Tin mới nhất

Lặng lẽ thợ đường dây

Thứ sáu, 29/10/2010 | 10:53 GMT+7

Ngày tháng cứ nối tiếp trôi qua, bất kể đêm mưa rét lạnh cắt da hay ngày hè nắng nóng, những người làm nghề đường dây vẫn lặng lẽ, rắn rỏi rảo bước dọc theo chiều dài đất nước, kiềm tra kỹ lưỡng từng vị trí cột, từng đoạn dây dẫn, từng con bu lông, từng sợi tiếp địa, từng gốc cây trong hành lang tuyến,  để nhanh chóng phát hiện, sửa chữa hư hỏng trên hệ thống đường dây... đảm bảo cho dòng điện an toàn, ổn định.

 
Ngành Điện vốn nhiều gian nan, vất vả, nhưng có lẽ vất vả và lặng lẽ nhất thì chỉ có nghề đường dây.

Nghề của phái mạnh

Khi biết tôi có ý định viết về những người thợ đường dây, anh Vũ Ngọc Minh - Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) tỏ vẻ hào hứng. Anh bảo rằng rất cần có những bài viết chân tình về những công nhân đang từng ngày tận tụy bám từng km đường dây trên khắp các vùng miền đất nước. Bởi ngành Điện vốn nhiều gian nan, vất vả, nhưng có lẽ vất vả và lặng lẽ nhất thì chỉ có nghề đường dây.

Người thợ đường dây chỉ có nam giới sức khỏe loại tốt, đủ chiều cao, cân nặng mới theo được nghề, nhưng cũng chỉ có thể làm tốt công việc khi còn trẻ khoẻ. Với mỗi công nhân đường dây, sau khi trúng tuyển rồi phải được đào tạo thêm một khóa ngắn hạn chuyên ngành truyền tải điện trong thời gian 3 tháng, đồng thời phải biết bơi lội và phải thi để được cấp chứng chỉ bơi lội của Sở Thể dục Thể thao. Một năm 2 lần, công nhân đường dây phải được khám sức khỏe định kỳ, mỗi lần trèo cột điện làm việc ở độ cao trên 50m phải kiểm tra sức khỏe ngay tại chân cột. Chỉ nhìn vào quy trình và bản khuyến cáo nghề nghiệp như thế cũng đủ biết đặc thù nghề thợ đường dây là vất vả, nặng nhọc đến thế nào.

Anh Nguyễn Hữu Long - Trưởng phòng Kỹ thuật PTC1 chia sẻ: Để đảm bảo đường dây vận hành an toàn, có rất nhiều công việc phải làm. Mỗi tháng công nhân phải đi kiểm tra định kỳ đường dây vào ban ngày ít nhất 2 lần, mỗi quý kiểm tra ban đêm ít nhất 1 lần. Mỗi lần 4 đến 5 ngày. Một nhóm công tác 2 người phải đi kiểm tra vài chục vị trí cột, tùy theo điều kiện địa hình. Ngoài ra còn phải đi kiểm tra trước và sau những ngày lễ tết, những ngày mưa bão, lũ lụt.

Công việc trong mỗi lần đi kiểm tra cũng rất phức tạp không thể qua loa, đại khái. Người công nhân đường dây phải đi kiểm tra rất kỹ lưỡng thì mới có thể phát hiện kịp thời các hư hỏng của từng con bu lông, đinh ốc… hay các hiện tượng vi phạm hành lang an toàn đường dây như cây cao trong và ngoài hành lang đường dây, đốt nương rẫy gần hành lang, đào xới móng cột... để ngăn chặn kịp thời những nguy cơ đe dọa đến sự vận hành an toàn của đường dây.

Ăn trưa trên… đỉnh cột

Thợ đường dây là một nghề rất vất vả, nặng nhọc, nguy hiểm, nhưng không phải ai cũng thấu hiểu. Ngay cả bà con địa phương nơi đóng quân của các đội đường dây cũng chỉ nhìn thấy anh em công nhân tại trụ sở, còn những lúc lặng lẽ trèo đèo, lội suối, những ngày lễ tết phải bám tuyến không được về với gia đình, vợ con, những lúc sự cố đường dây, bất chấp sớm khuya, mưa bão đều phải lao lên tuyến tìm cho bằng được nguyên nhân và giải quyết nhanh gọn sự cố… thì rất ít người biết đến.

