Tin trong nước

Đảm bảo an toàn điện mùa mưa bão

Thứ năm, 28/9/2017 | 09:09 GMT+7
Mùa mưa bão năm nay, cả nước đã ghi nhận 10 cơn bão - với cường độ bão cũng như ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão gây mưa, lũ lớn cho các khu vực miền bắc và miền Trung. 

Công nhân PC Quảng Bình khắc phục sự cố lưới điện sau bão số 10.
 
Đặc biệt, cơn bão số 10 xảy ra vào trung tuần tháng 9 vừa qua được ghi nhận là cơn bão mạnh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, gây ảnh hưởng nặng nề tới 4 tỉnh khu vực miền Trung là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. 
 
Không chỉ thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân, mưa bão, lũ quét cũng đã gây thiệt hại nặng nề cho lưới điện, gây khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất và đời sống của người dân.
 
Do nhận thức về an toàn điện, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế cũng đã dẫn đến những tai nạn thương tâm về điện, đặc biệt là vào mùa mưa bão. Sự chủ quan trong việc sử dụng điện không đúng cách của các hộ dân cũng có nguy cơ gây mất an toàn điện không chỉ cho bản thân, gia đình mà còn cho cả những người khác.
 
Phóng viên (PV) đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Hồng Thạch - đại diện Ban An toàn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để ông tư vấn trực tiếp về các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn điện trong mùa mưa bão.
 
PV: Thưa ông Nguyễn Hồng Thạch, chỉ tính riêng cơn bão số 10 quét qua dải đất miền Trung (trong các ngày 15-16/9 vừa qua) đã gây thiệt hại như thế nào cho hệ thống lưới điện 4 tỉnh miền Trung?
 
Ông Nguyễn Hồng Thạch: Như chúng ta đã biết, vùng tâm bão đi qua được xác định khu vực giáp ranh của tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, khi bão đổ bổ đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các công trình hạ tầng, các công trình dân dụng, ngã đổ cây cối … trong đó có Lưới điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tất cả các đường dây tải điện khu vực gần tâm bão đi qua đều bị sự cố và một số đường dây ở khu vực từ Nam Định Thanh Hóa vào đến Quảng Nam đều bị ảnh hưởng, cụ thể:
 
Lưới điện 500KV đi qua khu vực đèo Ngang bị sự cố 02 đường dây, gây gián đoạn kết nối hệ thống điện Bắc Nam lúc 9h23 đến 18h17 (gần 09 tiếng). Lưới điện 220kV có 08 đường dây bị sự cố, trong đó có 01 cột bị gẫy (phía Bắc của đèo Ngang). Lưới điện 110kV có 11 đường dây bị sự cố. Lưới điện phân phối thuộc 02 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình bị mất hoàn toàn, các khu vực lân cận như: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam cũng bị ảnh hưởng. Khoảng 2.172.000 khách hàng bị ảnh hưởng cung cấp điện, ước tính thiệt hại khoảng 215 tỉ đồng.
 
PV: Với những thiệt hại nặng nề như vậy, chắc hẳn là công tác khắc phục cũng hết sức khó khăn, bởi hệ thống lưới điện cao áp thường đi qua các địa bàn đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại bình thường cũng đã rất vất vả rồi?
 
Ông Nguyễn Hồng Thạch: Vâng đúng vậy, xác định đây là cơn bão mạnh và sẽ gây rất nhiều sự cố cho lưới điện, hệ thống điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho nên ngoài các công điện chỉ đạo cụ thể thì ngày 14/9/2017, EVN đã cử đoàn công tác vào khu vực dự kiến tâm bão đổ bộ để trực tiếp tham gia chỉ huy công tác ứng phó. Các Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, Điện lực miền Bắc, Điện lực miền Trung cũng đã cử các đoàn công tác đến các vùng dự kiến bão đổ bộ để kiểm tra công tác ứng trực của các đơn vị trực thuộc.
 
