Tin mới nhất

Đảm bảo đủ điện phát triển kinh tế - xã hội, Tăng trưởng điện năng tiếp tục ở mức gấp đôi GDP

Thứ năm, 14/2/2008 | 09:59 GMT+7

“Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do phụ tải tăng nhanh, diễn biến thời tiết nhiều khi không thuận lợi, các nguồn điện mới chưa vào kịp, một số dự án IPP, BOT bị sự cố, cấp khí cho sản xuất điện chưa ổn định, chi phí nguyên vật liệu tăng cao, lượng điện mua ngoài với giá cao chiếm tỷ trọng lớn, nhưng cán bộ công nhân viên ngành điện đã hoàn thành các nhiệm vụ chủ yếu của năm 2007”, Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng nhận định.

               

Theo đó, sản lượng điện thương phẩm đạt tới 58,4 tỷ kWh, tăng 13,71% so với năm 2006 và vượt 1,6% kế hoạch Nhà nước giao, kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nguồn và lưới điện với nguồn vốn thực hiện lên tới 36.597 tỷ đồng (nguồn điện: 15.832 tỷ đồng, lưới điện: 11.190 tỷ đồng). 

Chủ động trước khó khăn     

Có thể nói, để hoàn thành được các chỉ tiêu được giao, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã xác định rõ được những khó khăn đối với sản xuất kinh doanh và sớm có được những giải pháp tháo gỡ ngay từ đầu năm 2007. Công tác chỉ đạo điều hành được coi là khâu then chốt của cả Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên, đặc biệt là trong những thời điểm xảy ra những đột biến lớn về cung cầu phụ tải như sự cố ở các nguồn điện, đường dây quan trọng, hay khi nguồn cung cấp nhiên liệu khí bị gián đoạn thiếu hụt lớn…

Vượt qua nhiều thách thức lớn nhất từ trước đến nay, năm 2007 là năm có công suất nguồn điện đưa vào vận hành nhiều nhất với tổng công suất đạt 1.168 MW (trong đó EVN có 3 công trình là Uông Bí mở rộng 1 - công suất 300 MW, thủy điện Quảng Trị - công suất 64 MW và tổ máy số 2 thủy điện Đại Ninh - công suất 150 MW; các DN ngoài EVN đưa vào vận hành 3 DA: thủy điện Sê San 3A, nhiệt điện Cao Ngạn, chu trình đơn nhiệt điện Cà Mau 1). Nhiều dự án thủy điện được triển khai theo cơ chế đặc biệt của Chính phủ là cơ chế 797 và 400 đã thực hiện ngăn sông thắng lợi: Sông Tranh 2, An Khê –Kanak, Đồng Nai 4… và cơ bản đảm bảo chống lũ an toàn. Đồng thời đóng điện và đưa vào vận hành 77 công trình lưới điện từ 110 – 500 kV với tổng chiều dài 1.697 km và 2.230 MVA dung lượng trạm biến áp.

Song song với việc tăng cường đầu tư cho sản xuất, toàn Tập đoàn đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động. Tổng sản lượng điện tiết kiệm trong năm 2007 đạt gần 600 triệu kWh (tương đương khoảng 1% sản lượng điện thương phẩm), tổn thất điện năng giảm chỉ còn 10,5% trong khi năng suất lao động tăng tới 20% so với năm 2006. Thông qua việc giao khoán chi phí, điều hành giá mua và bán điện, Tập đoàn đã tiết kiệm được 169 tỷ đồng, tương đương 47% lợi nhuận trước thuế từ sản xuất kinh doanh điện. Năm 2007 cũng là năm đầu tiên triển khai Đề án Chương trình quảng bá sử dụng 5 triệu đèn compact giai đoạn 2007 – 2010, giúp tiết kiệm khoảng 200 triệu kWh/năm – tương đương với việc không phải đầu tư xây dựng một nhà máy điện công suất 131 MW trong vòng 3 năm, đồng thời giảm lỗ kinh doanh 185 tỷ đồng (tổng lợi ích của chương trình này có thể lên tới 625 tỷ đồng). Đặc biệt, qua Chương trình này, EVN còn tạo cơ hội cho các công ty, các Điện lực có thêm một loại hình kinh doanh mới: kinh doanh thiết bị điện, trong đó có đèn tiết kiệm điện.

