Sự kiện

Viết tiếp bản hùng ca

Thứ tư, 5/3/2014 | 11:03 GMT+7
Tây Nguyên tháng 3, khi hoa gạo nở đỏ rực như thắp lửa trên nền trời xanh thẳm, lau nở trắng ven đường, hoa cà phê bung cánh bạt ngàn… báo hiệu mùa khô sắp kết thúc. Càng gần cuối mùa khô, nắng gió Tây Nguyên dường như khắc nghiệt hơn và trên công trường đường dây ĐZ 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông càng hối hả hơn để kịp cán đích vào ngày 30-4 năm nay, như chỉ đạo của Chính phủ.

Chạy đua “nước rút”

Kỹ sư Lê Đức Quỳnh Nam (35 tuổi), Phó phòng Tổng hợp (Ban QLDA các công trình điện miền Trung - AMT) bất ngờ hỏi: “Khi bị cắt điện, cảm giác của anh thế nào?” rồi trả lời luôn: Rất khó chịu, nhất là gặp những ngày nắng nóng! Anh sẽ ít gặp lại cảm giác đó khi đường dây này đóng điện, hòa lưới quốc gia. Ngày đó còn xa nữa không, gần thôi! Nói ngắn gọn vậy, kỹ sư Nam đưa chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình “hành quân” lên vùng đất đỏ Tây Nguyên qua 3 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông để mục sở thị những tất bật trên công trường.

Con đường dẫn vào gói thầu mở rộng trạm 500kV Pleiku (Gia Lai) mùa này bụi mịt mù. Với nhiệm vụ tiếp nhận, điều tiết và phân phối điện đi các tuyến nên hạng mục này cần ưu tiên hoàn thành trước nên công việc ở đây được đẩy nhanh hơn bao giờ hết. Kỹ sư Phan Văn Thông, phụ trách kỹ thuật của gói thầu nói ngắn gọn: “Tổng tiến độ đạt trên 70% khối lượng công việc. Theo kế hoạch, đến ngày 5-3 phải hoàn thành phần xây lắp để đến đầu tháng 4 hoàn thiện toàn bộ phần dựng trụ và kéo cáp. Tất cả anh em đang căng mình chạy đua với thời gian để về đích đúng hẹn”.

Như minh chứng cho cái gấp gáp ấy, kỹ sư Thông đưa chúng tôi đến công trường dựng trụ và kéo cáp đường dây (đoạn Gia Lai) do Chi nhánh Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 4.4 thi công. Nắng chiều ngả màu hoàng hôn, trên vai những kỹ sư, công nhân in vết hằn đen và màu nâu đỏ của cáp nhôm và bụi đất chà xát qua lại sau một ngày thi công. Những nỗ lực của họ được đo bằng chiều cao của trụ điện cứ cao dần lên và chiều dài của những mét dây cứ dài ra theo từng mối néo (khoảng dây giữa hai trụ, dài khoảng 7km).


Hoàn thiện một block để kéo lên trụ lắp ráp ở gói thầu số 5. Ảnh: SGGP

Kỹ sư trẻ Lê Quốc Huy mới 35 tuổi (Giám đốc Chi nhánh Công ty 4.4) đã từng lăn lộn với nhiều công trình điện, chỉ tay theo những sợi dây lấp lánh chạy dài tít tắp cho biết đơn vị anh thi công 7 néo với chiều dài hơn 23km và 58 vị trí trụ. “Chính thức bắt tay thi công được khoảng 3 tháng, khối lượng công việc đạt khoảng 30% vì trước đó còn vướng đền bù, giải tỏa và vận chuyển thiết bị. Địa hình ở đây rất phức tạp, các vị trí thi công lại ở nơi xa xôi, hẻo lánh, đất đỏ trơn trượt nên mùa mưa vận chuyển thiết bị đến chân công trình là cả vấn đề nan giải” - anh Huy nói.

