Tin trong nước

Đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia

Thứ tư, 2/11/2022 | 10:13 GMT+7
Đó là một trong những định hướng phát triển các ngành hạ tầng kỹ thuật trong Nghị quyết số 138/NQ-CP (ngày 25/10/2022) của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
 

Chú thích ảnh: Nghị quyết nêu rõ: Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới lưới điện truyền tải 500kV liên vùng đồng bộ với phát triển nguồn điện, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. 
 
Nghị quyết nêu rõ, tập trung các nguồn lực phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng để thúc đẩy hình thành các hành lang kinh tế và sớm hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng động lực.
 
Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050.
 
Phát triển hạ tầng năng lượng, chuyển đổi năng lượng theo hướng sử dụng nguồn nhiên liệu xanh, sạch. Phát triển các nguồn điện gió, điện mặt trời, nhất là các nguồn có hệ thống lưu trữ năng lượng, điện sinh khối và các loại năng lượng tái tạo khác; nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp. Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới lưới điện truyền tải 500kV liên vùng đồng bộ với phát triển nguồn điện, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
 
Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí tại các khu vực tiềm năng, nước sâu, xa bờ gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Phát triển công nghiệp khí; nghiên cứu đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Phát triển các trung tâm năng lượng gắn với các tổ hợp lọc hóa dầu, tận dụng hạ tầng đã đầu tư tại các cơ sở lọc, hóa dầu hiện có và đang xây dựng. Đẩy mạnh khai thác than trong nước trên cơ sở bảo đảm an toàn, hiệu quả và tiết kiệm; mở rộng tìm kiếm, thăm dò, nâng cao chất lượng công tác đánh giá trữ lượng và tài nguyên.
Kim Thái