Đà Nẵng tạo điều kiện thuận lợi phát triển điện mặt trời mái nhà

Thứ tư, 27/1/2021 | 09:30 GMT+7
UBND thành phố vừa ban hành Quyết định số 104/QĐ-UBND ngày 12-1-2021 phê duyệt Đề án Phát triển điện mặt trời trên mái nhà thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035. 
 
Theo đó, một trong các giải pháp được đề ra là tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đầu tư điện mặt trời mái nhà (lĩnh vực năng lượng mới) được hưởng các hỗ trợ về lãi suất vay theo Nghị quyết số 149/2019/NQ-HĐND ngày 12-7-2018 của HĐND thành phố.
 
Đề án đặt mục tiêu, đến năm 2025, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà toàn thành phố khoảng 169,54 MW (khoảng 17,76% tiềm năng kỹ thuật), sản lượng điện mặt trời mái nhà tương ứng khoảng 247.535 MWh, đóng góp khoảng 3,89% tổng nhu cầu điện toàn thành phố (6.355.600 MWh).
 
Đến năm 2030, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà toàn thành phố khoảng 293,92 MW (khoảng 30,78% tiềm năng kỹ thuật), sản lượng điện mặt trời mái nhà tương ứng khoảng 429.128 MWh, đóng góp khoảng 4,8% tổng nhu cầu điện toàn thành phố (8.939.600 MWh).
 
Đến năm 2035, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà toàn thành phố khoảng 402,24 MW (khoảng 42,13% so với tiềm năng kỹ thuật), sản lượng điện mặt trời mái nhà tương ứng khoảng 587.273 MWh, đóng góp khoảng 4,84% tổng nhu cầu điện toàn thành phố (12.127.700 MWh).
 
Mục tiêu cụ thể, phấn đấu công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà đạt khoảng 79,79 MW đến năm 2025, đạt 142,55 MW đến năm 2030 và đạt 191,49 MW đến năm 2035 đối với khu vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Trong đó, tập trung phát triển điện mặt trời mái nhà tại các cơ sở sản xuất trong khu công nghệ cao, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; đồng thời, khuyến khích, ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà tại các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, nhất là các khu khách sạn du lịch nghỉ dưỡng tại khu vực quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn, điểm nóng phát triển về du lịch trên địa bàn thành phố nhằm giảm tải nguồn điện lưới quốc gia tại khu vực.
 
Đối với khu vực công, gồm chợ, cơ sở hành chính, cơ sở giáo dục và cơ sở y tế, phấn đấu công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà đạt khoảng 32,43 MW đến năm 2025, đạt 36,72 MW đến năm 2030 và đạt 38,77 MW đến năm 2035. Thực hiện đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà tại khu vực công đảm bảo công khai, minh bạch và đúng quy định pháp luật.
 
Khu vực dân cư phấn đấu công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà đạt khoảng 57,33 MW đến năm 2025, đạt 114,65 MW đến năm 2030 và đạt 171,98 MW đến năm 2035. Nghiên cứu xây dựng cơ chế để khuyến khích, thúc đẩy hộ gia đình đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà, hướng tới hình ảnh thành phố điện mặt trời, góp phần xây dựng thành phố môi trường và phát triển bền vững.
 
Để thực hiện mục tiêu trên, thành phố sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách thành phố để thực hiện các kế hoạch, chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà theo từng giai đoạn 5 năm, trong đó chú trọng phát triển điện mặt trời mái nhà tại trụ sở công và các mái nhà trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đầu tư điện mặt trời mái nhà (lĩnh vực năng lượng mới) được hưởng các hỗ trợ về lãi suất vay theo Nghị quyết số 149/2019/NQ-HĐND ngày 12-7-2018 của HĐND thành phố Đà Nẵng quy định chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
 
Về giải pháp phát triển nguồn nhân lực, thành phố sẽ tập trung nâng cao năng lực quản lý phát triển điện mặt trời mái nhà tại các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương nhằm thống nhất mục tiêu, định hướng và lộ trình phát triển trong từng giai đoạn, đồng bộ tại các cấp quản lý; tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế trong nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng kế hoạch hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc phát triển nguồn nhân lực về điện mặt trời, nâng cao nhận thức và kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực điện mặt trời.
 
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch, chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà thành phố Đà Nẵng giai đoạn 5 năm và kế hoạch hàng năm để thực hiện các giải pháp hỗ trợ, đánh giá hiệu quả và xây dựng, điều chỉnh lộ trình phát triển cho phù hợp, trong đó tập trung xây dựng và triển khai đề án phát triển điện mặt trời mái nhà tại trụ sở công đáp ứng mục tiêu đề ra; xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, thẩm định dự án, cấp phép xây dựng, giám sát hoạt động đầu tư điện mặt trời mái nhà. Tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực đầu tư phát triển điện mặt trời, công khai các kết quả khảo sát và bản đồ tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời để nhà đầu tư, người dân thuận lợi trọng quá trình đầu tư lắp đặt.
 
