Sự kiện

Đáp ứng nhu cầu cấp thiết “cung” điện cho miền Nam

Thứ ba, 18/3/2014 | 12:40 GMT+7
Vào thời điểm này, các tỉnh miền Nam đang bước vào mùa khô. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng điện bắt đầu tăng cao. Đặc biệt là tháng 4 và tháng 5, vào hai tháng cao điểm của mùa khô, phụ tải lại càng tăng cao hơn do nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng. Để đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân các tỉnh phía Nam, không phải tiết giảm phụ tải, ngay từ bây giờ, cùng với tiếp tục hoàn thành các công trình đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Nam; trong đó hệ thống truyền tải điện Bắc-Nam tiếp tục có vai trò đặc biệt quan trọng thì việc triển khai tiết kiệm điện được coi là những giải pháp tối ưu hiện nay.


Công nhân TCT Điện lực Miền Nam tiến hành cải tạo lưới điện để tăng độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng. Ảnh: Hoa Mai

 
Tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối cung cầu

Tổng Công ty (TCT) Điện lực miền Nam (EVN SPC) cho biết, năm nay, khu vực miền Nam chỉ có 2 tổ máy của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 vào vận hành với tổng công suất 1.200 MW). Cũng do không được bổ sung thêm nguồn mới nên tình hình vận hành lưới điện trong khu vực sẽ rất căng thẳng, nhất là thời điểm nắng nóng bắt đầu diễn ra trên diện rộng. Bên cạnh đó, khu vực miền Nam không tự cân đối được công suất nội miền và luôn phải nhận thêm công suất từ miền Bắc và miền Trung truyền tải vào. Đồng thời, các máy biến áp 500kV Phú Lâm-Tân Định, Sông Mây và các đường dây 500kV Pleiku-Di Linh-Tân Định, Đăk Nông-Phú Lâm luôn truyền tải với công suất cao. Mặt khác, tính cả khả năng truyền tải trên đường dây 220kV Đăk Nông-Phước Long-Bình Long và việc đưa thêm đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông vào vận hành trong tháng 4 tới. Cùng với mức dự phòng công suất ở miền Nam  ở mức rất thấp, nhiều tháng gần như không có dự phòng và thiếu công suất đỉnh nên nguy cơ mất cân đối cung cầu một số thời điểm trong năm tại các tỉnh trong khu vực luôn tiềm ẩn.

Theo ông Phạm Ngọc Lễ, Phó Tổng Giám đốc EVN SPC, tại 21 tỉnh, thành phía Nam trong khu vực TCT quản lý, còn nhiều nơi lưới điện  xung yếu chưa được khắc phục triệt để. Thậm chí lưới điện ở Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai và Long An đang hoạt động trong tình trạng đầy quá tải. Trong khi đó, tiến độ thực hiện các trạm và đường dây 220kV chậm như trạm 220kV Nhơn Trạch, Phú Mỹ 2, Vũng Tàu, Mỹ Xuân, Tây Ninh, Hàm Tân, Đức Hòa cùng với một số trạm đang trong tình trạng đầy tải đã tạo sự căng thẳng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho khách hàng tại một số khu vực.

Trong khi đó, từ ngày 15/3, hệ thống cung cấp khí PM3 cho các nhà máy điện ở Cà Mau gặp sự cố khiến các đường dây, máy biến áp khu vực miền Nam và miền Tây Nam Bộ phải vận hành căng thẳng để tránh quá tải. Bởi các nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 có tổng công suất phát 1.500 MW, chiếm khoảng 14,98% nhu cầu tiêu thụ điện toàn miền Nam, đồng thời chiếm khoảng 53,57% so với nhu cầu tiêu thụ điện khu vực miền Tây.

Đưa vào nhiệm vụ trọng tâm

Trên cơ sở Báo cáo cập nhật cân bằng cung cầu điện và giải pháp đảm bảo điện cho hệ thống điện Quốc gia giai đoạn 2013-2020 của Bộ Công Thương, Chính phủ đã ban hành Quyết định 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013 điều chỉnh danh mục, tiến độ một số dự án nguồn và lưới điện trong giai đoạn 2013-2020 và quy định một số cơ chế chính sách đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu điện giai đoạn 2014-2020. Vì tính cấp thiết của việc cung ứng điện cho miền Nam trong năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đặt nhiệm vụ trọng tâm của năm 2014 là Điện cho miền Nam cùng với Tối ưu hóa chi phí.

EVN cho biết, chọn chủ đề Điện cho miền Nam, Tập đoàn tập trung thực hiện Quyết định 2414 của TTCP đối với một số dự án đầu tư quan trọng như các dự án nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 2- Vĩnh Tân 4, các công trình lưới điện truyền tải đấu nối với các trung tâm nhiệt điện này và các dự án truyền tải, phân phối cấp bách khác ở miền Nam.

Là đơn vị cung ứng điện cho 21 tỉnh, thành phía Nam, ngay từ đầu năm nay, EVN SPC đã xây dựng tiêu chí, nhu cầu đầu tư và phương án thu xếp vốn đầu tư lưới điện từ 22 đến 220kV cho các năm 2014, 2015, có xét đến năm 2020 trên cơ sở Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 đã được TTCP phê duyệt. Bên cạnh đó là Quy hoạch phát triển điện lực các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam giai đoạn 2011-2015 có xét đến năm 2020 đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Đây chính là “xương sống” tạo thuận lợi cho việc đầu tư của TCT và các đơn vị thành viên trong việc phát triển lưới điện, đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định trên toàn địa bàn.