Anh Nguyễn Văn Giang - Đội trưởng Đội đường dây Thanh Hóa kể lại: Đợt tổng sửa chữa đường dây khu vực Xuân Mai, Hòa Bình kéo dài hơn 1 tháng. Đợt đó, Công ty huy động hàng chục đội đường dây về đây thi công. Do thời gian thi công kéo dài, trong khi lịch cắt điện lại phải đảm bảo ngặt nghèo, nên các đội phải mang theo cấp dưỡng nấu cơm tại công trường để đảm bảo sức khỏe cho anh em. Hàng ngày, bộ phận cấp dưỡng phải gánh cơm đến từng chân cột điện cho công nhân. Hàng ngày, công nhân cũng phải liên tục trèo cột, ra dây từ 4h sáng đến 16h chiều, bất kể thời tiết nắng hay mưa. Chỗ ở thì phải thuê nhà dân, vừa chật chội, vừa thiếu thốn đủ thứ, buổi chiều đi làm về, hàng chục người xếp hàng chờ tắm chung một cái giếng đào, tối đến vài người ngủ chung một cái chiếu, vậy mà vẫn cứ ngủ ngon lành.

Sau mỗi đợt như vậy, có trường hợp người nhà thậm chí không nhận ra nổi anh em vì nước da của họ cháy nắng đến đem sạm, người thì gầy rộc đi. Vì vậy, trong những “chiến dịch lớn”, thời gian cắt điện hàng ngày thường từ 4h sáng đến 16h chiều, nên công nhân thường phải thức dậy lúc 3h lo ăn sáng và chuẩn bị đồ ăn nhanh cho buổi trưa, sau đó làm việc liên tục từ 4h sáng cho đến 16h chiều. Thời gian ăn trưa rất khẩn trương, nên nhiều khi phải dùng dây thừng kéo đồ ăn, nước uống lên tận đỉnh cột cao vài chục mét rồi anh em thợ ngồi tại đó, ăn sao cho thật nhanh để tiếp tục làm việc. Nói về những vất vả trong công việc là thế, nhưng anh Giang vẫn hóm hỉnh: “Ấy thế nhưng mấy ai được hưởng cái cảm giác ăn cơm trên đỉnh cột, giữa trời gió vù vù như chúng tôi đâu, nếu thử một lần sẽ thấy thú vị lắm đấy”.

Vinh quang “lính truyền tải”

Càng trò chuyện với các anh, chúng tôi lại càng biết thêm nhiều chi tiết thú vị nữa về thợ đường đây. Đó là “không phải cứ mắt sáng, khỏe tay, khỏe chân, thạo tay nghề là làm tốt công việc”. Bởi các tuyến đường dây truyền tải điện trải dài khắp đất nước, một nhóm công tác 2 người được giao quản lý vài chục vị trí cột, không phải lúc nào cũng thường trực tại từng đó vị trí để kiểm tra, sửa chữa, bảo vệ đường dây. Nên yếu tố quan trọng nữa để hoàn thành công việc đối với thợ truyền tải là phải gần gũi và dựa vào nhân dân. Đó cũng là lý do vì sao anh em cứ hay nói đùa là thợ đường dây giỏi trước tiên phải là nhân viên dân vận thành thục.

Kể cũng phải, bởi trong nhiều tình huống như mưa lũ xói lở móng cột, kẻ gian tháo trộm thanh giằng, tiếp địa cột, cách điện đường dây bị vỡ, đốt nương rẫy gần đường dây… thì chỉ có người dân mới phát hiện nhanh nhất, ngăn chặn kịp thời, hoặc cấp báo cho nhân viên truyền tải. Vì vậy, người công nhân đường dây còn phải biết tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ an toàn đường dây.

Nghề thợ đường dây rất thiếu thốn tình cảm gia đình. Đa số anh em công nhân đều làm việc ở xa nhà… Những ngày lễ tết, khi mọi người sum vầy bên gia đình, thì những người thợ vẫn lặng lẽ bám tuyến, lo cho đường dây không xảy ra sự cố, duy trì dòng điện phục vụ lễ tết, phục vụ đất nước, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Vất vả và có phần thiệt thòi là thế, nhưng bù lại, những người thợ đường dây truyền tải điện được nhân dân rất yêu mến và gọi là “lính truyền tải”.

Gọi là “lính truyền tải” bởi họ ăn ở, sinh hoạt, làm việc đâu có khác gì những người lính. Trụ sở đội đường dây như những doanh trại quân đội, công nhân ăn cơm tập thể, ở phòng chung, làm việc xong cùng chơi thể thao, tối đến quây quần bên nhau đàn hát, có lệnh cấp trên là đi, tư thế sẵn sàng. Những ngày nghỉ ca, họ đi vào bản, giao lưu với bà con, giúp đỡ nhân dân kéo lại đường dây điện sinh hoạt, sửa lại cái bảng điện... tạo nên tình cảm thân thiết với nhân dân và cũng để vơi đi nỗi nhớ nhà.

Đời “lính truyền tải” là thế, những con người lặng lẽ ngày đêm góp phần sức lực của mình để giữ vững huyết mạch dòng điện của tổ quốc. Công việc vô cùng gian nan, vất vả, nhưng cũng thật vinh quang.

Theo: TCĐL số 9/2010