Người dân ở đây đã dần chuyển đổi cơ cấu cây trồng kể từ khi có điện.
Đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo
Phó chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, ông Dương Văn Xanh cho biết, từ khi có điện về, thôn buôn đã đổi thay rõ rệt. Không chỉ đời sống kinh tế có những chuyển biến mạnh mẽ mà đời sống tinh thần của bà con vùng sâu, vùng xa cũng được nâng lên rõ rệt. Để minh chứng cho lời ông Xanh, chúng tôi đã đã đến “thị sát” một trong những vùng từng là nơi “khát” điện của huyện. Dẫn chúng tôi thăm thôn Ea Duất, bà Ngô Lan Anh, Chủ tịch xã Ea Wer nói: Chỉ cách đây chừng 5 năm thôi, thôn Ea Duất vẫn còn rất khó khăn. Từ khi có điện về, mọi thứ nơi đây đều được thay đổi.
Chị Nguyễn Thị Sang (thôn Ea Duất), kể rằng, hồi mới từ Bắc Ninh và lập nghiệp, dù nằm gần trung tâm huyện lỵ nhưng Ea Duất vẫn “âm u” lắm. Không có điện, cuộc sống của người dân nơi đây gặp muôn vàn khó khăn. Quần quật hơn chục năm trời nhưng vợ chồng chị Sang vẫn không thể khấm khá lên được. Mãi đến đầu năm 2009, khi Dự án cấp điện cho thôn, buôn chưa có điện đưa “ánh sáng” về thôn, kinh tế gia đình chị mới bắt đầu “sáng” lên. “Trước đây dùng máy dầu bơm tưới mỗi vụ gia đình tôi phải tốn hàng chục triệu đồng mua dầu. Từ khi có điện, chi phí bơm tưới đã giảm đi rất nhiều, không chỉ thế công lao động bỏ ra cũng giảm xuống. Chính nhờ có khoản dôi dư này mà vợ chồng tôi mới gom góp được tiền đầu tư, mở rộng sản xuất”- Chị Sang kể.
Cũng như chị Sang, gia đình ông Phan Văn Bảng (cùng thôn) giờ đã có cuộc sống khá giả hơn. Khi chúng tôi đến, ông đang kéo ống bơm tưới cho vườn tiêu đang kỳ kinh doanh. Ông vui vẻ nói: “Nếu mọi việc thuận lợi, vụ này gia đình sẽ có tiền tỷ nhờ vườn tiêu này”. Ông Bảng kể, ngày trước không chỉ gia đình ông mà tất cả người dân Ea Duất đều gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất. Đất đai không thiếu nhưng sức người có hạn nên muốn làm giàu mà lực bất tòng tâm. Chỉ từ khi có điện về thôn, mọi thứ mới trở nên sáng sủa. Giờ đây, ở Ea Duất, không chỉ người Kinh mà nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chỉ những ngôi nhà trị giá hàng trăm triệu đồng, bà Ngô Lan Anh, Chủ tịch xã Ea Wer, nói: “Điện chính là yếu tố vô cùng quan trọng giúp nơi này thay da đổi thịt. Không chỉ hỗ trợ hiệu quả trong việc sản xuất của bà con mà nhờ có điện người dân có nhiều cơ hội để lựa chọn giống cây trồng vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu cho phù hợp với điều kiện từng vùng. Có thể khẳng định rằng, việc đưa điện về thôn, buôn chính là đưa “đòn bẩy” đẩy công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương tiến nhanh hơn”.
Ea M’Droh, huyện Cư M’Gar là xã vùng 3 của tỉnh Đắk Lắk. Những năm trước đây, hầu như toàn xã sống trong “tối tăm” với 10/11 thôn, buôn chưa có điện. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, giao thông lại khó khăn cộng thêm việc không có điện khiến đời sống mọi mặt của người dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo ở đây luôn ở mức cao nhất toàn tỉnh. Mãi đến giữa năm 2009, nhờ Dự án cấp điện thôn, buôn mà 10 thôn, buôn của Ea M’Droh mới được “thắp sáng”. Và cũng từ khi hết cơn “khát” điện, Ea M’Roh mới thực sự được “đánh thức”. Nếu trước đây, vào mỗi mùa khô, đâu đâu ở Ea M’Droh cũng thấy cây cỏ cháy khô thì giờ đây ở đó, màu xanh của tiêu, cà phê đã trở thành màu chủ đạo. Ông Trần Viết Lai, Chủ tịch xã cho biết, nhờ có điện về, người dân ở đây đã dần chuyển đổi cơ cấu cây trồng; Thay những diện tích cây nông nghiệp ngắn ngày sang sản xuất hồ tiêu, cà phê...7 năm có điện, thời gian chưa dài nhưng vùng đất khô cằn này đã có những thay đổi vượt bậc, giúp địa phương rất nhiều trong công tác xóa đói giảm nghèo.
