Sự kiện

Rộn ràng “đảo ngọc”

Thứ ba, 25/2/2014 | 11:14 GMT+7
“Tết nay có điện quốc gia rồi!”. Những ngày này, đâu đâu ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, người ta cũng bàn tán về chuyện mua sắm tivi, tủ lạnh loại gì; sắp tới làm ăn ra sao… Việc được cung cấp điện lưới quốc gia sẽ giúp “đảo ngọc” nhanh chóng bừng sáng.

Trong lúc người dân trên khắp mọi miền đất nước đang tất bật chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 thì người dân “đảo ngọc” Phú Quốc hối hả đi mua tivi, tủ lạnh, máy giặt… Đúng dịp Tết này, sau bao năm mong mỏi, đợi chờ, người dân Phú Quốc rốt cuộc cũng được dùng nguồn điện quốc gia với giá bằng mức đất liền.

Đồ điện “cháy” hàng

Những ngày này, đi đến đâu ở “đảo ngọc”, chúng tôi cũng nghe bà con bàn tán quanh chủ đề điện. Những cửa hàng bán tivi, tủ lạnh, máy giặt, dàn karaoke... luôn trong tình trạng “cháy” hàng.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa, ngụ xã Hàm Ninh, hào hứng: “Vậy là từ Tết này, chúng tôi không còn phải canh giờ để xài điện phát từ máy chạy dầu diesel nữa. Nguồn điện này luôn chập chờn do nhiều hộ phải dùng chung đồng hồ, giá lại rất mắc. Nhà tôi chỉ dám xài 2 bóng đèn compact từ 18 giờ đến 22 giờ nhưng mỗi tháng phải trả 100.000 - 130.000 đồng tiền điện. Vừa rồi, cán bộ UBND xã phổ biến cho người dân biết giá điện quốc gia sẽ giảm mạnh, con trai tôi liền mua ngay cái tivi và tủ lạnh về xài”.

Gặp chúng tôi, ai cũng khoe điện từ lưới quốc gia sẽ phát vào những ngày đầu Xuân mới. Anh Dương Sanh Ty, nhà ở thị trấn Dương Đông, cho biết: “Trước đây,  giá điện rất mắc, chưa kể tối nào cũng bị cắt từ lúc 23 giờ 30 phút. Nhà nào muốn sử dụng điện sau giờ này phải mua máy nổ, tốn kém vô cùng. Vợ tôi cứ bàn, bảo chưa cần thiết mua các thiết bị liên quan đến điện. Thế nhưng, từ đầu tháng 1-2014, khi nghe tin điện lưới quốc gia sẽ phát trong dịp Tết, giá sẽ bằng trong đất liền, chính bà xã tôi lại luôn miệng thúc giục chồng đi sắm tivi, máy giặt”.

Chị Nguyễn Thu Trân, ngụ xã Bãi Thơm, cho biết nơi chị ở trước đây, nhà nào khá giả muốn sử dụng đèn, tivi, máy karaoke…, phải mua máy phát điện cá nhân chạy bằng dầu diesel nhưng cũng không thể dùng cho tủ lạnh hay máy điều hòa. Nhà nào không có điều kiện mua máy phát điện mini thì phải câu nhờ điện với giá 25.000  - 30.000 đồng/KWh, chỉ để thắp vài bóng đèn vào buổi tối cho con em học bài.

Người dân “đảo ngọc” hào hứng sắm sửa tivi, tủ lạnh... khiến nhiều sản phẩm điện tử, điện gia dụng luôn trong tình trạng “cháy” hàng.

“Hiện gia đình tôi phải chạy máy phát điện mini để kinh doanh dịch vụ karaoke, mỗi lít dầu chỉ cấp điện được hơn 1 giờ. Khi điện lưới quốc gia về đảo, tôi nghĩ đời sống của bà con sẽ nhanh chóng phát triển. Trước tiên là về mặt tinh thần, sau đó kinh tế sẽ khá hơn. Người dân cũng không còn phải dùng máy phát điện để bơm nước tưới tiêu, chăn nuôi” - chị Trân phấn khởi.

Chỉ sang nhà kế bên, chị Trân cho biết: “Nghe tin điện kéo về trong dịp Tết, gia đình ông chủ tịch UBND xã Bãi Thơm liền mua ngay dàn máy lạnh để gắn vào phòng cho khách du lịch thuê”.

Chúng tôi tìm tới khu du lịch Bãi Thơm. Đây là khu quy hoạch du lịch được xây dựng trên vùng lấn biển nằm cách cảng Đá Chồng (còn gọi cảng Thạnh Thới) khoảng 3 km. Việc xây dựng đang diễn ra hối hả. Nhiều khu resort đang lần lượt mọc lên xen lẫn trong những hàng dừa.

Chị Trần Thị Hồng, một người dân ngụ cạnh Bãi Thơm, dự tính: “Nếu điện lưới quốc gia về đến Bãi Thơm, gia đình tôi sẽ sửa sang nhà cửa, mua sắm các thiết bị điện để kinh doanh dịch vụ nhà trọ, ăn uống phục vụ khách du lịch”.