Còn chưa đầy 2 tháng nữa phải cán mốc tiến độ, liệu gói thầu có hoàn thành? Anh Huy nói chắc nịch: “Công ty đã khuyến khích anh em tăng ca kíp, đi sớm về muộn để tăng hiệu quả công việc. Xác định đây là gói thầu trọng điểm nên toàn công ty đã lên kế hoạch sang tháng 3 sẽ đưa số lao động tăng gấp 3 lần so với hiện tại (khoảng 400 người) để dồn lực thi công, bắt kịp tiến độ và sẽ bàn giao đúng hẹn”.

Rời vị trí của Công ty 4.4, vẫn những con đường đất đỏ quanh co, gập ghềnh, bụi bặm chúng tôi đến gói thầu của Tổng Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam. Phó ban Chỉ đạo công trường Đặng Ngọc Chương khá bận rộn với chiếc bộ đàm trên tay vì phải cập nhật, chỉ đạo liên tục những tổ công tác khác để công việc được trôi chảy. Không cần sổ sách, kỹ sư Chương nắm rành rọt từng con số nói liền một mạch: “Hiện đơn vị chúng tôi có 15 đội, 31 tổ với 420 công nhân thi công 67km (14 khoảng néo), vắt từ cuối địa phận tỉnh Gia Lai qua đầu địa phận tỉnh Đắk Lắk. Phần cột có 142 vị trí, đã dựng được 124 cột, còn 16 đang dựng, 3 cột xong, 1 cột đang vận chuyển thiết bị chuẩn bị dựng. Gần hết mùa khô rồi nên không thể chậm trễ”.

Cùng con lên công trường

Giữa rẫy cà phê, cao su xanh mướt ngút ngàn, những hàng trụ sắt vững chãi, nhấp nhô được dựng lên loang loáng trong nắng chiều. Vừa chỉ huy, hướng dẫn anh em cắt đầu cáp, bổ sung thiết bị, thanh giằng để nhanh chóng hoàn thành những block kịp kéo lên trụ lắp ráp, kỹ sư Lương Thế Minh (36 tuổi), Phó Tổng giám đốc Công ty điện Địa Phương (đóng tại Tuy Hòa, Phú Yên) chỉ huy trưởng gói thầu số 5 đoạn qua Đắk Lắk, cho biết: “Đơn vị anh đảm nhận 3 khoảng néo, 22 vị trí cột. Hiện toàn bộ cột đã dựng xong, công đoạn kéo dây cũng đang được khẩn trương. Với 130 kỹ sư, công nhân và sẽ tăng cường thêm 20 nhân lực nữa sẽ quyết tâm với phương châm “bình minh thức giấc đến công trường và hoàng hôn tắt mới rời vị trí” nên đã đạt 85% tiến độ công việc, sẽ bàn giao đúng hẹn” - kỹ sư Minh nói.

Minh cho biết, ở gói thầu đơn vị anh thi công có 22 đồng bào dân tộc làm ăn, sinh sống. Vì vậy, những ngày đầu về công trường, nhiệm vụ đầu tiên không phải là triển khai thi công mà… đến từng nhà vận động, giải thích về mục đích, lợi ích của dự án; giải tỏa, đền bù nhà cửa, hoa màu, vật kiến trúc với bà con để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết khi có vướng mắc. Bà con có người ủng hộ, người không, người băn khoăn, lo lắng nhưng tận tình giải thích nên họ yên tâm và giao mặt bằng. Vì thế dù chưa chi trả đền bù nhưng bà con vẫn đồng ý cho chặt cây, chặt cành để dựng trụ, kéo dây. Khi dân đã đồng thuận rồi thì thi công nhanh lắm”.

