Đào tạo nguồn nhân lực phát triển điện hạt nhân: "Chất" cần hơn "lượng"

Thứ ba, 29/1/2013 | 10:15 GMT+7
Dự kiến năm 2020 nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) đầu tiên sẽ vận hành và phát điện thương mại. Trong số các công việc cần chuẩn bị cho nhà máy, theo khuyến cáo của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đào tạo nhân lực cần đi trước 10-15 năm và phải thực hiện ở cấp chính phủ, cấp quốc gia.


 
Các trang thiết bị được sử dụng trong nghiên cứu vẫn còn rất thô sơ và lạc hậu.

Trong quá trình chuẩn bị, việc đảm bảo an toàn bức xạ cho sinh viên, giảng viên và đáp ứng các trang thiết bị phục vụ cho quá trình đào tạo, nghiên cứu rất quan trọng.

Coi trọng chất lượng đào tạo

Theo kế hoạch, dự án xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận sẽ được khởi công vào năm 2014 và vận hành lần lượt vào các năm 2020-2021 (Ninh Thuận 1) và năm 2021-2022 (Ninh Thuận 2), do vậy, việc chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình vận hành nhà máy ĐHN rất được chú trọng.

Nguồn nhân lực phục vụ cho chương trình ĐHN bao gồm: Nhân lực để thực hiện dự án xây dựng nhà máy; nhân lực cho nghiên cứu triển khai và hỗ trợ kỹ thuật; nhân lực cho các cơ quan quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân; nhân lực cho hoạt động giáo dục và đào tạo. Và trong đội ngũ quản lý, kỹ sư và vận hành nhà máy, đội ngũ kỹ sư được coi là quan trọng và đào tạo nhiều thời gian nhất.

Nguồn nhân lực hạt nhân của Việt Nam hiện nay chủ yếu đang làm việc tại Viện Năng lượng Nguyên tử (khoảng 750 người), tại Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân (trên 40 người). Đây sẽ nguồn nhân lực chính cho các cơ quan quản lý an toàn, cơ quan nghiên cứu triển khai. Đây cũng sẽ chính thức chuẩn bị cho việc vận hành nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của nước ta. Ngoài ra, có một số lượng không nhỏ các sinh viên ngành kỹ thuật hạt nhân hiện đang được đào tạo trong một số cơ sở giáo dục trong nước cũng chính là nguồn nhân lực tương lai phục vụ cho ngành năng lượng hạt nhân ở Việt Nam.

Là 1 trong 7 đơn vị đào tạo được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tin tưởng giao trọng trách đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc xây dựng và vận hành nhà máy ĐHN trong tương lai, Viện Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý Môi trường (ĐH Bách khoa Hà Nội) đã rất ý thức được tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn kỹ sư hạt nhân tương lai. TS Trần Kim Tuấn - Viện trưởng Viện Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý Môi trường cho biết, khi chưa có chủ trương xây dựng nhà máy ĐHN và có chính sách hỗ trợ, Viện chỉ đào tạo khoảng 20 sinh viên/khóa và hiện nay, con số ấy lên 40-50 sinh viên/khóa để đáp ứng nhu cầu nhân lực. Mặc dù năng lực của trường cũng như nhu cầu của sinh viên là rất lớn, nhưng Viện mong muốn giữ được chất lượng và chỉ đào tạo mỗi khóa khoảng 40-50 sinh viên để đảm bảo chất lượng đào tạo.

TS Trần Kim Tuấn cũng cho biết, mỗi nhà máy ĐHN hoạt động một cách an toàn và hiệu quả thì cần 1.200 cán bộ, trong đó chỉ 200-300 làm về kỹ thuật hạt nhân. Do vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực về kỹ sư hạt nhân không thể làm ồ ạt, dàn trải mà cần đầu tư trọng tâm với mục đích “chất” cần hơn “lượng”.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Đối với khối ngành kỹ thuật, việc thực hành, thực nghiệm đóng vai trò rất quan trọng, giúp sinh viên có cái nhìn toàn diện và kinh nghiệm thực tế trước khi bắt tay vào công việc. Đặc biệt với ngành kỹ thuật hạt nhân, việc thực hành thí nghiệm thực nghiệm, đặc biệt là các thí nghiệm với lò phản ứng hạt nhân, cũng như việc làm quen, cập nhật các công nghệ lò phản ứng hiện đại là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, tiếp xúc với những nguồn phóng xạ, hạt nhân trong quá trình thí nghiệm đang khiến nhiều người lo ngại về mức độ an toàn cho người thực hiện. Bên cạnh đó, hiện nay, trang thiết bị cung cấp cho ngành này rất thiếu, không đảm bảo được chất lượng dạy và học toàn diện cho giảng viên và sinh viên.

