Với chủ đề: “Hội tụ và phát triển” Festival Tây Sơn - Bình Định, phần lễ của Festival sẽ được tổ chức tại Bảo tàng Quang Trung, Thị trấn Phú Phong, Huyện Tây Sơn với nghi thức dâng hương tại điện thờ Tây Sơn Tam kiệt - nơi thờ 3 vị anh hùng: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và các tướng lĩnh. Phần hội sẽ tái diễn lại nghi thức xuất quân, xung trận và khải hoàn của đạo “quân bách chiến, bách thắng” Quang Trung. Tái hiện chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút diệt tan đạo quân Xiêm La trên vùng sông nước Nam bộ và cuộc hành quân thần tốc từ Phú Xuân tiến ra Bắc Hà trong 5 ngày đêm của Quang Trung đập tan 20 vạn quân Thanh thu bờ cõi về một mối.
Tại đây, du khách sẽ được tham quan và cảm nhận được khí thế hào hùng của một giai đoạn lịch sử: Thông qua các hoạt động biểu diễn “Trống trận Tây Sơn”, “võ thuật Tây Sơn” Đội tượng binh lẫm liệt của nữ tướng Bùi Thị Xuân xuất trận. Tái hiện lại thời khắc huy hoàng của Hoàng đế Quang Trung tiến vào Thăng Long với cành đào cầu hôn Ngọc Hân công chúa.
Nhiều hoạt động văn hóa quần chúng khác cũng diễn ra tưng bừng ở các địa phương trong toàn tỉnh và Thành phố Quy Nhơn để hưởng ứng Festival Tây Sơn - Bình Định. Phần hội hưởng ứng, diễn ra trước ngày khai mạc 7 ngày và kéo dài trong suốt 3 ngày Festival chính thức. Các hoạt động thể thao, đồng diễn, chạy tập thể, văn nghệ dân gian truyền thống bao gồm: Liên hoan võ thuật quốc tế, võ thuật cổ truyền Bình Định, Liên hoan nghệ thuật tuồng Đào Tấn, đêm thơ Hàn Mặc Tử - Xuân Diệu. Hấp dẫn và lôi cuốn du khách về với Festival Tây Sơn - Bình Định lần này còn ở các đêm tuyển chọn hoa hậu các miền đất võ Bình Định; Hội làng nghề truyền thống Bình Định, Hội thi sinh vật cảnh, các ngày hội ẩm thực sẽ “trình làng” cho du khách về với Bình Định hương vị truyền thống của một vùng đất địa linh, nhân kiệt.
Tại Festival Tây Sơn - Bình Định cũng diễn ra các hội thảo chuyên đề về mời gọi đầu tư, phát triển sản xuất vào khu Kinh tế Nhơn Hội, các khu Công nghiệp Phú Tài, Long Mỹ và các cụm Công nghiệp - TTCN Huyện, Thành phố Quy Nhơn. Đầu tư vào du lịch sinh thái biển, du lịch bảo tồn văn hoá - lịch sử… góp phần để các nhà đầu tư, các du khách hiểu biết thêm về tiềm năng và thế mạnh của Bình Định trên các mặt kinh tế và xã hội.
Trên tinh thần đảm bảo cung cấp điện an toàn ổn định cho Festival, lãnh đạo Điện lực Bình Định vừa qua đã đề xuất các phương thức cấp điện tối ưu nhất cho lễ hội. Trong đó tập trung tu sửa lưới điện, hoán chuyển hợp lý các máy biến áp trên phạm vi Thành phố Quy nhơn, Thị trấn Phú Phong Tây Sơn và các Huyện. Các vị trí đấu nối đưa điện về phục vụ Festival được khẩn trương xác lập và hoàn thành, đã thiết lập đường dây riêng đến các cơ quan được phục vụ điện ưu tiên theo phê duyệt của UBND Tỉnh.
Bên cạnh nguồn điện lưới quốc gia, Điện lực Bình Định đã chuẩn bị một số máy phát điện dự phòng cơ động từ 10 kW đến 250 kW và huy động thêm một số khách hàng có máy phát riêng để hỗ trợ cho các địa điểm tổ chức. Đồng thời, đưa công tác vận hành “nóng” nguồn điện Diesel 10 MW tại nhà máy điện Nhơn Thạnh vào chế độ trực chiến. Ngoài ra, công suất 6,6 MW của Nhà máy thuỷ điện Định Bình cũng sẽ được huy động tối đa trong phần dự phòng nguồn điện khi có tình huống xấu nhất trên hệ thống điện quốc gia.
Cùng với không khí nô nức chuẩn bị cho lễ hội, hòa vào tiếng trống trận Tây Sơn rộn rã, CBCNV Điện lực Bình Định quyết tâm mang hết tình cảm, trí lực đóng góp vào thành công của Festival.