Ngày 15/9/2017, đồng chí Phó Tổng giám đốc phụ trách vận hành của EVN và đoàn công tác đã trực tiếp đến khu vực Quảng Bình, Hà Tĩnh để trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục. 
 
Ngay sau khi tâm bão gần tan, gió bớt mạnh, thì chúng tôi đã triển khai toàn bộ nhân lực tại chỗ ra để kiểm tra, đánh giá tình trạng lưới điện. Đồng thời EVN đã chỉ đạo khắc phục ngay sự cố trên các đường dây tải điện 500 KV để hòa lưới điện hai miền Bắc Nam, để ổn định cân bằng hệ thống điện, giảm áp lực về giao động tần số cho lưới điện khu vực phía Nam.
 
Các đơn vị điện lực trên địa bàn đã khẩn trương khắc phục các sự cố do bão gây ra, từng bước cấp điện trở lại cho các khách hàng, trong đó ưu tiên cấp điện cho các phụ tải quan trọng trụ sở chính quyền địa phương, bệnh viện, nước sạch, viễn thông, phát thanh, truyền hình... 
 
Đến cuối ngày 15/9/2017, EVN đã cấp điện trở lại cho lưới điện của các tỉnh: Hưng Yên, Nam Định, Quảng Nam, Kon Tum, đồng thời cấp điện đến khu vực trung tâm của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
 
Sáng ngày 16/9 EVN cũng đã yêu cầu các Tổng Công ty Điện lực miền Trung và miền Bắc huy động các lực lượng xung kích về phòng chống thiên tai của các đơn vị lân cận tham gia hỗ trợ cho các đơn vị thuộc EVN trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề (Hà Tĩnh là 700 người; Quảng Bình hơn 1000 người, trong đó đã điều động 11 đơn vị, xa nhất là Phú Yên với hơn 100 phương tiện chuyên dùng như: xe cẩu, xe xúc, xe nâng người và huy động tất cả các nhà thầu xây lắp điện, các thợ điện nông thôn trên địa bàn tham gia hỗ trợ ).
 
Đến cuối ngày 16/9/2017, (01 ngày sau bão) đã cấp điện trở lại ổn định cho lưới điện của các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, chỉ còn lại 27,8% khách hàng của tỉnh Hà Tĩnh và 67,4% khách hàng của tỉnh Quảng Bình.
 
Đến cuối ngày 17/9/2017, đã cấp điện cho các khách hàng của TP Hà Tĩnh và các huyện khu vực phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh; còn lại 15,31% khách hàng của tỉnh Hà Tĩnh thuộc Thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh và huyện Cẩm Xuyên; đã cấp điện cho các khách hàng của TP Đồng Hới và các huyện khu vực phía Nam của tỉnh tỉnh Quảng Bình, còn lại 58% khách hàng của tỉnh Quảng Bình.
 
Đến cuối ngày 18/9/2017, còn lại 13,68% khách hàng của tỉnh Hà Tĩnh thuộc Thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh và huyện Cẩm Xuyên; còn lại 42% khách hàng của tỉnh Quảng Bình.
 
Đến cuối ngày 19/9/2017, còn lại 12,59% khách hàng của tỉnh Hà Tĩnh thuộc Thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh và huyện Cẩm Xuyên; còn lại 1,7% khách hàng của tỉnh Quảng Bình.
 
Đến cuối ngày 20/9/2017, đã cấp điện trở lại bình thường cho lưới điện của tỉnh Quảng Bình, còn lại 10% khách hàng của 24 phường/xã tỉnh Hà Tĩnh thuộc Thị xã Kỳ Anh (07 xã), huyện Kỳ Anh (13 xã) và huyện Cẩm Xuyên (04 xã).
 