Về vấn đề này, TS Trần Kim Tuấn cho biết, đối với khối ngành giảng dạy về kỹ thuật, thực nghiệm, thí nghiệm rất quan trọng, đã thí nghiệm kỹ thuật hạt nhân thì đều phải làm việc với nguồn phóng xạ là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, với những thí nghiệm cơ bản cho sinh viên thực hành, nhà trường luôn chú ý tới vấn đề che chắn phóng xạ để đảm bảo an toàn, hạn chế tối thiểu ảnh hưởng của phóng xạ đến con người, nguồn phóng xạ cũng như thiết bị đo đều đặt ở mức độ tối thiểu. Ông cũng khẳng định: “Sinh viên khi làm thí nghiệm đều đã được học và trang bị kiến thức đầy đủ về an toàn bức xạ, hiểu rõ được mức độ của thí nghiệm và thực hiện quy tắc an toàn bức xạ tốt. Các thầy cô giáo cũng có ý thức cùng với sinh viên bảo vệ an toàn bức xạ, trước hết là cho mình, sau là cộng đồng”.

Về thiết bị giảng dạy, Viện cũng có những nguồn cung cấp thiết bị nhất định, trong đó có 2 dự án với IAEA, vốn vay của Ngân hàng thế giới trong chương trình giáo dục đại học và Dự án nâng cao năng lực của các phòng thí nghiệm (đã được Bộ phê duyệt). Với những dự án ấy, TS Trần Kim Tuấn bày tỏ hy vọng các trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu sẽ được cung cấp một cách cơ bản.

Bên cạnh đó, Viện Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý Môi trường cũng có liên kết, phối hợp với các cơ quan chuyên ngành hạt nhân như Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam. Hằng năm, Viện Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý Môi trường đưa sinh viên năm thứ 4 và năm thứ 5 thực nghiệm trực tiếp trong lò phản ứng tại Đà Lạt. Tuy vậy, trang thiết bị sử dụng trong kỹ thuật hạt nhân thường rất đắt tiền và đa dạng, vì thế số lượng trang thiết bị mà ĐH Bách khoa Hà Nội sử dụng còn rất hạn chế.

Hiện nay, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, tiềm lực công nghệ chưa cao, nguồn nhân lực còn chưa đầy đủ, thế nhưng, rút kinh nghiệm từ những sự cố hạt nhân của Nga, Nhật Bản, Việt Nam vẫn quyết tâm xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 để đáp ứng sự phát triển công nghệ, cũng như nhu cầu về điện rất lớn của đất nước.

Trước nhiều ý kiến băn khoăn về triển vọng của ngành kỹ thuật hạt nhân và nhà máy ĐHN ở Việt Nam, với tư cách là một giảng viên, TS Trần Kim Tuấn chia sẻ: “Sau mỗi sự cố dù lớn hay nhỏ của nhà máy ĐHN, chúng ta đều rút ra được những bài học, vì thế tôi hy vọng, nhà máy ĐHN ở Việt Nam sẽ chọn lựa công nghệ an toàn nhất. Và theo tôi, nếu chúng ta cứ chần chừ mà không bắt đầu thì không bao giờ đến nơi. Nếu khó thì chúng ta phát triển dần, nếu có tiềm lực thì đẩy mạnh. Chúng ta không thể ngồi chờ, vì chờ đến bao giờ? Với nguồn nhân lực, chúng ta phải chuẩn bị khá lâu và mất nhiều thời gian. Với kinh nghiệm những năm trước, chúng ta đào tạo khá nhiều, nhưng không có sự thu hút về công việc nên họ chuyển sang ngành khác, dẫn tới sự trì hoãn về nhân lực. Nếu giờ đây chúng ta cũng chờ đợi thì lại sẽ mất mát, lãng phí nguồn nhân lực rất lớn”.

Ngoài phục vụ cho nhà máy ĐHN, ngành kỹ thuật hạt nhân còn có nhiều đóng góp cho các ngành kinh tế khác. Trong đó, giúp cho ngành y tế hình thành được một ngành mới là ngành y học hạt nhân ở Việt Nam với các thành tựu như chẩn đoán hình ảnh, công nghệ xạ trị áp sát, khử trùng dụng cụ y tế, chế tạo mạng trị bỏng bằng kỹ thuật bức xạ; dự án PET Cyclotron (chẩn đoán ung thư).

Ngoài ra, kỹ thuật hạt nhân còn đóng góp cho công nghiệp bằng kỹ thuật kiểm tra không phá hủy (NDT), công nghệ chiếu xạ thực phẩm và đặc biệt là kỹ thuật đánh giá dầu dư bão hòa trong các giếng khoan, tối ưu quy trình khai thác để nâng cao hiệu suất thu hồi dầu trong khai thác dầu khí và giải quyết một số vấn đề kỹ thuật thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí.


 
Theo: Petrotimes