Tin trong nước

Đảm bảo an toàn khu vực hạ du thủy điện mùa mưa bão năm 2022

Thứ ba, 14/6/2022 | 09:12 GMT+7
Mùa mưa năm nay đến sớm, với nhiều đợt mưa to, dồn dập và trải dài trên khắp cả nước, đặc biệt là ở khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên - nơi có nhiều hồ thuỷ điện - đặt ra nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du các nhà máy thuỷ điện.

Ảnh minh họa.
 
PV đã phỏng vấn ông Phạm Hồng Long- Ủy viên thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
 
PV: Thưa ông Phạm Hồng Long, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện đang quản lý, vận hành nhiều nhà máy thuỷ điện có dung tích chứa nước rất lớn, đặc biệt trên lưu vực sông Hồng. Xin ông cho biết, công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện các công trình thủy điện trên lưu vực sông Hồng?
 
Ông Phạm Hồng Long: Công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam trên lưu vực sông Hồng được kiểm tra, theo dõi và đánh giá hàng năm, trong đó Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa trên bậc thang thủy điện sông Đà do Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập tổ chức đánh giá đập, hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát và Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện do Bộ Công Thương thành lập tổ chức đánh giá đập, hồ chứa thủy điện Tuyên Quang, Thác Bà.
 
Trên cơ sở số liệu quan trắc, các Công ty thủy điện Sơn La, Huội Quảng - Bản Chát, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà đã phân tích, đánh giá và gửi báo cáo các Hội đồng. Các công trình thủy điện của Tập đoàn trên lưu vực sông Hồng được duy tu, bảo dưỡng đầy đủ, đúng quy định.
 
Năm 2022, các Hội đồng đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng đã và đang tiến hành kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa trên lưu vực sông Hồng theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Kết luận của Hội đồng là cơ sở quan trọng để các Công ty thủy điện tổ chức thực hiện trong mùa mưa bão năm nay.
 
PV: Trước diễn biến bất thường của thời tiết trong mùa mưa bão năm nay, các công trình thủy điện thuộc EVN đã chuẩn bị ứng phó với thiên tai như thế nào?
 
Ông Phạm Hồng Long: Trước mùa mưa bão, các đơn vị thủy điện đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, phương án PCTT&TKCN; triển khai các giải pháp công trình, phi công trình để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mưa bão; Các Nhà máy thủy điện đã rà soát, triển khai thực hiện các quy định tại Nghị định số 114/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về an toàn đập, hồ chứa nước và Thông tư số 09/2019/TT-BCT ngày 08/7/2019 của Bộ Công Thương quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện và các quy định của Tập đoàn. Cụ thể: Kiểm tra, đánh giá an toàn đập trước mùa mưa lũ; Khắc phục kịp thời các khiếm khuyết của đập, thiết bị vận hành đập. Hàng năm, các đơn vị đều thực hiện rà soát, phê duyệt và chủ động phổ biến phương án tới các cơ quan chức năng; Lắp đặt hệ thống cảnh báo vận hành phát điện, vận hành xả lũ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đồng thời chuẩn bị các kịch bản điều tiết hồ chứa theo các cấp độ rủi ro thiên tai để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; Chủ động đề xuất, tham mưu cho Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh/ TP trực thuộc trung ương trong công tác điều hành xả lũ. Mặt khác rà soát cập nhật quy chế phối hợp với địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan; Phối hợp với các cơ quan chức năng và các chủ đập, hồ chứa nước có liên quan thực hiện vận hành, điều tiết hồ chứa bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du. 
 
PV: Cùng với đảm bảo an toàn các hồ chứa thuỷ điện là việc đảm bảo an toàn khu vực hạ du các công trình thuỷ điện. Việc xả lũ từ các hồ chứa thủy điện gắn với đảm bảo an toàn hạ du thuỷ điện được EVN quan tâm như thế nào?
 
Ông Phạm Hồng Long: Ngoài việc vận hành đảm bảo an toàn cho công trình thì nhiệm vụ đảm bảo an toàn hạ du nhà máy thủy điện luôn được các Công ty thủy điện quan tâm thực hiện thường xuyên. 
 