PV: Theo dự báo, vẫn còn khoảng 3-5 cơn bão nữa sẽ đổ bộ vào nước ta trong mùa mưa bão năm nay. Trước những thiệt hại nặng nề của lưới điện cũng như kinh nghiệm trong xử lý, khắc phục hệ thống lưới điện qua 10 cơn bão vừa rồi, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đặc biệt coi trọng đến yếu tố nào để đảm bảo công tác an toàn điện cũng như khắc phục nhanh nhất hệ thống lưới điện, đảm bảo cấp điện trở lại cho các khách hàng trong thời gian sớm nhất, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Hồng Thạch: Chúng tôi luôn thông suốt bốn tại chỗ trong PCTT: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Đồng thời luôn lưu ý các đơn vị thành viên xây dựng kế hoạch, phương án, chuẩn bị vật tư, nguồn lực, khôi phục cấp điện trở lại an toàn, nhanh nhất cho các phụ tải quan trọng (đặc biệt là cho cơ quan chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, cơ sở y tế, cung cấp nước sạch, viễn thông, phát thanh, truyền hình, các trạm bơm tiêu nước chống úng ngập) và hỗ trợ các đơn vị điện lực sau khi thiên tai xảy ra. 
 
Vào mùa bão, lũ các đơn vị cần đảm bảo số lượng và danh mục vật tư, phương tiện, trang thiết bị cho công tác PCTT&TKCN; Thường xuyên tổ chức diễn tập các tình huống thiên tai, lưu ý tình huống bị ngập lụt, úng, địa bàn bị chia cắt; Thực hiện chế độ trực ban lãnh đạo, chỉ huy và các lực lượng ứng trực 24/24h và báo cáo theo quy định khi xảy ra thiên tai. Đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống để phục vụ chỉ đạo, điều hành. Đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa Ban chỉ huy PCTT&TKCN ở các đơn vị với Ban chỉ huy PCTT&TKCN, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng ở địa phương và với các đơn vị trên cùng địa bàn.
 
PV: Thưa ông, được biết ngành điện đã cho xây dựng hàng trăm nhà trực/chốt trực vận hành tại các địa bàn khó khăn, khu vực vùng sâu, vùng xa nhằm tăng cường khả năng ứng trực, khắc phục sự cố. Xin ông cho biết các nhà trực/chốt trực đã phát huy hiệu quả như thế nào trong mùa mưa bão năm nay ?
 
Ông Nguyễn Hồng Thạch: Một hình ảnh mà nhiều người dân ghi nhận, đó là khi bão gần tan thì lực lượng công nhân viên vận hành và các cán bộ kỹ thuật của các đơn vị thuộc EVN đã kiểm tra và tổ chức khắc phục ngay các ảnh hưởng.
 
Nếu không có các nhà trực, chốt trực tại các địa bàn này, thì chỉ riêng việc di chuyển từ trụ sở đến hiện trường trong điều kiện thời tiết sau khi tâm bão đi qua cũng đã mất rất nhiều thời gian.
Hiệu quả rõ rệt đó là khôi phục nhanh sự cố của đường dây 500kV, đó là triển khai ngay lực lượng kiểm tra hầu như toàn bộ trên tuyến để gỡ bỏ cành cây, mái tôn, tấm bạt… bám vào đường dây sau bão để khôi phục và cấp điện trở lại cho lưới điện 220kV, 110kV.
 
PV: Qua thực tế nhiều năm làm công tác đảm bảo an toàn điện, ông thấy người dân thường gặp phải những nguy cơ/sự cố dẫn đến khả năng mất an toàn do lưới điện gây ra trong mùa mưa bão ? Và từ những sự việc, hiện tượng, nguy cơ đó, ông có khuyến cáo như thế nào đối với người dân để nâng cao ý thức tự bảo vệ?
 
Ông Nguyễn Hồng Thạch: Trong mùa mưa bão, một số tai nạn điện thường gặp đó là: Vi phạm khoảng cách an toàn với đường dây dẫn điện cao áp. Nguyên nhân: Người dân xây dựng cải tạo nhà ở, công trình hoặc trồng cây trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện cao áp, đã vị phạm khoảng các an toàn phóng điện theo từng cấp điện áp, làm phóng điện gây sự cố.
 