Lúc tôi trò chuyện với Minh, có một bé gái cứ đứng chăm chú nhìn, thỉnh thoảng lại sà vào ôm chân anh. Như “bắt” được sự ngạc nhiên của tôi, Minh cười hiền nói đó là con gái anh, 5 tuổi đã lên công trường với ba từ 1 tuần nay. Nắng gió thế mà đem cháu theo làm gì? Minh cười giòn lý giải là do cháu… thích đi công trường. Đơn giản vậy thôi, nhưng tôi biết, lính công trường, nhất là công trình xa, không chỉ vì nhiệm vụ mà cả những hy sinh! Đồng nghiệp của Minh bảo, anh luôn sâu sát công trường, không có thời gian bên vợ con nên đợt vừa rồi về đã “xin phép” vợ đem con gái đi theo cho đỡ nhớ! Buổi trưa cháu ở và ăn tại công trường với ba, tối về ngủ tại ban điều hành cách công trường hơn 50km.

Đến công trình ĐZ 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, không chỉ cảm nhận khí thế khẩn trương mà ngay cả những khâu khác cũng đang được các ngành chức năng nỗ lực hoàn thành, nhất là giải tỏa mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công. Huyện Cư Jút (Đắk Lắk) đang là điểm nóng trong công tác này khi có 302 hộ bị ảnh hưởng, nhưng chỉ 6 hộ đang khiếu nại về giá đền bù khiến tiến độ bị chậm. “Chúng tôi đã hai lần mời các hộ lên nhận tiền, nhưng họ không nhận dù đã tuyên truyền giải thích. Sắp tới tiến hành chi trả lần 3, nếu người dân không nhận thì gửi tiền vào kho bạc và thông báo cho họ. Trường hợp họ cố tình không chấp nhận, huyện sẽ thành lập đội bảo vệ thi công. Không thể để công trình trọng điểm quốc gia bị chậm được” - ông Hoàng Phúc, Chủ tịch UBND huyện Cư Jút, khẳng định.

Để tiến độ của toàn dự án được đảm bảo, Giám đốc AMT Nguyễn Đức Tuyển “bật mí” rằng, từ chiến dịch thi đua 55 ngày đêm cuối tháng 9-2013 tại huyện Củ Chi (TPHCM) đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi trong công nhân xây lắp, lực lượng quản lý dự án, tư vấn giám sát, hội đồng bồi thường của các tỉnh có đường dây đi qua, nhất là sự đồng thuận của người dân bị ảnh hưởng trên tuyến, tạo điều kiện sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Ông Tuyển cũng cho biết từ tháng 1-2014, các đơn vị thi công bắt đầu triển khai kéo dây trên toàn tuyến. Qua 3 tháng, khối lượng trên dây kéo đã 437km thực sự là một thành tích kỷ lục. Hiện 17 gói thầu đã cơ bản hoàn tất phần móng trụ, dựng cột… “Với quyết tâm của chủ đầu tư, sự phối hợp của chính quyền địa phương, công tác điều hành của đơn vị quản lý dự án và năng lực của đơn vị thi công, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi khẳng định kiểm soát được tiến độ và sẽ đóng điện vào tháng 4 năm nay” - ông Tuyển nói.

Lời khẳng định của ông Tuyển được củng cố thêm khi trên công trường, dưới cái nắng như thiêu đốt, các kỹ sư, công nhân như những chú ong thợ vắt vẻo trên trụ cao 65m, thậm chí 84m vẫn cần cù, miệt mài viết tiếp bản hùng ca về kỳ tích đường dây 500kV cho đất nước.

Dự án đường dây ĐZ 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông mạch kép dài hơn 437km nằm trong vùng quy hoạch điện VII, đi qua 6 tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương, TPHCM. Dự án do AMT (Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia) làm chủ đầu tư, tổng vốn gần 9.300 tỷ đồng, khởi công xây dựng từ tháng 10-2011 nhằm bảo đảm cung cấp điện cho TPHCM, nhu cầu tăng trưởng phụ tải khu vực miền Nam giai đoạn 2014 - 2015, tạo tiền đề cho việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam và liên kết lưới điện 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia giai đoạn sau năm 2015. Đồng thời, tăng cường liên kết lưới điện truyền tải cấp 500kV, góp phần tăng cường an ninh hệ thống điện quốc gia.
Theo: SGGP