Các đơn vị đã tổ chức xây dựng, lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống cảnh báo khu vực hạ du như loa phóng thanh, biển cảnh báo, còi hú.
 
Cụ thể như tại hạ du đập Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Sơn La bố trí 16 biển, 14 hệ thống loa cảnh báo; NMTĐ Lai Châu bố trí 06 biển, 06 hệ thống loa cảnh báo; NMTĐ Hòa Bình bố trí 07 hệ thống loa cảnh báo; NMTĐ Tuyên Quang bố trí 05 hệ thống loa cảnh báo; NMTĐ Bản Chát bố trí 15 biển, 01 hệ thống loa cảnh báo; NMTĐ Huội Quảng bố trí 05 biển, 03 hệ thống loa cảnh báo và NMTĐ Thác Bà bố trí 07 hệ thống loa cảnh báo, 19 cột cảnh báo lũ hạ du; điểm đặt hệ thống cảnh báo xa nhất phía hạ du đập lên đến 30 km. Hàng năm, các Công ty thực hiện kiểm tra bảo dưỡng hệ thống cảnh báo đảm bảo sẵn sàng hoạt động.
 
Để đảm bảo an toàn khu vực hạ du, các đơn vị đã chủ động phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương, các đơn vị liên quan xây dựng và ký kết quy chế phối hợp trong công tác vận hành hồ chứa thủy điện. Chủ động đề xuất, tham mưu cho Ban Chỉ đạo Quốc gia PCTT; các Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương trong công tác điều hành xả lũ hồ chứa theo quy trình liên hồ/ đơn hồ. Thực hiện thông báo, cảnh báo, tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời đến chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan, người dân trong khu vực biết khi vận hành xả lũ hay công tác điều tiết cắt/ giảm lũ cho hạ du nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại.
 
Đơn cử, ngay trong ngày đầu tháng 6/2022, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã có văn bản gửi Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình về việc đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ các hồ thủy điện Tuyên Quang, Sơn La và Hòa Bình thực hiện theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng để đảm bảo an toàn về người và tài sản khi hồ xả lũ. Đến thời điểm hiện tại, các hồ Tuyên Quang, Sơn La đang mở 02 cửa xả sâu; hồ Hòa Bình mở 03 cửa xả sâu, mở thêm cửa xả thứ 4 vào hồi 20h00 ngày 13/6; trong đó hồ Tuyên Quang đã đóng 01 cửa xả vào hồi 16h00 ngày 13/6. 
 
PV: Những cảnh báo của EVN đối với người dân đang sinh sống ở khu vực hạ du các hồ chứa thủy điện trong mùa mưa bão để đảm bảo an toàn cho tính mạng cũng như tài sản của người dân?
 
Ông Phạm Hồng Long: Những năm gần đây, một số vùng hạ du đập thủy điện bị lấn chiếm xây dựng, canh tác hoặc đổ thải làm cản trở quá trình thoát lũ của các hồ chứa, gây nguy cơ mất an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân. Để bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du, EVN kiến nghị các cấp chính quyền địa phương: i) Thiết lập, quản lý hành lang thoát lũ của các hồ chứa; ii) Tuyên truyền, kiểm tra và xử lý các vụ vi phạm về hành lang bảo vệ hồ chứa và vùng lòng hồ.
 
Để đảm bảo an toàn tính mạng cũng như tài sản, đề nghị người dân không được vi phạm các quy định của pháp luật về hành lang thoát lũ của các hồ chứa thủy điện. Trong mùa lũ, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn nghiên cứu hướng dẫn với người dân thực hiện nuôi trồng các giống cây, loại con phù hợp để hạn chế thiệt hại khi thiên tai bất thường có thể xảy ra. Người dân không được sinh hoạt, sản xuất trong vùng nước riêng của các công trình, đặc biệt tại gần khu vực xả tràn, xả nước qua tổ máy.
 
Ngoài ra, người dân cũng thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (địa chỉ web www.kttv.gov.vn) và các thông tin, cảnh báo, thông báo trên các loa biển cảnh báo, còi hú báo động tại các thủy điện để chủ động có các biện pháp ứng phó kịp thời.
 
Nguyên Long