Tin mới nhất

Cung ứng điện mùa khô 2010 – 2011: Tiếp tục khó khăn

Thứ ba, 7/12/2010 | 08:46 GMT+7

Dự báo, năm 2011, để đáp ứng tốc độ GDP tăng 7,5%, nhu cầu điện sẽ phải tăng khoảng 15% so với năm 2010. Trong đó, nhu cầu điện thương phẩm là 97 tỷ kWh và điện sản xuất, nhập khẩu khoảng 110,5 tỷ kWh. Tuy nhiên, ở các tỉnh miền Bắc, do lưu lượng dòng chảy ở các sông đều thấp hơn trung bình nhiều năm nên các hồ thủy điện đang trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Điều đó cũng đang dự báo 1 năm đầy khó khăn với ngành điện.


Lưu lượng nước về hồ Thủy điện Hòa Bình thấp hơn nhiều năm

Miền Bắc sẽ khô hạn nghiêm trọng

Mùa khô 2010 – 2011, các tỉnh phía Bắc sẽ khô hạn nghiêm trọng, đó là thông báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương tại Diễn đàn khí hậu mùa lần 4 vừa diễn ra tại Vĩnh Phúc mới đây. Theo ông Đặng Ngọc Tĩnh, Trưởng phòng Dự báo thủy văn Bắc bộ, hằng năm lưu lượng nước trung bình sông Hồng trên địa phận Hà Nội vào khoảng 1180 m3/s, trong khi mùa khô năm nay chỉ đạt mức 580 – 800 m3/s. Dòng chảy trên hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình có khả năng thấp hơn mức trung bình hàng năm khoảng 30 – 40%. Lưu lượng dòng chảy các sông Đà, sông Thao, sông Chảy, sông Gâm, sông Lô đều thấp hơn 15% - 34% so với trung bình hằng năm. Khả năng thiếu nước và khô hạn nghiêm trọng ở mùa khô 2010 – 2011 là khó tránh khỏi. Hậu quả của tình trạng này không chỉ gây thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp mà còn gây khó khăn nghiêm trọng cho việc phát điện trong mùa khô năm nay.

Cung ứng điện năm 2011 sẽ rất khó khăn

Theo EVN, do thiếu lũ ở vùng thượng nguồn, các hồ thủy điện tại miền Bắc hiện vẫn đang thiếu khoảng 1,6 tỷ m3 nước. Mực nước các hồ thủy điện Hòa Bình thấp hơn 10 m so cùng kỳ năm 2009. Cả 3 hồ thủy điện lớn là Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang chỉ tích được hơn 5,2 tỉ m3, còn thiếu hơn 4,5 tỉ m3 so với thiết kế

Không riêng phía Bắc, tại khu vực Tây Nguyên, hồ chứa của thuỷ điện Pleikrông có dung tích hơn 1,3 tỷ m3 nước với chức năng tích nước cho hàng loạt hồ thuỷ điện bậc thang ở dưới. Tuy nhiên hiện nay, nước trong hồ chứa mới đạt 524/950 triệu m3, thấp hơn 10m so với trung bình nhiều năm. Ở hồ Yaly, trong tháng 11, lượng nước về hồ chỉ bằng 47% lượng nước về cùng kỳ năm ngoái và bằng 63% lượng nước về trung bình nhiều năm. Lượng nước này thấp hơn 17 m so với trung bình nhiều năm. Đây là năm có mức nước thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Hai cơn bão, lũ lịch sử ở khu vực Bắc Trung bộ vừa qua cũng không giúp cải thiện được lượng nước về hồ. Trừ một số hồ ở miền Trung và Tây Nguyên (Sông Hinh, Sông Ba Hạ, Buôn Kuốp, Đại Ninh, Đa Nhim) có lượng nước về khá hơn nhưng nhìn chung nước về các hồ thuỷ điện lớn vẫn thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm (Hồ Hàm Thuận thấp hơn 15 m, Hồ Thác Mơ thấp hơn 9,8 m so cùng kỳ nhiều năm).