Người dân “đảo ngọc” hào hứng sắm sửa tivi, tủ lạnh... khiến nhiều sản phẩm điện tử, điện gia dụng luôn trong tình trạng “cháy” hàng

Cú hích phát triển

Bà Phù Bích Ngọc - Giám đốc Resort Hiệp Thạnh trên đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Dương Đông - cho biết resort của bà có khoảng 30 phòng, theo giá điện kinh doanh cộng với thuế GTGT lên đến gần 9.000 đồng/KWh. Trung bình mỗi tháng, resort của bà tiêu tốn khoảng 70-80 triệu đồng tiền điện.

“Khi điện quốc gia ra đảo, những người kinh doanh dịch vụ cho thuê phòng khách sạn, nhà trọ, cơ sở sản xuất sẽ rất phấn khởi vì tiền điện sẽ tiết kiệm được khoảng 50%. Điện về Phú Quốc sẽ tạo cơ hội cho người dân và các doanh nghiệp, cơ sở làm ăn, phát triển kinh tế” - bà Ngọc nhìn nhận.

Theo ông Nguyễn Thành Duy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), đến nay, công tác kéo cáp, đấu nối vào trụ ở 2 bờ (thị xã Hà Tiên và đảo Phú Quốc) đã hoàn tất. Việc đóng điện thử nghiệm và công tác hiệu chỉnh các thông số kỹ thuật nhằm bảo đảm tính an toàn tối đa trước khi đóng điện chính thức cũng đã hoàn thành từ ngày 11-1. Chắc chắn, người dân trên đảo Phú Quốc sẽ được dùng điện quốc gia ngay dịp Tết Nguyên đán này.

“Dự án kéo cáp điện ngầm 110 KV xuyên biển Hà Tiên ra huyện đảo Phú Quốc dài 57,33 km được khởi công từ ngày 17-11-2013. Trong quá trình kéo cáp ngầm, các đơn vị thi công dù gặp nhiều khó khăn như biển động liên tục, sóng to, gió lớn… nhưng đã cố gắng vượt qua” - ông Duy nhớ lại.

Ông Duy cho biết khi Phú Quốc có nguồn điện lưới quốc gia, gần 22.000 hộ dân và hàng ngàn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ du lịch, khách sạn… không phải dùng điện từ nhà máy điện diesel nữa. Lúc đó, giá điện sẽ giảm bằng với giá trong đất liền là 1.509 đồng/KWh. Hiện nay, giá điện trên đảo bình quân 5.060 -7.992 đồng/KWh.

Theo ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, năm 2013, thu nhập bình quân của mỗi người dân đảo Phú Quốc ước đạt 70,3 triệu đồng. Phú Quốc đã thu hút được 206 dự án đầu tư trong các khu quy hoạch với diện tích hơn 9.360 ha. Trong đó, đã có 13 dự án đi vào hoạt động, 11 dự án đang triển khai xây dựng với tổng vốn đầu tư 4.080 tỉ đồng.

Một số công trình trọng điểm trên đảo đã hoàn thành, như: Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc, cảng biển Quốc tế An Thới, cảng nội địa Dương Đông… Phú Quốc cũng đang tiếp tục thi công các trục giao thông chính Bắc - Nam đảo, đường vòng quanh đảo và kết nối những trục đường ngang với các đô thị Dương Đông, An Thới, Bãi Thơm, Cửa Cạn...

“Khi dòng điện quốc gia lan tỏa ra Phú Quốc, đây sẽ là một cú hích quan trọng để vùng đất này cất cánh. Điện cũng  giúp cho Phú Quốc càng gần hơn với đất liền. Chắc chắn “đảo ngọc” Phú Quốc sẽ thực sự là điểm dừng chân lý tưởng của mỗi chúng ta” - ông Lê Văn Thi tin tưởng.

Phú Quốc rộng 593,05 km2, là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, gồm 2 thị trấn và 8 xã, dân số khoảng 110.000 người. Được mệnh danh là “đảo ngọc”, Phú Quốc được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2006.

Vượt tiến độ

Dự án cáp ngầm 110 KV xuyên biển từ Hà Tiên ra Phú Quốc là dự án xuyên biển dài nhất Đông Nam Á. Do có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp và chưa từng thực hiện ở Việt Nam, quá trình thi công gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, EVN SPC đã phát huy trí tuệ tập thể, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đưa công trình hoàn tất vượt tiến độ.


Công nhân nhà thầu Prysmian kéo cáp điện ngầm xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc

“Chúng tôi được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ cùng các bộ, ngành ở Trung ương và EVN; sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang. Bên cạnh đó, chúng tôi còn nhận được sự nỗ lực, tích cực và đầy trách nhiệm của các đơn vị liên quan, nhất là nhà thầu Prysmian - Ý. Việc thực hiện nhanh chóng và thành công dự án đã thể hiện sự đóng góp tích cực và hiệu quả của ngành điện vào việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo Phú Quốc nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung. Dự án này sẽ góp phần cùng với Đảng bộ và chính quyền tỉnh Kiên Giang sớm hoàn thành mục tiêu đưa Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế - hành chính quan trọng của cả nước” - ông Nguyễn Thành Duy nhìn nhận.
Theo: Người Lao động