Tổng tiềm năng EBT để sản xuất điện ở Indonesia được ước tính là 419 GW.
Giám đốc phụ trách các vấn đề môi trường của Cơ quan Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia (Bappenas), Tiến sỹ Medrilzam, ngày 5/3 cho biết, nước này cần tổng số vốn đầu tư là 167 tỷ USD để phát triển năng lượng mới và tái tạo (EBT) thông qua việc xây dựng thêm nhà máy điện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo với công suất 56 GigaWatt (GW) nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải vào năm 2030.
Ông Medrilzam cho biết, đây là số vốn đầu tư tương đối lớn cần có sự tham gia của chính phủ, tư nhân và vốn cộng đồng. Chính phủ Indonesia đang đặt mục tiêu đầu tư 2,05 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng xanh trong năm 2021, so với mức 1,36 tỷ USD của năm 2020.
Dựa trên nghiên cứu của Bappenas, các 6 loại EBT có sẵn ở Indonesia là năng lượng Mặt Trời, gió, địa nhiệt và năng lượng sinh học, sóng biển và nước.
Tổng tiềm năng EBT để sản xuất điện ở Indonesia được ước tính là 419 GW. Trong tổng tiềm năng này, gần 1/2 là năng lượng Mặt Trời với 207 GW, tiếp theo năng lượng nước với 75 GW và năng lượng gió với 60 GW.
Cũng theo ông Medrilzam, Indonesia có hai mục tiêu lớn là mục tiêu nâng tỷ lệ năng lượng sạch hỗn hợp từ mức 11,5% hiện nay lên 23% vào năm 2025 thông qua Kế hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và mục tiêu giảm phát thải 29% so với mức cơ sở vào năm 2030 theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Trong nỗ lực để đạt được mục tiêu thứ nhất, Indonesia đã có rất nhiều chương trình phát triển EBT cả dưới hình thức bắt buộc và khuyến khích.
Một trong những chiến lược mà chính phủ nước này có thể thực hiện trong quá trình chuyển đổi năng lượng là thay thế các nguồn năng lượng có lượng khí thải cao bằng các nguồn năng lượng có lượng khí thải thấp hơn, như tối ưu hóa khí đốt tự nhiên và năng lượng Mặt Trời thay vì than đá.
Theo báo cáo của Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản, công suất của các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo ở Indonesia vào năm 2020 được ghi nhận là 10.467 MW bao gồm 3,6 MW điện hỗn hợp, 154,3 MW điện gió, 153,8 MW điện Mặt Trời, 1.903,5 MW điện sinh học, 2.130,7 MW điện địa nhiệt và 6.121 MW thủy điện.
Link gốc
Theo: BNews