Tin thế giới

Cuộc đua năng lượng tại Đông Nam Á

Thứ năm, 31/10/2019 | 12:49 GMT+7
Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu năng lượng hóa thạch và năng lượng tái tạo được đánh giá có nhiều triển vọng tại khu vực Đông Nam Á.
 

Khói và hơi nước bốc lên từ các ống khói của nhà máy chạy bằng than ở Hongsa, tỉnh Xayabouly, Lào tháng 12/2015.
 
Vừa qua, trong báo cáo thường niên đánh giá triển vọng năng lượng ở Đông Nam Á, cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết Đông Nam Á có thể trở thành khu vực nhập khẩu ròng nhiên liệu hóa thạch trong vài năm tới. Theo đó, nhu cầu sử dụng khí đốt trong ngành công nghiệp được dự báo sẽ tăng trưởng lớn nhất. 
 
Mặc dù giới chuyên gia dự báo mức tăng nhu cầu năng lượng trong khu vực này đang có dấu hiệu chậm lại trong bối cảnh các nền kinh tế chuyển hướng sang sản xuất và cung cấp các dịch vụ ít sử dụng năng lượng hơn và hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên trong năm 2018 khu vực này nhập khẩu dầu thô ở mức ròng 4 triệu thùng/ngày, trong khi nhu cầu khí đốt tự nhiên tăng mạnh khiến lượng khí dư thừa để xuất khẩu bị sụt giảm.
 
Trong khi đó, than đá vẫn là nguyên liệu được sử dụng nhiều nhất trong thị trường năng lượng Đông Nam Á. IEA cũng dự đoán việc sử dụng than đá sẽ tiếp diễn đến năm 2023 và duy trì ở mức ổn định. Việc Đông Nam Á vẫn tăng trưởng tiêu thụ than đá trong khi Ấn Độ, châu Âu và Bắc Mỹ đang giảm nhu cầu được cho là do phù hợp xét trên phương diện kinh tế và dễ tìm nguồn cung.
 
Có thể thấy, việc các nền kinh tế đang phát triển tại Đông Nam Á có nhu cầu sản xuất điện rất lớn đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng năng lượng hóa thạch, ngay cả khi phần còn lại của thế giới hướng đến các phương pháp xanh hơn
 
Chuyên gia Jacqueline Tao tại nhóm tư vấn Wood Mackenzie (Anh) nhận định, thực tế nhu cầu năng lượng này càng tăng và tình hình trong khu vực đồng nghĩa với việc phải sau năm 2030 mới có thể thấy tiêu thụ năng lượng than đá suy giảm ở Đông Nam Á. 
 
"Những xu hướng này cho thấy Đông Nam Á đang trở thành nhà nhập khẩu ròng nhiên liệu hóa thạch trong vài năm tới", ông đánh giá. Nếu không có thay đổi trong chính sách, nhu cầu năng lượng của khu vực dự kiến đến năm 2040 sẽ tăng 60%, chiếm 12% mức tăng sử dụng năng lượng toàn cầu trong khi nền kinh tế của khu vực này tăng trưởng gấp đôi.
 
Tuy nhiên, những năm gần đây, việc ô nhiễm môi trường đang trở nên ngày một nghiêm trong tại các thành phố lớn của Đông Nam Á. Các các chính phủ đã cam kết chuyển sang nguồn năng lượng sạch, tạo điều kiện cho việc phát triển năng lượng tái tạo trong tương lai. 
 
Năng lượng gió và mặt trời dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, trong khi thủy điện và năng lượng sinh học hiện đại, bao gồm nhiên liệu sinh học, sinh khối, khí sinh học và năng lượng sinh học có nguồn gốc từ các sản phẩm chất thải khác sẽ trở thành những lĩnh vực có bước tiến mạnh mẽ trong ngành năng lượng tái tạo Đông Nam Á.
 
Mặc dù vậy, việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo trong khu vực vẫn cần nhiều chi phí để thực hiện đối với hầu hết quốc gia. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Habibie, bên cạnh vấn đề tài chính, một số nước ASEAN vẫn chưa có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu kinh nghiệm lẫn năng lực chuyên môn trong việc đánh giá rủi ro đầu tư năng lượng tái tạo.
 
Điều kiện địa lý, kỹ thuật, thiếu chính sách để quy định việc sử dụng đất hợp lý và tác động môi trường đối với dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn được thực hiện trong khu vực, cũng là thách thức không nhỏ.
 
Đáng chú ý, thiếu khung pháp lý cũng là một rào cản lớn trong việc giới thiệu và phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Dự đoán, điều này sẽ dẫn đến việc tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện sẽ chỉ tăng từ mức 24% ở thời điểm hiện nay lên 30% vào năm 2040.
 
Hiện nay, ASEAN đang nỗ lực khuyến khích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng tái tạo để thay thế năng lượng hóa thạch. Nhưng các chuyên gia vẫn lưu ý rằng, khu vực này cần phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng sạch bên cạnh đẩy mạnh tính minh bạch của thị trường để các nhà đầu tư tư nhân có niềm tin tham gia mạnh mẽ vào cuộc đua năng lượng trong khu vực.
Theo: Enternew