UBND thành phố giao Sở Công thương tổ chức công bố Đề án Phát triển điện mặt trời trên mái nhà thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 được phê duyệt; tổ chức tuyên truyền, hội thảo về chính sách, cơ chế của Nhà nước, các mô hình hợp tác phát triển điện mặt trời mái nhà hiệu quả, nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân về lợi ích của việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng mặt trời, góp phần thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà.
 
Đồng thời, xây dựng, trình UBND thành phố ban hành kế hoạch, chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn thành phố Đà Nẵng từng giai đoạn 5 năm và kế hoạch hàng năm đáp ứng các mục tiêu, lộ trình phát triển điện mặt trời mái nhà; chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án, hình thức đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà tại khu vực công theo đúng quy định của pháp luật.
 
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ban, ngành có liên quan nghiên cứu hoặc đề xuất các biện pháp về xử lý và tái chế chất thải rắn phát sinh trong các dự án đầu tư điện mặt trời trên địa bàn thành phố; chủ trì, phối hợp các ngành liên quan đề xuất và tham mưu với UBND thành phố xem xét tiếp nhận các dự án hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ nguồn vốn của các tổ chức quốc tế liên quan đến các dự án đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn thành phố. Tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch, chương trình phát triển điện mặt trời mái nhà hàng năm.
 
Sở Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan thực hiện nội dung khuyến khích, tuyên truyền sử dụng điện mặt trời mái nhà tại các công trình, tòa nhà đã và đang xây dựng trên địa bàn thành phố; yêu cầu, hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện khảo sát tiềm năng điện mặt trời mái nhà trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật dự án đầu tư xây dựng đối với các dự án xây dựng trụ sở công, các dự án xây dựng tòa nhà trên địa bàn thành phố. Đồng thời, xây dựng, hướng dẫn UBND quận, huyện liên quan đến công tác thẩm định thiết kế, khả năng an toàn chịu lực và ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng và công tác cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình điện mặt trời mái nhà.
 
UBND thành phố cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện lồng ghép mục tiêu phát triển điện mặt trời mái nhà vào các chương trình, dự án về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; phối hợp Sở Công Thương nghiên cứu, đề xuất và tham mưu UBND thành phố về công tác quản lý, hướng dẫn, giám sát, xử lý và tái chế chất thải rắn phát sinh trong lĩnh vực điện mặt trời trên địa bàn thành phố theo quy định của pháp luật về môi trường.
 
Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm khuyến khích nghiên cứu, tổ chức đánh giá và đề xuất nhân rộng kết quả từ các đề tài nghiên cứu về năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng mặt trời; khuyến khích, định hướng phát triển hệ thống điện mặt trời lắp mái tại các doanh nghiệp trong quá trình kiểm tra, thẩm định, đánh giá và hỗ trợ việc chuyển giao, đổi mới công nghệ, các giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng.
 
UBND thành phố đề nghị Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng tổng hợp, báo cáo Sở Công thương định kỳ hàng năm về tình hình phát triển điện mặt trời trên địa bàn thành phố; công khai và cập nhật thường xuyên danh sách các trạm biến áp/đường dây còn khả năng và không còn khả năng giải toả công suất khi đấu nối điện mặt trời mái nhà theo từng khu vực; phối hợp với Sở Công thương nghiên cứu xây dựng các cơ chế khuyến khích lắp đặt điện mặt trời mái nhà trên địa bàn thành phố.
 
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý và đánh giá hiện trạng lưới điện và các trạm biến áp phân phối nhằm đảm bảo hiệu quả đấu nối các hệ thống điện mặt trời mái nhà; kịp thời cải tạo, nâng cấp công suất trạm biến áp đảm bảo đấu nối với hệ thống điện mặt trời đáp ứng tiêu chuẩn đấu nối theo quy định; nghiên cứu thực hiện các giải pháp lưới điện thông minh tích hợp các nguồn điện phân tán (điện mặt trời mái nhà) nhằm khai thác hiệu quả công suất nguồn năng lượng tái tạo; tiếp tục duy trì và tăng cường hiệu quả tư vấn thông tin, quy trình đấu nối với dự án đầu tư điện mặt trời mái nhà qua Tổng đài tư vấn thông tin (1900 1909) của Tổng Công ty Điện lực Miền Trung.
 
Theo: Đà Nẵng GOV