Bộ Công Thương tổ chức họp thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia cho các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên.
Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án vào khoảng 2.157 tỷ đồng, trong đó 85% tổng mức đầu tư từ ngân sách Trung ương cấp trực tiếp hoặc cấp từ vốn ODA, vốn ưu đãi khác và 15% còn lại là vốn đối ứng của EVN thu xếp theo phân kỳ đầu tư, yêu cầu về tiến độ và phù hợp với kế hoạch cấp vốn từ ngân sách Trung ương. Thời gian thực hiện đầu tư dự án giai đoạn 2016 - 2020 phù hợp với tiến độ cấp vốn Ngân sách Nhà nước hàng năm. Phân kỳ đầu tư cho các năm thực hiện thứ 1/2/3/4/5 theo tỷ lệ 20/30/20/20/10% giá trị Tổng mức đầu tư.
Theo Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư thì UBND các tỉnh có dự án chịu trách nhiệm vận động nhân dân đóng góp phần đền bù, tự giải phóng mặt bằng và tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Toàn dự án đến năm 2020 sẽ cấp điện cho 85.753 hộ dân nông thôn, miền núi trên địa bàn 2.171 thôn buôn của 426 xã, 44 huyện, 5 tỉnh Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Gia Lai. Trong đó, quy mô xây dựng mới gồm: 925 trạm biến áp phân phối, tổng công suất 77.027kVA, 606 km đường dây trung áp, 2.892 km đường dây hạ áp và dự kiến lắp mới khoảng 85.753 công tơ cho các hộ dân.
Dự án tạo điền kiện cho người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được sử dụng điện để sản xuất, sinh hoạt và phục vụ đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đồng thời giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn 5 tỉnh Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Gia Lai.
Theo: CPC