Sự kiện

Dấu ấn tuổi 40

Thứ tư, 4/1/2017 | 14:28 GMT+7
Khi nói đến bước phát triển, sự văn minh của một địa phương, một đất nước, người ta dựa vào 4 tiêu chí có tính cách “tiên phong” là điện, đường, trường, trạm. Thứ tự sắp xếp này không hẳn để có vần điệu cho dễ nhớ mà chính là “cái điện” phải “làm anh khó lắm” để dìu dắt ba “đứa em” kia cùng phát triển.
 
Thi công cấp điện mới phục vụ người dân các vùng nông thôn.
 
Bước chuyển lớn lao
 
Những người gắn bó với ngành Điện ở vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng khó mà quên được ngày 28 tháng 12 năm 1976, đó là ngày thành lập Sở Quản lý và Phân phối điện Quảng Nam – Đà Nẵng, tiền thân của Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng bây giờ.
 
Những ngày đầu gian khó, hệ thống điện do chế độ cũ để lại gồm một số cụm máy diesel già cỗi, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt ở nội thành, nội thị. Thế nhưng, nhu cầu phụ tải của hầu hết các ngành, các địa phương, đơn vị ngày một tăng cao. Sự mất cân đối này dẫn đến một hệ lụy hiển nhiên: việc cấp điện được thực hiện luân phiên theo lịch. Đó là chưa kể trường hợp nếu một vài máy phát điện ở Nhà máy điện Liên Trì (trên đường Trưng Nữ Vương, Đà Nẵng) bị “hắt hơi sổ mũi” thì hàng loạt các phụ tải sẽ bị sa thải ngay tắp lự. Ngày đó, cả cán bộ điều độ ở Sở lẫn người dân hầu như ai cũng thuộc nằm lòng “phương thức” cấp điện theo vần điệu dân gian: “Phương thức bình thường – 1 không 2 có; phương thức gặp khó – 1 có 2 không; sấm chớp mưa dông – toàn không chẳng có”.
 
Mãi gần 5 năm sau đó, sau khi Sở Quản lý và Phân phối điện Quảng Nam – Đà Nẵng được đổi tên thành Sở Điện lực Quảng Nam – Đà Nẵng, nguồn điện và lưới điện vẫn còn rất khó khăn. Việc cung cấp điện được thực hiện theo chế độ phân phối, nhiều hay ít tùy thuộc vào tầm quan trọng của từng ngành, từng địa phương, đơn vị. Ngay nội thành Đà Nẵng vẫn cấp điện theo lịch “1 có, 1 không”; thậm chí khi máy phát điện chạy diesel bị hỏng hóc thì chỉ 1 có mà đến 3-4 không.
 
Điện năng là người lính tiên phong trong sự nghiệp phát triển đất nước, làm cho dân giàu nước mạnh. Nhận ra những “phép màu” mà điện mang lại, các vị lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng ngày đó một mặt tăng cường đầu từ nguồn diesel, một mặt chủ trương xây mới các nhà máy thủy điện, nhiệt điện. Cùng với đó, ngày 1-8-1990 đánh dấu một sự kiện quan trọng đến với ngành Điện Quảng Nam – Đà Nẵng: Đà Nẵng chính thức nhận lưới điện quốc gia qua Trạm 110kV Xuân Hà – Đà Nẵng. Niềm vui nối tiếp niềm vui, 4 năm sau, ngày 27-5-1994, điện lưới quốc gia Bắc Nam được hòa chung tại Trạm 500kV Đà Nẵng, đánh dấu một giai đoạn mới của ngành Điện Việt Nam.
 
Hai sự kiện có tính cách “biên niên sử” này là một bước ngoặt vô cùng quan trọng đối với Sở Điện lực nói riêng và tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng nói chung: “Việc nhận điện lưới quốc gia đã cơ bản giải quyết được tình hình thiếu điện và mâu thuẫn giữa khả năng nguồn và nhu cầu phụ tải, một bài toán chưa có đáp án tồn tại suốt 20 năm của ngành Điện miền Trung; đồng thời đây cũng chính là tiền đề quan trọng làm thay đổi cơ cấu sản xuất – kinh doanh và hướng đầu tư phát triển của Sở”(1).
 
Tháng 3 năm 1996, Sở Điện lực Quảng Nam – Đà Nẵng đổi tên thành Điện lực Quảng Nam – Đà Nẵng. Ngày 1-4-1997, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, Điện lực Đà Nẵng được tổ chức lại và đổi tên thành Điện lực Đà Nẵng. Từ ngày “ra riêng”, đơn vị tăng cường nguồn lưới điện, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương.
 
