trọng điểm, nhất là khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Tây Bắc, trên các tuyến biên giới, hải đảo…

Với phương châm “khách hàng là sự tồn tại của chúng tôi”, công tác dịch vụ khách hàng luôn được cải tiến, hoàn thiện, song hành cùng với sự phát triển của hệ thống điện, mạng lưới cung cấp điện và mô hình quản lý của tập đoàn. Từ 1,9 triệu khách hàng ban đầu, nay EVN đã có hơn 20 triệu khách hàng. EVN luôn chủ động sáng tạo trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khách hàng, thực hiện tiết kiệm điện và giảm tổn thất điện năng đạt kết quả cao. Thời gian cấp điện rút ngắn xuống dưới 7 ngày, xử lý sự cố dưới 2 giờ; khách hàng có thể giao dịch các dịch vụ điện theo nhiều kênh khác nhau, thực hiện cơ chế một cửa, dịch vụ nhắn tin SMS, dịch vụ thanh toán điện tử, hóa đơn điện tử…

Xin ông cho biết về những chiến lược phát triển cơ bản của ngành điện trong những năm tới?

Ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc EVN: Với những cố gắng trong nhiều năm và những thành tựu to lớn mà ngành điện đã đạt được, bằng sự cống hiến trí tuệ, sức lao động, mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của nhiều thế hệ ngành điện Việt Nam, đến nay có thể khẳng định: Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ “Điện đi trước một bước” mà Đảng và nhân dân giao phó. Slogan “EVN thắp sáng niềm tin” đã khẳng định: chúng tôi đã và đang nỗ lực hết mình để thắp sáng lại niềm tin trong nhân dân. Năm 2014, EVN vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2. Phát huy truyền thống vẻ vang qua 60 năm xây dựng và phát triển, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, những năm tới, ngành điện Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh.
Những năm tới, nhiệm vụ của EVN còn rất nặng nề. Trước hết là việc hoàn thành các mục tiêu theo Quy hoạch điện VII đã được Chính phủ phê duyệt. Đó là phát triển ngành điện phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm cung cấp đủ điện cho nền kinh tế quốc dân và đời sống xã hội. Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước cho phát triển điện, kết hợp với việc nhập khẩu điện, nhập khẩu nhiên liệu hợp lý, đa dạng hóa các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện, bảo tồn nhiên liệu và bảo đảm an ninh năng lượng cho tương lai, từng bước nâng cao chất lượng điện năng để cung cấp dịch vụ điện ngày càng hoàn hảo. Nhà nước chỉ giữ độc quyền lưới điện truyền tải để bảo đảm an ninh hệ thống năng lượng quốc gia. Phát triển ngành điện dựa trên cơ sở sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp của mỗi miền; tiếp tục đẩy mạnh công tác điện khí hóa nông thôn, bảo đảm cung cấp đầy đủ, liên tục, an toàn cho nhu cầu điện tất cả các vùng trong toàn quốc. Cụ thể có 5 nhiệm vụ:

Thứ nhất, bảo đảm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển đất nước. Hoàn thành nhiệm vụ đầu tư, phát triển nguồn và lưới điện theo Quy hoạch điện VII. Năm 2015 sản xuất và mua điện với sản lượng khoảng 150-155 tỷ kWh, tới năm 2020 đạt sản lượng 300 -330 tỷ kWh. Năm 2015 đạt 23.000 MW, chiếm 56% tổng công suất hệ thống điện, chủ động sản xuất được khoảng 40% nhu cầu. Năm 2020 sở hữu gần 32.300MW, chiếm khoảng 43% tổng công suất hệ thống, chủ động sản xuất được 38 - 40% nhu cầu. Xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối hiện đại, đồng bộ với nguồn điện và bảo đảm kết nối đến hộ tiêu thụ; hoàn thành chương trình đưa điện về nông thôn để đến năm 2015 đạt 98,6% số hộ dân nông thôn có điện, năm 2020 đạt mục tiêu hầu hết số hộ dân nông thôn có điện; tiếp tục đầu tư đưa điện lưới đến các huyện đảo. Vận hành tốt thị trường phát điện cạnh tranh, chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng, mô hình tổ chức để tham gia thị trường bán buôn và bán lẻ điện năng theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt.

Thứ hai, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, thực hiện phương án tái cơ cấu tập đoàn theo Quyết định số 1782/QĐ-TTg ngày 23/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm EVN có cơ cấu hợp lý, tập trung vào sản xuất - kinh doanh điện; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích cho xã hội và quốc phòng an ninh; nâng cao sức cạnh tranh, bảo đảm hiệu quả sản xuất - kinh doanh; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng điện cho nền kinh tế và nhu cầu xã hội.

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến để đầu tư chiều sâu, cải tạo nâng cấp, hiện đại hóa nguồn và lưới điện, thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động, giảm chi phí trong hoạt động sản xuất - kinh doanh (tiết kiệm nhiên liệu, giảm điện năng tự dùng trong phát điện; giảm điện năng dùng để truyền tải và phân phối điện tới năm 2015 xuống dưới 8%).

Thứ tư, xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân vững mạnh. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và hiện đại hóa của tập đoàn. Chú trọng xây dựng lực lượng nhân sự cấp cao có đủ năng lực lãnh đạo doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Bảo đảm đời sống tinh thần và vật chất cho cán bộ, công nhân viên, ổn định việc làm và cải thiện đời sống người lao động trên cơ sở tăng năng suất lao động và hiệu quả.

Thứ năm, xây dựng thành công hình ảnh EVN trở thành đối tác tin cậy, thân thiện, hết lòng vì khách hàng.

Xin cảm ơn ông!

Theo: CôngThương