Tin thế giới

Cụm nhà máy quang điện – thủy điện lớn nhất thế giới

Chủ nhật, 2/10/2022 | 10:49 GMT+7
Trung Quốc đang nâng cấp một nhà máy thủy điện lớn và xây dựng nhà máy điện mặt trời trong khuôn khổ dự án năng lượng hỗn hợp lớn nhất thế giới, sản xuất điện từ thủy năng và quang điện.
 
Cụm nhà máy thủy điện - Quang điện tử lớn nhất thế giới của Trung Quốc. Ảnh CGTN
 
Nhà máy điện mặt trời Kela được xây dựng ở tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, gần Trạm thủy điện Lianghekou, nằm trên sông Yalong, công suất phát điện theo thiết kế 1 triệu kW.
 
Những tấm pin mặt trời sẽ được lắp đặt trên núi ở độ cao lên tới 4.600 mét, tổng công suất theo thiết kế bổ sung thêm 1 triệu kW. Dự kiến, dự án sẽ hoạt động trong 1.735 giờ mỗi năm, công suất điện trung bình hàng năm là 2 tỷ kilowatt giờ khi hoàn thành vào năm 2023.
 
Trung Quốc đang nỗ lực phát triển các nguồn năng lượng sạch, quốc gia này đặt mục tiêu đạt mức tối đa lượng khí thải carbon năm 2030, đạt mức trung tính carbon trước năm 2060.
 
Theo Qi Ningchun, Chủ tịch Công ty TNHH Phát triển Thủy điện Sông Yalong, nhà điều hành dự án, Trạm Kela sẽ cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide hơn 1,6 triệu tấn, tương đương với đốt cháy 600.000 tấn than mỗi năm.
 
Trạm điện mặt trời Kela sẽ là nguồn điện bổ sung cho trạm thủy điện khi sản lượng của hai nhà máy thay đổi rõ rệt trong năm.
 
Sông Yalong ở tỉnh Tứ Xuyên là một phụ lưu chính của sông Dương Tử, chảy xuống từ cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng. Nhưng lưu lượng nước bị giảm đáng kể vào mùa đông. Trạm thủy điện tạo ra nhiều năng lượng nhất vào mùa hè, đồng thời mùa sản xuất tốt nhất của các nhà máy năng lượng mặt trời như Kela là vào mùa thu và mùa xuân.
 
Một vấn đề đối với nhà máy quang điện là sản lượng dao động trong ngày. Hiệu suất cao nhất vào buổi trưa với đầy đủ ánh sáng mặt trời nhưng không sản xuất điện năng vào ban đêm. Sự thay đổi nguồn cung như vậy gây ảnh hưởng đến sự ổn định của vận hành lưới điện. Bằng cách kết hợp sử dụng hai loại nguồn điện vào một trạm, lưới điện sẽ không chỉ nhận được lượng điện ngày càng tăng mà còn cung cấp nguồn điện ổn định hơn.
 
Trạm quang điện Kela sẽ chuyển tải điện đến trạm thủy điện, kết nối với lưới điện quốc gia, do đó, hai nguồn điện này giúp giảm bớt sự biến động nhu cầu sử dụng điện hàng ngày và theo mùa khi sản lượng điện không ổn định.
 
Trạm quang điện Kela, được xây dựng tại trên khu vực kém phát triển ở Tứ Xuyên, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đáng kể nền kinh tế địa phương. Sau khi xây dựng, trạm quang điện dự kiến ​​sẽ đóng 150 triệu nhân dân tệ (21 triệu USD) tiền thuế hàng năm và tạo ra hơn 3.000 việc làm cho người dân địa phương.
 
Để cho phép những người chăn gia súc địa phương tiếp tục đưa bò và cừu vào ăn trong khu vực, những tấm pin mặt trời sẽ được nâng cao 1,8 mét so với đồng cỏ tự nhiên.
 
Xây dựng một trang trại năng lượng mặt trời khổng lồ trên cao nguyên có độ cao hơn 4.000 mét so với mực nước biển không phải là một nhiệm vụ dễ dàng đối với các kỹ sư. Thời tiết khắc nghiệt và những yêu cầu bảo vệ sinh thái ngặt nghèo là một trong những thách thức lớn nhất.
 
Các nhà xây dựng đang sử dụng những công nghệ tiên tiến từ trí tuệ nhân tạo đến các công nghệ địa lý tiên tiến nhằm tránh hủy hoại môi trường.
 
Các kỹ sư xây dựng các mô hình kỹ thuật số để mô phỏng công trình xây dựng trước khi động thổ trên công trường nhằm hạn chế thiệt hại cho môi trường. Shen Zhanfeng, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu quốc gia chuyên về công nghệ kỹ thuật viễn thám cho biết, những thí nghiệm mô phỏng đã cung cấp các điểm tham chiếu hữu ích cho quá trình xây dựng những dự án năng lượng sạch khác trên độ cao lớn.
 
Theo ông Shen, những công nghệ xây dựng thông minh được sử dụng để hỗ trợ đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật cao, bền vững và bảo vệ hoạt động ổn định của nhà máy điện.
 
Trạm quang điện Kela cũng áp dụng những công nghệ thông tin mới nhất. Hệ thống kỹ thuật hoạt động trên cơ sở nền tảng máy tính hóa cao độ, sử dụng công nghệ dữ liệu lớn và những công nghệ Trí tuệ Nhân tạo (AI) Máy học được sử dụng để tự động kiểm soát vận hành của trạm điện, phát hiện các lỗi kỹ thuật của thiết bị.
 
Theo: Viettimes