Việc tăng cường nguồn điện, cải tạo nâng cấp hệ thống lưới điện, nhất là việc thực hiện các chủ trương đưa lưới điện hạ thế vào các kiệt hẻm, xóa bán điện qua công-tơ tổng ở nội thành rồi dần ra vùng ngoại ô, đưa điện về vùng sâu, vùng xa của huyện Hòa Vang... đã từng bước điện khí hóa toàn bộ địa bàn thành phố Đà Nẵng, trong đó đáng kể nhất vùng nông thôn – một trong những động lực quan trọng góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, tạo nên việc làm cho lao động nông thôn, phát triển kinh tế.
 
Còn nhớ, cuối năm 2001, khi Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng phối hợp với Điện lực Đà Nẵng đưa điện vào nhà cho hơn 40 hộ ở khu định cư mới Hố Chình (thuộc thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang), người viết đã có dịp chứng kiến niềm vui được “hiện đại hóa” của bà con người Cơ-tu nơi này. Cái Tết đầu tiên có điện năm đó đã đi vào trong ký ức những người Cơ-tu như ông Đinh Văn Nhom ở Hố Chình khác nào một chuyện cổ tích giữa đời thường. Hầu hết các hộ tái định cư ở đây đều được di dời từ vùng thấp trũng ven sông để tránh nguy cơ sạt lở sau cơn lũ đúp lịch sử năm 1999, được ngành Điện và Mặt trận thành phố đem lại cái điện, rồi UBND huyện Hòa Vang hỗ trợ cái nhà, “ngày xưa có nằm mơ cũng khó mà thấy được” – ông Nhom ví von.
 
Hai năm sau đó, cuối năm 2003, trong một lần ngược lên thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, lại chứng kiến cảnh anh em công nhân Công ty Xây lắp Điện Quảng Nam – đơn vị thi công công trình “Mở rộng lưới điện xã Hòa Bắc” – loay hoay tìm cách chuyển các thiết bị tải điện lên hai thôn xa nhất xã và cũng xa nhất phía Tây Bắc thành phố. Trời lâm thâm mưa, đường bê bết bùn, các anh phải tổ chức vận chuyển nhiều đợt các thiết bị cung cấp cho công trình như bình biến thế, dây điện, trụ sứ, kẹp nhôm... Trời không phụ lòng người, thời tiết những ngày cuối năm trở nên tốt hơn, công ty đã hoàn thành công trình, đóng điện phục vụ bà con Cơ-tu hai thôn Tà Lang và Giàn Bí trước Tết dương lịch 2004.
 
Sau lễ “đóng điện”, Bí thư Chi bộ thôn Tà Lang lúc đó là Đinh Hồng Khanh rất phấn khởi: “Năm nay, người dân Tà Lang và Giàn Bí ăn Tết to hơn mọi năm. Vì được 4 cái mới: Đường từ trung tâm xã ngược lên đã được nâng cấp, trong thôn không còn nhà tạm, mỗi thôn có một nhà Gươl văn hóa, và cái quý nhất là có điện”. Tết năm đó, làng trên xóm dưới rực sáng ánh đèn điện có thua gì dưới phố. Một số hộ có điều kiện rủ nhau sắm ti-vi coi chương trình Tết. Người vui nhất là già làng Alăng Nhơi, ông vừa chỉ đường dây điện đi qua thôn, vừa bảo: “Nói thiệt với chú, từ hồi cha sinh mẹ đẻ tới chừ, tám mấy tuổi rồi tui mới thấy được cái điện nó vô nhà ra răng. Sướng cái bụng lắm”. 
 
Những bữa trưa của các anh ngay tại hiện trường công tác.
 
Vươn mình mạnh mẽ
 
Từ ngày 1-7-2006, thực hiện Quyết định số 140/2006/QĐ-TTg ngày 16-6-2006 của Thủ tướng Chính phủ, Điện lực Đà Nẵng đã chuyển sang hoạt động theo mô hình mới dưới tên gọi mới: Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Đà Nẵng, viết tắt là PC Đà Nẵng. Sự kiện lịch sử này được cuốn Lịch sử Đảng bộ Công ty Điện lực Đà Nẵng (1930 – 2013) nhận định: “Đây là một bước ngoặt vô cùng quan trọng – một bước phát triển về chất trên nhiều lĩnh vực đối với Điện lực Đà Nẵng sau hơn 30 năm phấn đấu (1975 – 2006). Từ một đơn vị hạch toán phụ thuộc, thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân cấp của Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng công ty Điện lực miền Trung), giờ đây Công ty Điện lực Đà Nẵng đã được quyền quyết định và chịu tách nhiệm về mọi hoạt động của Công ty theo pháp luật và điều lệ Công ty”.
 
