Đắk Lắk: Chuyển động điện mặt trời mái nhà

Thứ ba, 2/2/2021 | 13:54 GMT+7
Sự phát triển bùng nổ của điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại Đắk Lắk trong năm 2020 có thể xem là một trong các sự kiện tiêu biểu của năm. 
Công trình ĐMTMN của Công ty Năng lượng xanh Thành Đồng – Thôn 6, xã Hòa Khánh, Tp. Buôn Ma Thuột.
 
Sau Quyết định 13/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển Điện Mặt trời tại Việt Nam, làn sóng đầu tư bắt đầu, tạo nên sự chuyển động mạnh mẽ trong đồ thị, biểu đồ năng lượng của các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Thị trường điện năng lượng tái tạo chưa bao giờ chứng kiến sự sôi động, khởi sắc như năm qua.
 
Nhiều thuận lợi để phát triển
 
Đến cuối năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có 486 công trình ĐMTMN với tổng công suất gần 30 ngàn kWp. Bước sang năm 2020, với sự phát triển mạnh mẽ, con số này đã được nhân lên nhiều lần, đạt 5.360 công trình, tổng công suất gần 650 ngàn kWp. Nói về cơn sốt điện mặt trời tại Đắk Lắk, đây không phải là sự ngẫu nhiên mà do điều kiện để phát triển năng lượng tái tạo cũng như ĐMTMN nói riêng có nhiều sự thuận lợi. Đầu tiên, Đắk Lắk được các chuyên gia về năng lượng đánh giá cao khi bức xạ trung bình đạt khoảng 4,9 – 5,7 kWh/m2/ngày, số giờ nắng trong năm cao. Đây đều là những thông số quan trọng trong việc cân nhắc đầu tư phát triển hệ thống này. Mặt khác, tại địa phương, số lượng công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, trang trại nông nghiệp tương đối lớn nên việc lắp đặt ĐMTMN để sử dụng, phát điện và tận dụng phần mái, kết hợp cùng các mô hình sản xuất được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Hiện nay, suất đầu tư cho các mỗi 01 kWp đã thấp hơn các năm trước rất nhiều, dao động từ 10 đến 12 triệu đồng đối với các công trình nhỏ và từ 12 đến 14 triệu đồng đối với các công trình lớn, thuộc dạng trang trại. Vật tư, nguồn cung cấp các tấm quang năng cũng như inverter cũng khá đa dạng, nhiều chủng loại để khách hàng có thể lựa chọn, tính toán sao cho chi phí giảm xuống mức thấp nhất. Theo tính toán của các nhà đầu tư, với giá điện ưu đãi như hiện tại, thời gian để lấy lại số vốn lắp đặt hệ thống chỉ mất từ 5 đến 7 năm.

Ngoài ra, với các khách hàng sử dụng mục đích kinh doanh, các hộ gia đình có lượng điện tiêu thụ ở các thang giá điện bậc cao hoặc các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều thiết bị điện, tiền điện sẽ giảm đáng kể nếu dùng điện trực tiếp từ hệ thống ĐMTMN. Từ những lợi ích đó, nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng tiếp cận các nguồn vốn, thực hiện đầu tư các công trình vừa và nhỏ, các dự án trang trại kết hợp với điện mặt trời để khai thác hiệu quả từ nguồn năng lượng sạch.
 
Tăng cường quản lý vận hành
 
Việc tận dụng phần mái của trang trại trồng nấm để lắp đặt hệ thống ĐMTMN mang lại hiệu quả kinh tế cao cho chủ đầu tư.
 
Trong năm 2020, với sự phát triển nhanh chóng các công trình ĐMTMN, PC Đắk Lắk đã khẩn trương đẩy nhanh tiến độ đầu tư, cải tạo, nâng cấp lưới điện đã có trong kế hoạch thực hiện năm 2020 và năm 2021; xây dựng đường dây và trạm, nâng dung lượng các TBA để đáp ứng yêu cầu giải tỏa công suất. Công tác đầu tư xây dựng kịp thời đã góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng lưới điện, đảm bảo các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật để truyền tải hết công suất của các công trình ĐMTMN đồng loạt đi vào vận hành. Ngoài ra, trong thời gian qua các đơn vị quản lý vận hành cũng tiến hành lập kế hoạch và tăng cường cán bộ kiểm tra giám sát, trực tiếp có mặt để hỗ trợ khách hàng hoàn thiện công trình ĐMTMN, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về chất lượng điện năng.
 
Về phía địa phương, hiện tại, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường quản lý đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMTMN trên địa bàn tỉnh nhằm chấn chỉnh một số bất cập liên quan đến việc tuân thủ quy định về kỹ thuật, xây dựng, quy hoạch, tiêu chí trang trại để lắp đặt điện mặt trời. Trên cơ sở kiểm tra, các đơn vị thực hiện hướng dẫn chủ đầu tư hệ thống ĐMTMN chấp hành các quy định về quản lý quy hoạch, kiến trúc, mỹ quan đô thị và an toàn công trình xây dựng, tránh làm thay đổi, biến dạng kiến trúc các công trình; bảo đảm các trang trại nông nghiệp có lắp đặt hệ thống ĐMTMN phải phù hợp với mục đích, công năng và các tiêu chí theo quy định; rà soát, kiểm tra, giảm sát việc kê khai thuế, nộp thuế đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hệ thống ĐMTMN. Với các công trình có lắp đặt hệ thống ĐMTMN không đúng mục đích, quy hoạch sử dụng đất, chưa được cấp phép thì UBND các huyện, thị xã, thành phố phải xử lý nghiêm. UBND tỉnh cũng chỉ đạo ngành điện rà soát việc đấu nối, nghiệm thu, ký kết hợp đồng mua bán điện đúng quy định, bảo đảm các công trình không gây quá tải lưới điện.
 
Trong thời gian tới, PC Đắk Lắk sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương trong công tác kiểm tra và đẩy mạnh tuyên truyền. Đặc biệt, đơn vị cũng khuyến cáo người dân và các chủ đầu tư, nhân viên vận hành công trình ĐMTMN chấp hành các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cũng như hướng dẫn, cảnh báo những nguy cơ mất an toàn lưới điện, an toàn công trình, đề phòng sự cố cháy nổ và tai nạn điện.
Theo: CPC