Chạm trực tiếp vào đường dây dẫn điện hạ áp. Nguyên nhân: Các vật liệu cách điện của đường dây dẫn điện hạ áp bị hư hỏng, điện được truyền theo các vật liệu kim loại, người dân sơ ý chạm vào các vật đó cũng bị tai nạn.
 
Các thiết bị điện trong quá trình vận hành bị sự cố, làm phóng điện gây mất an toàn cho nhân dân.
 
Những hộ dân, sinh sống gần hoặc trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp cần tuân thủ các quy định của Chính phủ tại nghị định 14/2014/NĐ-CP, tuyệt đối không vi phạm khoảng cách an toàn theo các cấp điện áp, (500Kv: 7m, 220kV: 6m, 110kV: 4m, 35kV: 3, 22kV trở xuống 2m). Phối hợp với đơn vị quản lý vận hành lưới điện phát quang cây cối trong và gần hành lang an toàn lưới điện cao áp để hạn chế sự cố lưới điện và nâng cao an toàn.
 
Khi phát hiện các hư hỏng của đường dây dẫn điện như: đứt, võng xuống.. cần thực hiện ngay các biện pháp sau: Không lại gần; Cần thiết lập rào chắn tạm thời ở khoảng cách phù hợp, nhằm cảnh báo cho những người khác dễ nhận biết; Thông báo cho cơ quan điện lực gần nhất (theo hóa đơn tiền điện).
 
Cần lắp đặt các thiết bị điện ở những vị trí cao ráo để tránh ẩm ướt, lưu ý những vùng thường xuyên bị ngập lụt, thì cần cách ly những thiết bị (ổ cắm, công tắc..) có khả năng ngập nước. 
 
Thường xuyên kiểm tra các điểm đấu nối, những vị trí dễ bị tổn thương để kịp thời tăng cường cách điện nhằm tránh rò điện. Khi phát hiện ra dẫn dẫn bị tổn thương, hoặc những chỗ có nguy cơ tổn thương, cần thực hiện bọc cách điện bổ sung ngay.
 
Khi thấy lượng tiêu thụ điện năng (hóa đơn tiền điện) tăng bất thường, hoặc phát hiện tường nhà nóng bất thường (đi điện ngầm trong tường), cần kiểm tra ngay các điểm đấu nối hoặc các đường dây dẫn điện trong nhà. Thường hợp này nên nhờ các chuyên gia có hiểu biết, hoặc những người có chuyên môn về điện, không nên tự ý làm một mình, tránh tai nạn đáng tiếc.
 
Ngoài việc thực hiện các biện pháp an toàn như trên, nhân dân cần lưu ý một số điểm như sau nhằm tránh các tai nạn đáng tiếc về điện xảy ra trong hộ gia đình như khi nhà bị ngập lụt cần cắt ngay điện những khu vực ngập lụt (Tầng 1, tầng hầm…). Đối với các hộ dân thường xuyên bị ngập lụt cần lắp đặt các thiết bị điện cao ráo, điểm đấu nối với lưới điện nên đặt ở tầng 2, cần tách riêng hệ thống điện trong nhà theo từng tầng.
 
Khi sửa chữa các thiết bị điện trong nhà, phải đảm bảo các thiết bị đó hoàn toàn được cắt điện. Nên sử dụng các dụng cụ an toàn bổ sung như: Găng tay khô, đứng trên ghế khô (ghế hỗ, hoặc tre…), đi giày hoặc dép có đế cao.
 
Khi phát hiện người bị điện giật, cần bình tĩnh tìm cách tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện, tuyệt đối không chạm trực tiếp vào nạn nhân hoặc thiết bị điện. Khi tách nạn nhân bị điện giật ra khỏi thiết bị điện mới thực hiện các biện pháp hô hấp nhân tạo, ép tim để cứu sống nạn nhân.
Nguyên Long/Icon.com.vn