Tin thế giới

Slovakia tự chủ năng lượng để đối phó với khủng hoảng

Chủ nhật, 25/9/2022 | 11:36 GMT+7
Trong bối cảnh châu Âu đang phải vật lộn kiềm chế cuộc khủng hoảng năng lượng đang ngày càng diễn biến trầm trọng, chính phủ Slovakia đã triển khai biện pháp để tiến tới độc lập về năng lượng nhằm bảo vệ người dân khỏi chi phí điện tăng cao cũng như nguy cơ cắt giảm năng lượng.
 
(Ảnh minh họa - KT).
 
Dự kiến, lò phản ứng hạt nhân mới ở Slovakia sẽ được khởi công vào đầu năm tới. Như vậy, nếu kế hoạch triển khai thuận lợi, quốc gia này sẽ có thể sản xuất điện hơn mức tiêu thụ hiện tại và tiến tới không cần nhập khẩu thêm năng lượng khi cơ sở này đi vào hoạt động.
 
Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc triển khai dự án này sẽ giải quyết được cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại, đồng thời giúp người dân giảm gánh nặng chi phí năng lượng đang cao kỷ lục do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga – Ukraine.
 
Độc lập năng lượng cũng là mong muốn không chỉ ở Slovakia mà còn ở nhiều các quốc gia châu Âu. Ông Branislav Strycek, đại diện công ty Slovenske Elektrarne là chủ sở hữu dự án này cho rằng sau khi dự án được hoàn thành thì Slovakia sẽ độc lập về năng lượng và không cần phải nhập khẩu từ các nguồn bên ngoài.
 
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà khai thác lưới điện của EU, hiện tại, Slovakia vẫn phải nhập khẩu trung bình 266 megawatt mỗi ngày trong những năm qua. Trong khi đó, lò phản ứng này khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp khoảng 471 megawatt/ngày để giúp nước này tự chủ về năng lượng cũng như giảm thiểu chi phí cho người dân. Với 4 lò phản ứng khác đang hoạt động, Slovakia đã có hơn một nửa sản lượng điện từ hạt nhân, chiếm thị phần lớn thứ hai trong EU sau Pháp.
 
Năng lượng hạt nhân hiện nay chính là chìa khóa đối với Slovakia để đối phó với khủng hoảng hiện nay. Dự kiến, một lò phản ứng khác sẽ tiếp tục được triển khai trong hai năm nữa để biến quốc gia này thành một nước xuất khẩu điện trong tương lai.
 
Theo: VOV