Thùng pin dòng chảy lưu trữ điện năng. Ảnh E&T
Công nghệ lưu trữ năng lượng điện có thể giúp hệ thống điện dễ dàng ứng phó với căng thẳng trong quá trình tiêu thụ năng lượng quy mô lớn trên lưới điện đồng thời có khả năng giảm lượng khí thải carbon của mạng lưới điện bằng phương pháp sạc pin trong thời gian mức tiêu hao thấp và kịp thời giải phóng năng lượng trở lại lưới điện khi cần thiết.
Trạm lưu trữ điện năng hỗ trợ và thúc đẩy tăng cường sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo, đây là vấn đề then chốt giúp Trung Quốc đạt được những mục tiêu then chốt về đỉnh lượng khí thải carbon vào năm 2030 và trung hòa carbon vào 2060.
Trạm lưu trữ điện năng dư thừa của Trung Quốc sử dụng pin dòng chảy. Pin dòng chảy còn được gọi là pin dòng oxy hóa khử (sau quá trình khử – oxy hóa), là tế bào điện hóa trong đó năng lượng hóa học được cung cấp bởi hai thành phần hóa học hòa tan trong chất lỏng, bơm qua hệ thống trên 2 mặt riêng biệt của màng ngăn nhưng cho phép trao đổi ion. Quá trình truyền ion bên trong tế bào kèm theo dòng điện chạy qua mạch bên ngoài diễn ra qua màng khi cả hai chất lỏng lưu thông trong không gian độc lập.
Loại pin này thường cung cấp vòng đời chu kỳ dài, phù hợp để cung cấp năng lượng ổn định, yêu cầu quan trọng đối với các giải pháp lưu trữ điện năng cấp lưới.
Hệ thống pin lưu trữ 100MW được kết nối với lưới điện ở Đại Liên ngày 29/9 với kế hoạch đưa trạm vào hoạt động giữa tháng 10.
Hệ thống lưu trữ sử dụng pin dòng chảy đã được Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc phê duyệt tháng 4/2016 là dự án áp dụng thử lưu trữ năng lượng hóa học quy mô lớn cấp quốc gia đầu tiên của quốc gia này.
Các nhà nghiên cứu từ Viện Vật lý Hóa học Đại Liên (DICP) cho biết, trên cơ sở mức tiêu thụ điện sinh hoạt trung bình hàng ngày của Trung Quốc là 2kWh trên người, nhà máy lưu trữ có thể đáp ứng nhu cầu điện của 200.000 cư dân.
Trạm lưu trữ điện sẽ đóng vai trò là “ngân hàng điện” của thành phố và đóng vai trò “cắt đỉnh và lấp đầy thung lũng” trên toàn hệ thống điện, đặc biệt tập trung vào việc tận dụng tối đa khả năng sản xuất của các cơ sở năng lượng tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời trong địa phận tỉnh Đại Liên.
Các nguồn năng lượng tái tạo này sẽ được sử dụng để sạc pin của trạm trong giai đoạn mức tải thấp trên lưới điện. Khi ở mức tải đạt cao vượt ngưỡng của lưới điện, năng lượng hóa học dự trữ sẽ được chuyển đổi trở lại thành năng lượng điện và hòa vào điện lưới đến người sử dụng.
Công nghệ này cũng hoạt động với nhiệt điện thông thường, điện hạt nhân và các nguồn điện khác để lưu trữ, sẵn sàng làm phẳng các đỉnh và đáy tải trọng trên lưới điện.
Theo: Viettimes