Công nhân Truyền tải điện Bình Định nạo vét mương thoát nước bị đất lấp trên tuyến đường dây 220 kV Quy Nhơn - Tuy Hòa.
Ông Trần Doãn Anh – Trưởng phòng An toàn, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) đã có cuộc trao đổi nhanh với phóng viên.
PV: Thưa ông, để chủ động ứng phó với hình thái mưa bão dồn dập, đơn vị đã có sự chuẩn bị như thế nào ?
Ông Trần Doãn Anh: Ban chỉ huy PCTT&TKCN Công ty Truyền tải điện 3 nhận định đây là hình thái thời tiết hết sức phức tạp, để chủ động đối phó hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa bão gây ra nhất là đảm lưới điện vận hành an toàn, liên tục, Giám đốc PTC3 đã chỉ đạo họp qua zoom ban chỉ huy PCTT&TKCN để rà soát lại phương án PCTT&TKCN từ các truyền tải điện đến công ty với phương châm “4 tại chỗ” cũng như chủ động phối hợp với Ban chỉ huy PCTT&TKCN địa phương, các đơn vị trong ngành.
Cụ thể, đối với các vị trí xung yếu, những nguy cơ gây ra sự cố khi có mưa bão, các trạm biến áp, văn phòng làm việc, Công ty đã kiểm tra xử lý hệ thống thoát nước, chống tốc mái, vật bay, làm kín các tủ bảng ngoài trời… Chuẩn bị đủ và bố trí hợp lý vật tư, thiết bị, phương tiện, lương thực thực phẩm, trang thiết bị cứu hộ, trang bị phòng, chống dịch COVID-19 sẵn sàng đáp ứng yêu cầu kể cả trường hợp bị cô lập do mưa lũ cũng như phòng, chống COVID-19. Lập danh sách trực PCTT&TKCN 24/24h từ công ty đến đội truyền tải điện, trạm biến áp, cập nhật thông tin dự báo thời tiết, phương tiện thông tin liên lạc luôn thông suốt cũng như báo cáo kịp thời thình hình mưa bão về Ban chỉ huy PCTT&TKCN để kịp thời chỉ đạo. Chủ động phối hợp các cấp điều độ đảm bảo phương thức vận hành, sơ đồ kết lưới trong mùa mưa bão.
PV: Đâu là những khó khăn đối với đơn vị trong tình huống mưa bão dồn dập như hiện nay? Đơn vị có giải pháp gì để khắc phục những khó khăn đó, thưa ông ?
Ông Trần Doãn Anh: Đặc điểm địa hình các tỉnh có lưới điện công ty quản lý các sông suối có độ dốc khá lớn nên khi mưa lớn dồn dập nhiều vùng sẽ bị chia cắt làm cho việc tiếp cận để đánh giá, xử lý các vị trí trên tuyến đường dây rất khó khăn thậm chí không thể vào được sau thời gian dài do nước vẫn còn ngập, phá hủy đường sá. Việc đổi dòng chảy đột ngột đã làm xói lở các vị trí móng cột, tràn vào trạm biến áp ngoài dự đoán. Mưa liên tục sẽ làm cho nền đất trở nên rất dễ trượt lở ở nhiều vụ trí móng trụ. Các cơn bão đổ bộ vào khu vực Nam miền Trung những năm qua cho thấy có cường độ rất mạnh, đã gây ra nhiều thiệt hại như làm tốc mái, gãy cây cối, bảng hiệu… làm bay các vật thể vào trong trạm biến áp, lên đường dây gây sự cố.
Công ty đưa ra phương châm chủ động phòng là trọng tâm, cụ thể: Phải nắm rõ đặc điểm địa hình, các vị trí xung yếu, các nguy cơ có thể xảy ra, từ đó chuẩn bị vật tư, thiết bị, phương tiện, hậu cần, thông tin liên lạc để đưa vào phương án PCTT&TKCN. Trước mùa mưa bão, Công ty đã tổ chức diễn tập phương án PCTT&TKCN từ cấp truyền tải điện đến cấp công ty, các tình huống diễn tập sát với thực tế, việc phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị trong ngành cũng như việc nắm thông tin từ những người dân sống gần công trình lưới điện qua đó bổ sung, cập nhật vào phương án.
Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ trong công tác PCTT&TKCN tiếp tục được phát huy, đến nay đã lắp 130 camera cho các vị trí xung yếu, vị trí khó đi lại liên tục theo dõi kịp thời đánh giá để đưa ra phương án xứ lý kịp thời. Đã trang bị thiết bị bay không người lái UAV đảm bảo hỗ trợ việc kiểm tra toàn tuyến đường dây nhất là trong thời điểm chưa thể tiếp cận các vị trí sau mưa bão. Tiếp tục triển khai việc giám sát vận hành các thiết bị nhất thứ trong trạm biến áp.
PV: Trong bối cảnh mưa bão, cùng với dịch bệnh COVID-19 vẫn phức tạp, nền đất vị trí móng cột yếu, nhiều vị trí có nguy cơ sạt lở, đơn vị có giải pháp gì cho vấn đề này để đảm bảo an toàn cho công nhân và an toàn lưới điện?
Ông Trần Doãn Anh: Với phương châm vừa đảm bảo vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ nhất là đảm bảo an toàn cho công nhân và vận hành an toàn lưới trong mùa mưa bão, công ty đã có những giải pháp cụ thể như: Tất cả công nhân đã được tiêm phòng 2 mũi COVID-19, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế về phòng, chống dịch và được huấn luyện đạt yêu cầu về kỹ năng bơi cũng như kỹ năng xử lý khi có mưa bão. Công nhân được trang bị đủ trang thiết bị bảo hộ lao động, các trang bị cơ bản để phòng, chống dịch COVID-19; Tất cả công nhân đều được huấn luyện để nhận biết được các nguy cơ có thể dẫn tới mất an toàn trong quá trình thực hiện công tác PCTT&TKCN.
Thực hiện đầy đủ các giải pháp như hoàn thành các hạng mục thí nghiệm, hạng, mục sửa chữa lớn, xử lý hành lang an toàn lưới điện, xử lý các tồn tại trên lưới điện trước mùa mưa bão.
PV: Công ty có đặt ra tình huống giả định nếu mưa bão lớn gây ảnh hưởng đến lưới điện truyền tải việc huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị được đơn vị triển khai như thế nào để nhanh chóng cấp điện trở lại?
Ông Trần Doãn Anh: Các tình huống có thể ảnh hưởng đến lưới điện truyền tải việc huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị được đơn vị triển khai. Đã được lập trong phương án PCTT&TKCN từ các Truyền tải điện đến phương án chung của công ty. Tổ chức diễn tập các tình huống ít nhất một lần trước mùa mưa bão trong đó chú trọng đến huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị trong các đợn vị của Công ty kết hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị trong ngành cũng như các điều độ đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục.
Để đảm bảo an toàn lưới điện truyền tải, đồng thời nhanh chóng khôi phục lưới điện nếu không may mưa bão tác động đến, PTC3 mong muốn tiếp tục nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời từ EVN, EVNNPT và các địa phương cũng như sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị khác nhanh chóng khôi phục lưới điện nếu bị sự cố do mưa bão.
PV: Xin cảm ơn ông!
Công ty Truyền tải điện 3 quản lý vận hành:
- Lưới điện truyền tải khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên gồm các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
- Tổng đường dây 500kV: gần 1.940 km;
- Tổng đường dây 220kV: hơn 3.200 km;
- Tổng dung lượng máy biếp áp 500kV: 5.850 MVA;
- Tổng dung lượng máy biếp áp 220kV: 5.875 MVA.
|