Theo kế hoạch, đến hết năm 2010, tổng công suất đặt của hệ thống điện là 20,295 MW, trong đó, thủy điện là 8.158MW, chiếm 40,2%, nhiệt điện là 11.437MW, chiếm 59,8%. Năm 2011, công suất đặt tăng thêm của hệ thống điện là 4.585MW, trong đó, nhiệt điện là 1680MW và thủy điện là 2.905MW. Ngoài ra, Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 700MW từ Trung Quốc và 250MW từ Lào. Trong khi đó, tổng công suất thủy điện chiếm trên 39% nhưng với tình hình thủy văn như hiện nay, khả năng tổng sản lượng các nhà máy thủy điện chỉ đạt khoảng 70% sản lượng được giao.

Bên cạnh khó khăn của thủy điện, một số nhà máy nhiệt điện than mới như Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Quảng Ninh đều vận hành chưa tin cậy. Thời gian vận hành thử kéo dài cũng ảnh hưởng đến việc đưa điện lên lưới. Một số tổ máy nhiệt điện khác phải ngừng sửa chữa do quá thời hạn và bị sự cố. Nhiều nguồn điện mới bị chậm tiến độ nhưng các chủ đầu tư vẫn chưa tìm ra giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Đó là chưa kể những khó khăn về tìm nguồn than cho điện. Vì vậy, dự báo không chỉ năm 2011 mà các năm 2013-2015, tình hình thiếu điện sẽ còn nghiêm trọng hơn.

Những giải pháp cần thực hiện

Về biện pháp khắc phục tình trạng thiếu điện năm 2011 và các năm tới, EVN đang tích cực khai thác tối đa các nguồn phát điện hiện có, kể cả các nhà máy điện sử dụng dầu đốt có giá thành sản xuất cao; nguồn điện Diesel dự phòng của các doanh nghiệp. Rút ngắn thời gian sửa chữa, bố trí hợp lý lịch sửa chữa các tổ máy hiện có để tăng sản lượng điện. Tiếp tục nhập khẩu tối đa lượng điện từ nước ngoài... Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã có ý kiến chỉ đạo EVN phải lập kế hoạch sản xuất và phương thức vận hành hệ thống điện cuối năm 2010 và năm 2011. Cụ thể, phương thức vận hành dựa trên kịch bản tốc độ tăng trưởng phụ tải mùa khô năm 2011 là 18,3%, bình quân cả năm 2011 là 16,34%. EVN phải huy động các nhà máy điện sử dụng dầu để nâng mức nước vào cuối năm 2010 của các nhà máy thủy điện; phối hợp với Bộ NN&PTNT để sử dụng có hiệu quả nguồn nước cho cấp điện và cấp nước cho các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc bộ. Tại hội nghị triển khai công tác phòng chống hạn hán do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 25/11 vừa qua, lãnh đạo EVN đã  khẳng định, dù thiếu nước để sản xuất điện nhưng vẫn sẽ xả nước các hồ thủy điện để các địa phương lấy nước. Kế hoạch xả nước sẽ thực hiện trong hai đợt (từ 27-1 đến 2-2 và từ ngày 8 đến 12-2), với tổng lượng xả lên tới trên 2,6 tỉ m3, đảm bảo mực nước sông Hồng tại Hà Nội đạt 2-2,2m.

Về lâu dài, Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện Quy hoạch điện VII vào cuối năm 2011. Tích cực cơ cấu lại ngành điện, sớm đưa thị trường phát điện cạnh tranh vào hoạt động. Có cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, thủy điện nhỏ. Tăng cường chấn chỉnh giữa các chủ đầu tư và nhà thầu trong việc thực hiện các hợp đồng, bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án. Đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thực hiện tốt các giải pháp về quản lý, sử dụng điện tiết kiệm, có hiệu quả. Thực hiện lộ trình từng bước giá bán điện theo cơ chế thị trường nhằm thu hút vốn từ các nhà đầu tư, ưu tiên phát triển các ngành tiêu thụ ít năng lượng, sử dụng năng lượng mới và tái tạo.

Khánh Chi