Thường xuyên phát quang hành lang lưới điện là một giải pháp giảm tổn thất điện năng.
Nếu như năm 2016, tỷ lệ giảm tổ thất điện năng là 5,61% thì đến năm 2019 chỉ còn 3,23%. Trên thực tế, không có bất cứ thiết bị nào có thể đạt công suất 100%, việc giảm tổn thất cần thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật trên toàn bộ hệ thống lưới điện, với sự tham gia của tất cả các bộ phận.
Ông Nguyễn Văn Hoạch, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Điện lực Thái Nguyên cho biết: "Thứ nhất phải phát quang hành lang, kiểm tra tiếp xúc, hạn chế thấp nhất các vấn đề về sự cố. Thứ hai là quản lý hệ thống đo đếm luôn đảm bảo hoạt động tốt, không để hệ thống đo đếm hoạt động quá tải hoặc non tải và thực hiện công tác thay thế định kỳ hệ thống đo đếm đúng quy định".
Giai đoạn 2016-2020, Công ty Điện lực Thái Nguyên được giao thực hiện 158 danh mục xây dựng, cải tạo lưới điện với tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng; thực hiện trên 400 hạng mục sửa chữa lớn với tổng số vốn gần 300 tỷ đồng. Trong năm 2020 đã đóng điện 82 Trạm biến áp chống quá tải và thực hiện san tải cho 177 trạm. Hiện tổn thất lưới điện 110KV đã giảm đáng kể và gần đạt chỉ tiêu kỹ thuật đề ra. Tuy nhiên ở lưới điện trung, hạ thế rải rác có điểm vẫn ở mức cao, từ 7-10%. Thực trạng này không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà cả ở TP Thái Nguyên.
Ông Vũ Đình Phước, Phó Giám đốc Công ty Điện lực TP Thái Nguyên: "Ở vùng ven xung quanh thành phố vẫn còn khu vực dân cư thưa thớt nên bán kính cấp điện tương đối dài, nên tổn thất kỹ thuật trên lưới điện là vấn đề cần quan tâm".
Việc tồn tại hiện tượng câu, móc trộm điện lưới cũng là 1 phần lý do gây tổn thất. Hiện ngành điện đã đẩy mạnh tuyên truyền đến khách hàng vì đây vừa là hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao. Từ giờ đến cuối năm, ngành điện sẽ đẩy mạnh thực hiện tiêu chuẩn 5S các đường dây, trạm biến áp; thay thế công tơ điện tử, rà soát hệ thống đo đếm; từng bước cải tạo hệ thống lưới điện ở vùng sâu, vùng xa hướng đến giảm tổn thất hiệu quả và bền vững.
Theo: Đài PT-TH Thái Nguyên