Nhờ có điện lưới quốc gia, nghề nuôi tôm công nghiệp ở Trà Vinh, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Những con số biết nói
Khi mới tách ra từ tỉnh Cửu Long (tháng 5.1992), hệ thống điện tỉnh Trà Vinh hầu như không có, trên 90% ấp, xã và hơn 91,4% số hộ dân “trắng điện”, sản lượng điện thương phẩm không quá 20 kWh/ người/năm. Với quyết tâm “điện đi trước một bước”, ngành điện chủ động tìm kiếm đối tác, vốn đầu tư, đẩy nhanh chương trình điện khí hóa nông thôn bằng các nguồn vốn: Vốn đầu tư của ngành điện, Jibic, WB, AFD, ADB… lãnh đạo Công ty Điện lực tham mưu lãnh đạo tỉnh Trà Vinh đẩy nhanh tiến độ các công trình điện về nông thôn.
Năm 1995 - 1996, tỉnh ứng vốn hơn 11 tỉ đồng xây dựng mới 4 công trình trung thế 22 kV với trên 100 km kéo liên xã (11 xã) và năm 1996 điện khí hóa xã Ngũ Lạc (H.Duyên Hải) - xã vùng đồng bào dân tộc Khmer được điện khí hóa đầu tiên của tỉnh. Từ năm 1998 - 2006, triển khai nhiều công trình điện khí hóa, đầu tư phát triển lưới điện về hơn 75 xã với kinh phí trên 288 tỉ đồng; Kéo điện vượt sông Tiền đưa điện về 2 xã cuối cùng của tỉnh (xã cù lao Hòa Minh và Long Hòa); Kéo điện vượt sông Hậu cấp điện cho 2 ấp cù lao Tân Quy và Tân Quy 1 (xã An Phú Tân, H.Cầu Kè); Kéo điện về cù lao Long Trị (xã Long Đức, TP.Trà Vinh)...
Nhờ các dự án (DA) công trình lưới điện được đầu tư và xóa hộ câu đuôi (trên 5.390 hộ, số tiền hơn 16 tỉ đồng), lưới điện ở Trà Vinh tiếp tục được mở rộng đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Số hộ sử dụng điện đạt 99,02%, trong đó hộ nông thôn đạt 98,89%.
Điện về làng nghề khởi sắc
Thời gian qua, ngành điện đã tăng cường đầu tư phát triển các dự án, công trình điện tại H.Trà Cú (có trên 60% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống), góp phần đưa các làng nghề truyền thống ngày càng khởi sắc. Toàn huyện có 3 làng nghề, gồm: làng nghề dệt chiếu Hàm Tân, làng nghề tiểu thủ công nghiệp Đại An, làng nghề tiểu thủ công nghiệp Hàm Giang. Hằng năm, các làng nghề sản xuất trên 680.000 sản phẩm các loại (bàn, ghế, giường, thang, ky, thúng, nia, hom… làm từ tre, trúc, lác), giải quyết việc làm cho gần 3.300 lao động.
Ông Thạch Trì Cảnh (ngụ ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang) có gần 50 năm trong làng nghề, cho biết khi chưa có điện, làng nghề hoạt động nhỏ lẻ theo thời vụ. Thế nhưng, khoảng 5 năm nay, khi điện lưới quốc gia kéo về, ông đã kết hợp đưa máy móc thay thế thủ công, sản phẩm làm ra đẹp và nhiều. Hơn 20 kiểu mẫu salon, bộ bàn ghế bằng tre làm ra nhanh chóng được người tiêu dùng các tỉnh đón nhận, trong đó có cả khách hàng ở TP.HCM.
Đến nay, Trà Vinh có 13 làng nghề được công nhận, trong đó 2 làng nghề hoa kiểng, 7 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, 4 làng nghề chế biến thực phẩm. Các làng nghề này duy trì sản xuất ổn định, tổng doanh thu đạt trên 770 tỉ đồng/năm, thu hút 10.080 lao động và giải quyết thu nhập cho bà con nông thôn bình quân 2 đến 3 3,5 triệu đồng/tháng.
Nhận xét về dấu ấn 10 năm điện khí hóa nông thôn, ông Võ Minh Cầm, Phó giám đốc Sở Công thương Trà Vinh, khẳng định điện về có nhiều xã nông thôn mới và làng nghề khởi sắc, kinh tế nông thôn phát triển. Điện là yếu tố không thế thiếu trong việc phát triển kinh tế của tỉnh Trà Vinh, nhất là khu vực nông thôn.
Trong 10 năm qua, ngành điện Trà Vinh đã đầu tư nhiều công trình, DA điện với tổng giá trị gần 816 tỉ đồng, khối lượng 715 km đường dây trung thế, 1.840 km đường dây hạ thế, tổng công suất trạm phân phối 98 MVA. Điển hình là:
- DA cải tạo lưới điện nông thôn RD (vay vốn WB) với tổng mức đầu tư gần 11 tỉ đồng.
- DA cung cấp điện cho các hộ dân chủ yếu là đồng bào Khmer, tổng vốn đầu tư 469,7 tỉ đồng, cấp điện cho 34.926 hộ dân trên địa bàn 83 xã của 7 huyện và 1 thị xã.
- DA thành phần "Cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp tỉnh Trà Vinh", vốn đầu tư 107,4 tỉ đồng, cung cấp điện cho gần 5.800 hộ nuôi tôm công nghiệp.
- Các công trình cấp điện nuôi trồng thủy sản (nuôi tôm công nghiệp giai đoạn 2016 - 2019) với tổng vốn 118,5 tỉ đồng;
- Cấp điện cho 2 cồn cuối cùng của tỉnh: cồn Phụng (H.Châu Thành), cồn An Lộc (H.Cầu Kè) với tổng vốn 22 tỉ đồng, cấp điện cho 282 hộ dân.
|