Dấu ấn ngành điện miền Nam

Thứ bảy, 30/4/2022 | 09:34 GMT+7
Những dấu ấn của ngành Điện có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển của vùng đất phương Nam từ Ninh Thuận, Lâm Đồng đến Mũi Cà Mau.

Ảnh minh họa.
 
47 năm trước, ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, sáng ngày 01/5/1975 Tiểu ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định đã tiếp quản toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật của Công ty Điện lực Việt Nam (CĐV) cũ, trải qua nhiều giai đoạn với tên gọi ban đầu là Tổng cục Điện lực (1975) đến  Công ty Điện lực miền Nam (1976), Công ty Điện lực 2 (1981) và từ tháng 2/2010 đến nay là Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC).
 
Tổng công suất nguồn phát điện của phía Nam năm 1975 vào khoảng 800 MW, thực tế chỉ vận hành hơn 480 MW. Chỉ một vài thành phố, đô thị có được nguồn điện hạn chế, ngoài ra các địa phương đặc biệt vùng nông thôn toàn phía Nam hầu hết không có điện lưới quốc gia, ánh sáng chủ yếu là sử dụng đèn dầu.
 
Suốt chặng đường 47 năm xây dựng và phát triển, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã nỗ lực hoàn thành sứ mệnh “Thắp sáng phương Nam”, khẳng định những đóng góp quan trọng cho sự trưởng thành của ngành Điện nước nhà. 
 
Năm 1975, công suất sử dụng điện của cả miền Nam chỉ có 801,29MW với sản lượng điện là 1.252,87 triệu kWh. 
 
Hiện nay, công suất hệ thống điện của Tổng công ty Điện lực miền Nam đạt trên 9.000 MW; dự báo sản lượng điện thương phẩm năm 2022 đạt kế hoạch với mức 1/3 sản lượng của cả nước; đảm bảo cấp điện cho trên 99,84% số hộ dận, trong đó có 99,75% hộ dân nông thôn. Với những nỗ lực của chặng đường 47 năm qua, ngành Điện miền Nam đã đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, quốc phòng và đời sống sinh hoạt của nhân dân từ Ninh Thuận, Lâm Đồng đến Mũi Cà Mau.
 
Chương trình điện khí hóa nông thôn đã giúp hơn 1,5 triệu hộ dân nông thôn 21 tỉnh phía Nam sử dụng điện lưới quốc gia, góp phần nâng cao đời sống, công nghiệp hóa nông nghiệp, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc, biên giới hải đảo.  
 
Ông Trần Quốc Tuấn – Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Trà Vinh cho biết, điện lưới quốc gia đã góp phần phát triển kinh tế địa phương, phục vụ đắc lực cho công cuộc Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tạo niềm tin mạnh mẽ và sự đồng thuận của người dân đối với chủ trương của Đảng và Chính phủ.  
 
Tổng công ty đã ứng dụng đồng bộ công nghệ số vào quá trình vận hành hệ thống điện và hoạt động kinh doanh, dịch vụ khách hàng. Số hóa toàn bộ hệ thống lưới điện, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và thiết lập hạ tầng tự động hóa trong điều khiển lưới điện, đã hỗ trợ công tác điều hành nguồn điện ổn định, hợp lý, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa sự cố, góp phần hiện đại hóa hệ thống điện. Các kênh chăm sóc khách hàng được mở rộng trên nền tảng số để ứng phó linh hoạt, phục vụ người dân với nhiều trải nghiệm tiện ích. 
 
Bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ cung cấp điện, EVN SPC tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội, chia sẻ khó khăn, đồng hành với chính quyền và người dân tại 21 tỉnh/thành phía Nam. Đơn vị đã hỗ trợ xây dựng trên 1.200 căn nhà tình nghĩa, tình thương, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng. Tặng máy tính bảng, xe đạp, tập vở cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hỗ trợ phòng chống dịch bệnh và lực lượng tuyến đầu.
 
Tổng công ty Điện lực miền Nam vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng vào năm 2020. Đây là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao để Tổng công ty tiếp tục phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ sinh hoạt, phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn 21 tỉnh/thành phố phía Nam. Đạt được những thành quả đó là nhờ phát huy sức mạnh, trí tuệ của cả tập thể, sự đồng lòng, thống nhất, và quyết tâm cao của mỗi CBCNV đã cùng nhau thắp sáng niềm tin. 
 
Mai Hoa