Đại diện Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (AMT) cho biết, năm 2014, đơn vị được Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) giao tổ chức thực hiện và đóng điện 9 dự án, trong đó có 4 dự án thuộc cụm Vĩnh Tân. Đây là các dự án nằm trong danh mục 12 dự án lưới điện cấp bách nhằm cung cấp điện cho miền Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, NPT thực hiện.
Thực hiện triển khai chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo kế hoạch đúng tiến độ đề ra, thời gian qua, AMT đã nỗ lực tập trung nguồn nhân lực trên công trường để đôn đốc các nhà thầu, đơn vị thi công, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương nhằm khắc phục kịp thời những vướng mắc phát sinh liên quan, phấn đấu hoàn thành đóng điện đường dây 220kV Vĩnh Tân- Tháp Chàm 2 mạch có chiều dài khoảng 63,3km, trạm biến áp 220kV Tháp Chàm công suất 125MVA & đường dây đấu nối 2 mạch dài 28,6km trong tháng 11/2014; đường dây 220kV Vĩnh Tân - Phan Thiết 2 mạch có chiều dài 91,7km trong tháng 1 năm 2015; đường dây 220kV Phan Thiết - Phú Mỹ 2 hai mạch có chiều dài 140,14km trong tháng 3/2015 và đường dây 500kV Vũng Áng - rẽ Hà Tĩnh - Đà Nẵng mạch kép dài khoảng 17km trong quý I/2015.
Tuy nhiên, hiện các công trình này có nguy cơ bị chậm tiến độ vì vướng mắc trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân được xác định là do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nơi có dự án đi qua chưa ban hành các quy định hướng dẫn chi tiết về công tác bồi thường theo các Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, Nghị định 43/104/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 37/2014/TT-BTNMT nên các Hội đồng bồi thường chưa có cơ sở để thực hiện việc thu hồi dất, áp dụng mức giá bồi thường hỗ trợ cho các trường hợp công trình còn dở dang.
Theo Ban quản lý dự án lưới điện Miền Trung, hiện nay các tỉnh mới đang trình dự thảo cho các ngành tham gia ý kiến và sẽ ban hành vào đầu năm 2015. Ngoài ra, Nghị định 14/2014/NĐ-CP thay thế Nghị định 106 và Nghị định 81, trong đó mức hỗ trợ đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất chỉ hỗ trợ không quá 30%. Trong khi trước đây, UBND các tỉnh đều ban hành mức hỗ trợ 50-60%. Vì vậy, các công trình đang áp dụng Nghị định này để lập phương án bồi thường hành lang tuyến đều gặp vướng mắc, nhiều đoạn tuyến trong cùng 1 dự án lại có mức hỗ trợ khác nhau, bởi thời điểm áp dụng mức đền bù của các Nghị định khác nhau.
Việc đóng điện đưa các dự án vào vận hành đúng tiến độ được giao mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc truyền tải công suất từ Nhà máy điện Vĩnh Tân 2 vào hệ thống điện quốc gia, tăng cường công suất và giảm tổn thất cho hệ thống điện, tạo liên kết lưới điện 220kV khu vực duyên hải Nam Trung bộ, góp phần cung cấp lượng điện năng thiếu hụt phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực Miền Nam giai đoạn cuối năm 2014, mùa khô 2015 và những năm tiếp theo.
Để các dự án lưới điện khu vực Vĩnh Tân hoàn thành đúng tiến độ, theo Ban quản lý dự án lưới điện Miền Trung, ngoài sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và sự nỗ lực của ngành điện, rất cần đến sự đồng thuận của những người dân và sự phối hợp của chính quyền địa phương trong việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về mặt bằng cũng như các vấn đề liên quan.
Theo: Công Thương