Ông Phạm Ngọc Lễ, Phó Tổng Giám đốc chia sẻ, việc đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho các dự án chính là tiền đề quan trọng để đơn vị đảm bảo tiến độ các dự án, công trình trọng điểm cấp điện cho khu vực miền Nam cũng như các dự án khắc phục tình trạng quá tải tại nhiều khu vực.

Theo dự báo, công suất sử dụng lớn nhất của TCT sẽ lên đến 7.147 MW trong tháng 4 tới, tăng 15,1% so với năm 2013 và nhu cầu tiêu thụ điện sẽ cao liên tục trong khoảng từ tháng 3 này đến giữa năm.

Chủ động các giải pháp

Để đảm bảo cung ứng đủ điện cho miền Nam trong năm nay, trước mắt là cao điểm mùa khô này, TCT đã giao cho Công ty Lưới điện cao thế miền Nam rà soát phương thức vận hành lưới điện 110kV để tăng độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng kỹ thuật; thực hiện tốt kế hoạch sửa chữa, bảo trì, thí nghiệm các công trình cải tạo lưới điện 110kV. Đồng thời là đầu mối giữa các Công ty Truyền tải điện, các Ban quản lý dự án và các Công ty điện lực trong việc phối hợp cắt điện thi công lưới truyền tải và phân phối.

Đối với các Công ty Điện lực hiện đã làm việc với khách hàng lớn nắm lại nhu cầu phụ tải, ký biên bản thỏa thuận về các giải pháp cung cấp điện, điều hòa phụ tải và tiết kiệm điện. Không những vậy còn tổ chức rà soát, thống kê chi tiết các phụ tải mang tính chất mùa vụ, đặc trưng của địa phương và có phương án ưu tiên cho các phụ tải trọng yếu phục vụ nhu cầu dân sinh cơ bản, chống hạn, chống úng, ngăn dịch bệnh, các sự kiện chính trị-xã hội trên địa bàn. Đồng thời chủ động khai thác tối đa công suất các nguồn thủy điện nhỏ ở các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng và Tây Ninh.

Ông Nguyễn Phước Qúy Hải, Phó Ban Kỹ thuật sản xuất (EVN SPC) cho biết các Công ty điện lực cũng có trách nhiệm giám sát chặt chẽ công tác quản lý kỹ thuật-vận hành lưới điện, phòng ngừa giảm sự cố, nâng cao độ tin cậy cấp điện theo các chỉ số SAIDI, SAFI và MAFI; chuẩn bị đủ vật tư, thiết bị dự phòng sẵn sàng khắc phục nhanh khi có sự cố xảy ra; hay đào tạo kỹ năng giao tiếp khách hàng cho 800 nhân viên điện lực để tạo sự hài lòng của khách hàng trong công tác phục vụ.

Cùng với đó, tập trung hoàn thành kế hoạch đầu tư lưới điện 110kV để đảm bảo cấp điện cho miền Nam “trong điều kiện vốn đầu tư ít nhất nhưng phải đạt được hiệu quả cấp điện cao nhất”, ông Lễ nhấn mạnh. Do vậy, bên cạnh các công trình lưới điện 110kV đang thi công chuyển tiếp từ năm 2013, TCT tiếp tục hoàn thiện các công trình kết nối SCADA  và đo ghi xa, triển khai 30 công trình cải tạo và làm mới đường dây, tăng công suất trạm biến áp. Ngoài ra, còn đang xây dựng các phương án sửa chữa lưới 110kV và lắp tụ bù để giảm tổn thất điện năng, cải tạo chất lượng điện và tăng khả năng tải của lưới điện trong khu vực.

Theo ông Hải, một trong những biện pháp điều hòa phụ tải là làm việc với khách hàng chuyển giờ sản xuất từ giờ cao điểm vào thấp điểm để tổng phụ tải sẽ không ở mức cao thì căn cứ nhu cầu phụ tải và tình hình tiêu thụ công suất phản kháng trên lưới điện, năm nay, TCT đã có kế hoạch lắp tụ bù với tổng dung lượng 530 MVAr. Trước mắt trong quý 1 này hoàn thành dung lượng 200 MVAr.

Với hiện trạng lưới điện quốc gia hiện nay, tổng nguồn phát điện phía Nam đang mất cân đối với nhu cầu tăng cường phụ tải khu vực, trong khi tổng nguồn phát điện phía Bắc đảm bảo tính dự phòng cao. Nhằm đảm bảo cung cấp điện cho toàn miền Nam, bao gồm cả TP Hồ Chí Minh, song song với việc tập trung đưa vào vận hành các công trình nguồn, trong năm 2014, TTCP đã chỉ đạo bằng mọi giải pháp ngành điện phải nỗ lực hoàn thành các công trình truyền tải nhằm chuyển tải công suất từ Bắc vào Nam. Trong đó, các đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông, Vĩnh Tân-Sông Mây-Tân Định và trạm biến áp 500kV Cầu Bông cần phải  đóng điện trước mùa khô này là những công trình trọng điểm giải quyết bài toán chiến lược trên./.
Mai Phương / ICON.com.vn