Trong khuôn khổ tiến trình đổi mới và phát triển doanh nghiệp, năm 2007 cũng là năm có khối lượng đề án thành lập mới các đơn vị trực thuộc, các công ty cổ phần được xây dựng, hoàn thành và triển khai thành công lớn nhất từ trước đến nay của EVN. Ngoài 3 đề án thành lập Công ty cổ phần Tài chính Điện lực, TCT Truyền tải điện quốc gia, Công ty Mua bán điện hạch toán phụ thuộc Tập đoàn và 5 đề án thành lập Ban Quản lý Dự án nguồn điện mới, EVN cũng đã hoàn thành 8 dự án thành lập các công ty cổ phần nguồn điện: Bản Vẽ, A Vương, Đồng Nai…, 4 công ty bất động sản EVN – Land Sài Gòn, Miền Trung, Nha Trang và Hà Nội, 7 công ty cổ phần khác: EVN- Campuchia, Dịch vụ sửa chữa nhiệt điện miền Bắc, Đầu tư – Thương mại – Dịch vụ Điện lực 2, Đầu tư kinh doanh tổng hợp Điện lực TP.HCM…

Sẵn sàng đối phó với mùa khô

Để đáp ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 9% như dự báo, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (Ao) đã tính toán tốc độ tăng trưởng phụ tải sẽ ở mức 15,8% (tăng 1,9% so với năm 2007), tương đương với sản lượng điện khoảng 80 tỷ kWh (trong đó 5 tháng mùa khô đầu năm có thể đạt 31,8 tỷ kWh). Để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao như vậy, EVN dự kiến phải tăng lượng điện mua ngoài với giá cao từ 16,7 tỷ kWh năm 2007 lên 24,1 tỷ kWh năm 2008. Trong năm, sẽ có 9 nhà máy điện (6 của EVN) được đưa vào vận hành như: thủy điện Tuyên Quang, Pleikrông, Buôn Kuốp, Sông Ba Hạ, Hải Phòng 1, Ô Môn 1, A Vương…

“Năm 2008 sẽ là năm đặc biệt đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đặc biệt là nhiệm vụ cung ứng điện trong giai đoạn mùa khô rất căng thẳng”, ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN cho biết. Mới bước vào đầu mùa  khô, nhưng các hồ thủy điện chính như Hòa Bình, Trị An, Ialy, Thác Mơ… đều thấp hơn nhiều so với mức nước dâng bình thường, ảnh hưởng không nhỏ đến sự an toàn cung cấp điện cho mùa khô năm nay. Chưa kể từ nửa cuối tháng 1 đến nửa đầu tháng 2 này, mức nước hồ Hòa Bình tiếp tục giảm khoảng 7,5 mét do thực hiện 3 đợt xả để phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân.

Dự kiến, mùa khô năm nay chỉ có tổ máy số 1 và 2 của NM thủy điện Tuyên Quang được đưa vào vận hành (tháng 2 và tháng 5). Do đó, hệ thống điện miền Bắc sẽ phải trông chờ vào một lượng điện lớn chuyển từ miền Nam qua đường dây 500 kV (dự kiến vào khoảng 1,446 tỷ trên tổng nhu cầu 11,468 tỷ kWh) thì mới hy vọng có thể duy trì mực nước hồ Hòa Bình trên mực nước chết (80m) trước khi có lũ về. Để đảm bảo điện vào cuối mùa khô, Ao đã tính toán phương án tối ưu nhất là giữ nước các hồ thủy điện miền Bắc: Thác Bà ở mức 48 m (cao hơn mực nước chết 2 mét), Hòa Bình ở mức 85 mét (cao hơn 5 mét).

Tuy nhiên, trước khả năng các nguồn phát nhiệt điện có khả năng gặp sự cố (vì luôn phải vận hành ở mức cao) và lưu lượng nước về các hồ thủy điện ở mức thấp, một trong những biện pháp quan trọng để hạn chế đến mức thấp nhất việc cắt điện do thiếu công suất, theo EVN là cần tăng cường các biện pháp tiết kiệm điện trong các trụ sở, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Với dự kiến tiết kiệm ít nhất là 680 triệu kWh, Tập đoàn đã yêu cầu các Công ty Điện lực giao chỉ tiêu cho các Điện lực, khẩn trương làm việc với UBND các tỉnh, thành phố để ký cam kết triển khai; tuyên truyền tiết kiệm điện 10% ở các cơ quan hành chính sự nghiệp và theo dõi điện năng tiêu thụ của các cơ quan này, hàng tháng báo cáo UBND tỉnh, thành phố; thỏa thuận nội dung sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả đối với các khách hàng thuộc kế hoạch trọng điểm, sử dụng năng lượng tiết kiệm 2% so với năm trước; đẩy mạnh lắp đặt công tơ 3 giá, tăng cường kiểm tra áp giá cao điểm tối, kiểm tra tiết kiệm điện chiếu sáng trong các khu công nghiệp…

 

 

Minh Đức