Nan giải tiết kiệm điện
Báo cáo tại hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2014 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2015 ngày 13/1, Phó Tổng Giám đốc EVN Dương Quang Thành cho biết, năm qua ngành điện đã hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất điện với sản lượng 61,1 tỷ kWh. Doanh thu bán điện của toàn tập đoàn ước đạt 196,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,57% so với năm trước. Tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi cũng giúp tập đoàn trả được nợ gốc, lãi vay với số tiền 30.362 tỷ đồng.
Theo Tổng Giám đốc Phạm Lê Thanh, chính là việc năm 2015 ngành điện có thể không đạt được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa hệ số đàn hồi về 1,5 lần và xuống còn 1,0 lần vào năm 2020. Việc này do sử dụng điện thời gian qua vẫn rất lãng phí trong khi theo Quyết định 854 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu năm 2015 EVN phải giảm tổn thất điện năng về 8% nhưng tới nay vẫn còn 8,6% (cao hơn 0,15% kế hoạch đề ra).
Tổn thất trên lưới điện truyền tải cũng trong tình trạng không đạt kế hoạch do cao hơn 0,3% so với chỉ tiêu. Đáng chú ý, người dùng điện vẫn phải chịu khổ khi tính chung toàn EVN, tổng thời gian mất điện của khách hàng lên tới 3.134 phút. Tần suất mất điện kéo dài bình quân 18,1 lần/khách hàng.
“Đến ngày hôm nay, 12,3% sản lượng điện mới tăng được 5,98% GDP, nghĩa là đến nay vẫn phải dùng 2% điện mới tạo ra 1% GDP. Kêu gọi tiết kiệm điện một mình EVN không làm được, đây là thách thức. Tới đây kiểm toán năng lượng thì phải tính tới thay đổi công nghệ như thế nào cho phù hợp”, ông Thanh nhấn mạnh.
Xin tăng thêm chi phí vào giá điện 2015
“Công ty mẹ và các đơn vị đều có lợi nhuận nhưng tỷ suất lợi nhuận rất thấp. Dù đã trích xử lý nhưng đến nay EVN vẫn đang phải gánh khoản lỗ kinh doanh do hạn hán gây ra trong giai đoạn 2009-2010 với tổng số tiền 8.800 tỷ đồng. Trong khi năm 2014 chi phí đầu vào sản xuất điện tăng hơn 8.000 tỷ đồng cho nên tổng lợi nhuận của toàn tập đoàn chỉ đạt 300 tỷ đồng. Tính chung EVN vẫn lỗ lũy kế gần 16.800 tỷ đồng. Tất cả các chi phí này đều chưa được tính vào giá bán điện”, ông Thanh cho biết.
Để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, theo lãnh đạo EVN, trong năm 2015, tập đoàn này đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống mức 8%. Cụ thể, EVN phấn đấu tiết kiệm 2% trên địa bàn miền Nam, giảm 5% các sự cố so với năm trước và phấn đấu cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế, xã hội. “Khoản lỗ này hiện EVN chưa thể cân đối được, là thách thức rất lớn của tập đoàn trong năm 2015” - ông Thanh nói. “Trong lúc chờ Chính phủ, Bộ Công Thương cân nhắc phương án điều chỉnh giá điện mà EVN đã trình lên cho phù hợp, EVN buộc phải tiếp tục tối ưu hóa chi phí để nâng cao năng suất. Giải bài toán giảm tổn thất điện năng đối với EVN không hề dễ khi nguồn điện chủ yếu tập trung ở khu vực miền Bắc, nguồn sử dụng điện lại ở miền Nam”, Tổng giám đốc EVN nói.
Đại diện EVN cũng có kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm bổ sung các chi phí đầu vào tăng thêm vào giá điện năm 2015 như tăng giá khí, giá than cho sản xuất điện, thuế tài nguyên, chi phí trồng rừng, chi phí tiền sử dụng đất của các hồ thủy điện theo Luật Đất đai mới.
Chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của EVN trong năm 2015 là phải nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, trong đó cần chú ý vấn đề tăng năng suất lao động và giảm mức tổn thất điện năng của tập đoàn. Đối với lưới điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng yêu cầu EVN phải thường xuyên kiểm tra đường dây 500 kV nhằm tránh xảy ra sự cố lớn gây mất điện cho các tỉnh phía Nam, cũng như điều tiết một cách hợp lý để có thể huy động các nguồn điện khác ngoài EVN và giảm tổn thất điện năng xuống mức thấp nhất. |