Chuyện người mang ánh sáng cho dân
Không chỉ ở Ea Wer hay Ea M’Droh, tính đến cuối năm 2010, toàn tỉnh Đắk Lắk có tổng cộng 315 thôn buôn được cấp điện. Theo đó, ngành Điện đã đầu tư 481 km đường dây trung áp, 305 trạm biến áp cùng hơn 650km đường dây hạ áp đã được đầu tư đưa điện về cho hơn 3,2 vạn hộ dân các thôn buôn chưa có điện trong tỉnh.
Để hoàn thành xong khối lượng công việc khổng lồ đó, những người thực hiện Dự án đã phải trải qua không ít khó khăn. Với địa hình hiểm trở, giao thông không thuận lợi, nhiều địa phương thay đổi qui hoạch, người dân không định cư ổn định đã làm cho công tác khảo sát, thiết kế của những người thực hiện dự án gặp không ít khó khăn. Hầu như các cơ quan tư vấn phải luôn luôn có mặt trên khắp các thôn, buôn để kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh khi thực hiện Dự án. Theo cơ chế thì công tác giải phóng mặt bằng do các địa phương có Dự án thực hiện, tuy nhiên với khối lượng dự án quá lớn trong khi các hội đồng đền bù của các địa phương chủ yếu kiêm nhiệm, lực lượng rất mỏng nên nhiều địa phương còn lúng túng khi triển khai công tác này, hoặc triển khai rất chậm gây ảnh hưởng đáng kể đến công tác thi công. Mặc khác, rất nhiều tuyến đường dây đi qua khu bảo tồn rừng quốc gia, rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng nên tốn rất nhiều thời gian và công sức để hoàn tất các thủ tục và giải phóng hành lang rừng. Bên cạnh đó, các thôn buôn chưa có điện đa số nằm ở vùng ngoài cùng so với trung tâm các xã, nên các tuyến đường dây cấp điện các thôn buôn chủ yếu đi qua các vùng dân cư thưa thớt, giao thông đi lại cực kỳ khó khăn, địa hình chia cắt bởi nhiều sông suối. Trong khi đó, khu vực Tây Nguyên thời gian qua, khí hậu thay đổi thất thường, mùa mưa kéo dài và xuất hiện lũ quét trên diện rộng, nhiều thôn buôn đã phải di dời đi nơi khác, nhiều đoạn đường đã bị vùi lấp, cuốn trôi, công tác vận chuyển đến những khu vực này chủ yếu là mang vác thủ công vượt qua các ngầm sâu, núi cao…Nhưng tất cả những điều đó không làm thay đổi được đưa ánh sáng của Đảng đến các buôn làng, nhằm thực hiện mục tiêu cao đẹp của Dự án.
Chỉ sau hơn 2 năm, với nỗ lực vượt bậc của tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan hữu quan, Dự án cấp điện cho thôn, buôn chưa có điện đã hoàn thành trong niềm vui của đồng bào các dân tộc trong tỉnh; đáp ứng được mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, cung cấp đủ thông tin về chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước cho đồng bào dân tộc các tỉnh Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk nói riêng; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an tòan xã hội, tạo sự ổn định cho khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Có thể nói đây là một trong những Dự án mà người dân mong chờ nhất…
Thế nhưng khi chúng tôi muốn được phỏng vấn, những người tham gia thực hiện Dự án đều từ chối nói về những vất vả của mình đã trải qua. Họ chỉ nở nụ cười nói rằng: “Đấy là nhiệm vụ mà đơn vị giao phó. So với chúng tôi những người dân sống hàng chục năm trong cảnh thiếu điện thì vất vả mà chúng tôi gặp phải có xá gì đâu”.