Một trong những hoạt động của Công ty giai đoạn này là góp phần xây dựng nông thôn mới ở Hòa Vang. Đây là địa bàn rộng lớn với hệ thống đường giao thông đối ngoại và nội vùng tương đối thuận tiện. Nhờ đó, các đường dây tải điện dễ dàng đưa điện đến khắp các xã, cung cấp ánh sáng sinh hoạt và đảm bảo cho các dây chuyền sản xuất hoạt động ổn định, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế hạ tầng trên địa bàn huyện. Đến nay, 100% số hộ dân trên địa bàn huyện dùng điện lưới.
 
Ngày 31-12-2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã ký Quyết định số 2513/QĐ-TTg công nhận huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Thương nhận định: “Chương trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Hòa Vang, đến nay đã hoàn thành tốt các tiêu chí, cũng phải nói đến ngành điện đã đóng góp một phần quan trọng, đem lại sự phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng tại địa phương”.
 
Với nội thành, việc “ngầm hóa” hệ thống đường dây điện đã được đặt ra nhằm góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Còn nhớ, tại Hội nghị Khách hàng sử dụng điện năm 2013 do PC Đà Nẵng tổ chức, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Nguyễn Đình Phúc đã nêu vấn đề này với con số so sánh: “Dây điện trung, cao áp đi ngầm trong khu dân cư đắt gấp 4 lần so với dây đi nổi. Nếu TP. Hồ Chí Minh ngầm hóa lưới điện cần đến trên 14 nghìn tỷ đồng thì Đà Nẵng cũng phải tốn đến gần một nửa số đó. Một kinh phí không nhỏ và thành phố đang tính toán để hỗ trợ cho ngành Điện”.
 
Một trong những tuyến phố đẹp của Đà Nẵng hiện nay là phố chuyên doanh Lê Duẩn. Dự án ngầm hóa hệ thống điện tuyến phố này đã được PC Đà Nẵng thực hiện trong hai năm 2014 – 2015 với kinh phí trên 56 tỷ đồng, phần lớn là vốn vay. Mặc dù UBND thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ lãi suất vay từ Quỹ đầu tư phát triển của thành phố nhưng áp lực vốn vay vẫn còn đó khi sản lượng điện thương phẩm, doanh thu, tỷ lệ tổn thất điện năng,… hầu như không có sự thay đổi giữa trước và sau khi ngầm hóa lưới điện. 
 
Thi công ngầm hóa tuyến phố chuyên doanh Lê Duẩn.
 
Cùng với đường Lê Duẩn, các tuyến đường như: Trần Phú, Bạch Đằng, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng,… cũng đã được PC Đà Nẵng đã thực hiện ngầm hóa hệ thống điện. Lưới điện trung, hạ áp trên các tuyến đường nội thị Đà Nẵng đã được PC Đà Nẵng đầu tư khá hoàn thiện và hiện đang vận hành ổn định, đảm bảo khả năng cung cấp điện an toàn, liên tục cho khách hàng trong nhiều năm tiếp theo...
 
PC Đà Nẵng bước vào tuổi 40 năm. Nói như Khổng Tử, “tứ thập nhi bất hoặc”, 40 là độ tuổi có thể hiểu thấu mọi sự lý trong thiên hạ, phân biệt được việc phải hay trái, biết được cái gì nên làm cái gì không. Trên chặng đường 40 năm của mình, PC Đà Nẵng đã kinh qua không ít khó khăn, gian khổ nhưng đã vượt qua tất cả và để lại nhiều dấu ấn bằng nỗ lực tự thân cùng với sự hỗ trợ, động viên của ngành Điện cấp trên, của các cấp Đảng, chính quyền, sự sẻ chia của khách hàng...
 
Năm Quý Dậu – 1993, ông Bốn Huẩn, một cán bộ hưu trí ở thôn Dương Lâm, xã Hòa Phong, khi trở thành khách hàng của ngành Điện đã làm ngay một câu chúc Tết treo giữa nhà: Vui Tết Con Gà, mừng quê nhà có điện.
 
Năm 2017, Đinh Dậu, thành phố Đà Nẵng kỷ niệm 20 năm trực thuộc Trung ương. Đây cũng là thời điểm để PC Đà Nẵng tiếp tục khẳng định mình sau cột mốc tuổi 40 đầy chín chắn, kinh nghiệm. Không biết ông Bốn Huẩn có làm thêm câu nào để kỷ niệm cái Tết Con Gà có điện nữa không. Nhưng chắc chắn một điều rằng, ông cũng như hàng chục vạn khách hàng khác đều biết ơn ngành Điện. Bởi có “cái điện” là có thêm đường, trường, trạm – những cơ sở hạ tầng thể hiện bước phát triển, sự văn minh của một địa phương, một đất nước.
Theo: Báo Đà Nẵng