Tiềm năng sản xuất nông nghiệp khai thác điện mặt trời ở Cần Thơ

Thứ sáu, 29/1/2021 | 10:07 GMT+7
Nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) ở Cần Thơ cho biết, tiềm năng sản xuất nông nghiệp khai thác điện mặt trời khá lớn, mở ra một hướng phát triển bền vững đầu năm mới.
Bản đồ bức xạ mặt trời tại Cần Thơ (trung bình ngày, đơn vị kWh/m2)

Theo nghiên cứu, tiềm năng kỹ thuật của mô hình sản xuất nông nghiệp khai thác điện mặt trời tại Cần Thơ vượt xa nhu cầu điện của thành phố. Thậm chí nếu tiềm năng kỹ thuật “thực tế” giảm trong ngắn hạn, thì vẫn có thể đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu tiêu thụ điện của thành phố và các quận, huyện. Tổng hợp kết quả chính của tính toán tiềm năng kỹ thuật như sau.
 
Ứng dụng mô hình sản xuất nông nghiệp khai thác điện mặt trời phù hợp với 9 nông sản và thủy sản (lúa gạo, ngô, đậu tương, vừng, rau xanh, sắn/sắn dây, gia súc/gia cầm, cá, tôm). Tiềm năng kỹ thuật “thực tế” tổng quát (có thể đạt được trong vòng 5-8 năm) đã được tính toán dựa trên các loại cây trồng, vật nuôi nói trên. Nếu không tính sản xuất gạo, tiềm năng công suất của mô hình kết hợp sẽ đạt khoảng 700- 1.100 MWp tương đương tiềm năng sản lượng điện từ 1 đến 1,5 TWh/năm. Hoạt động sản xuất điện mặt trời này sẽ có khả năng đáp ứng 40-70% nhu cầu điện hàng năm của Cần Thơ.
 
Liên quan đến chi phí ứng dụng mô hình sản xuất nông nghiệp khai thác điện mặt trời, đánh giá thận trọng thực hiện dựa trên giả định được rút ra từ các số liệu quốc tế còn hạn chế. Kết quả đánh giá cho thấy chi phí sản xuất điện quy dẫn (LCOE) tối thiểu để sản xuất 1 kWh điện mặt trời theo phương thức kết hợp trong điều kiện tiêu chuẩn sẽ ở mức 9,07 USct, mức tối đa là 9,81 USct. Do đó, giá thành sản xuất 1 kWh điện mặt trời gần sát khoảng giá FiT hiện nay của Việt Nam là 9,35 USct và cao hơn khoảng 1,5 USct so với biểu giá chi phí tránh được hiện nay áp dụng cho khu vực phía Nam (7,48 USct).
 
Kết luận chi tiết về tác động của ứng dụng mô hình sản xuất nông nghiệp khai thác điện mặt trời với hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Cần Thơ chưa được đánh giá trong phạm vi nghiên cứu. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm và các mô hình thực tế hiệu quả trên thế giới, mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp khai thác điện mặt trời sẽ làm tăng đáng kể năng suất sử dụng đất.
 
Do đó, theo nghiên cứu, nông dân và thành phố Cần Thơ sẽ được hưởng lợi ích kinh tế-xã hội nhiều mặt như: Nông dân sẽ chủ yếu được hưởng lợi nhờ tiết kiệm chi phí năng lượng (tiêu thụ điện mặt trời tự sản xuất được) và tăng thu nhập từ việc bán điện mặt trời cho lưới điện hay các bên mua khác, tăng cơ hội quảng bá và cạnh tranh (sản xuất/chuỗi cung ứng bền vững), có cơ hội cải tiến phương thức sản xuất nông nghiệp và cuối cùng là giảm xung đột sử dụng đất do áp lực từ phía các nhà đầu tư đối với đất đai của nông dân.
 
“Thành phố và người dân Cần Thơ (cũng như cả khu vực ĐBSCL rộng lớn hơn) sẽ là đối tượng được hưởng lợi chính nhờ xung đột sử dụng đất giảm. Thu nhập nông dân địa phương tăng với khả năng tăng vốn đầu tư và thu thuế, giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng (trong thời gian cao điểm) và các lợi ích khác từ hình thức sản xuất điện phi tập trung (giảm nhu cầu mở rộng lưới truyền tải điện), giảm phát thải nguy hại tại địa phương từ các nhà máy nhiệt điện truyền thống (như điện than). Phát triển tổng thể ngành nông nghiệp bền vững, cạnh tranh hơn (ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu)”, nghiên cứu kết luận.
 
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng khuyến nghị, cần tiến hành đánh giá kỹ lưỡng công suất lưới điện hiện nay ở Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung. Có thể bổ sung 700-1.000 MWp tiềm năng công suất điện mặt trời sản xuất theo mô hình kết hợp trong kịch bản thấp trong một vài năm phát triển. Nếu áp dụng với lượng công suất điện mặt trời lớn hơn sẽ đòi hỏi phải tính toán kỹ lưỡng công suất lưới điện hiện nay và phát triển, mở rộng mạng lưới điện trong tương lai.

Nội dung thứ hai cần cân nhắc, theo nghiên cứu là nhu cầu và năng lực vốn của ngành nông nghiệp. Báo cáo chi tiết điều kiện tài chính của nông dân và ngành nông nghiệp tại Cần Thơ nói chung không thuộc phạm vi nghiên cứu. Tuy nhiên, theo nội dung thảo luận với các bên liên quan ở Cần Thơ trong quá trình thực hiện nghiên cứu, có thể cần xây dựng khái niệm tài chính cụ thể nhằm huy động vốn thêm vốn đầu tư của khu vực Nhà nước và tư nhân để phát triển mô hình sử dụng kết hợp sản xuất nông nghiệp khai thác điện mặt trời. Với mức thu nhập trung bình hiện nay, có thể người nông dân không đủ khả năng đầu tư thêm cho công nghệ sử dụng kết hợp sản xuất nông nghiệp khai thác điện mặt trời. Chắc chắn có một số ít nông dân hay hợp tác xã đủ khả năng đầu tư cho hệ thống sử dụng kết hợp sản xuất nông nghiệp khai thác điện mặt trời nhưng nhìn chung, vốn đầu tư bổ sung là rất cần thiết.
 
“Cần xây dựng lộ trình sử dụng kết hợp sản xuất nông nghiệp khai thác điện mặt trời ở thành phố Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung. Điểm cốt lõi nhất trong lộ trình là triển khai dự án thí điểm sử dụng kết hợp sản xuất nông nghiệp khai thác điện mặt trời nhằm chứng minh tính phù hợp và tiềm năng của các loại cây trồng, con giống được lựa chọn trong điều kiện sinh thái nông nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, việc thành lập các cơ quan như Ban điều phối khu vực hay Nhóm công tác để phối kết các bên liên quan chính, vận động sự ủng hộ của các nhà điều hành hay tổ chức tài chính, nâng cao nhận thức cho người nông dân và các bên liên quan khác trong lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng cũng cần được đưa vào chiến lược phát triển”.

Link gốc
Theo: AS&CS