Một dự án nhà máy điện gió tại tỉnh Ninh Thuận.
Cách đây ít ngày, một công ty chuyên đầu tư năng lượng tái tạo của Ireland là Mainstream Renewable Power đã ký thỏa thuận hợp tác để đầu tư 2,2 tỷ USD vào các dự án điện gió ở Việt Nam, với tổng công suất 940 MW.
Trong số này, dự án lớn nhất có tổng công suất 800 MW. Cụ thể, Mainstream Renewable Power cùng với Công ty Dịch vụ tài chính năng lượng GE (thuộc Tập đoàn General Electric - Mỹ) sẽ chi khoảng 2 tỷ USD mua cổ phần tại Dự án Điện gió Phú Cường (tỉnh Sóc Trăng).
Mainstream Renewable Power cho biết, quá trình thu xếp tài chính cho giai đoạn I của Dự án Điện gió Phú Cường sẽ kết thúc vào năm 2018. Trong giai đoạn I, liên doanh nhà đầu tư sẽ lắp đặt các thiết bị có công suất 150 - 200 MW. Phần còn lại sẽ được lắp đặt trong các giai đoạn tiếp theo.
Ngoài dự án này, Mainstream sẽ đầu tư thêm 2 dự án điện gió khác là Thái Hòa và Thái Phong tại tỉnh Bình Thuận, với tổng công suất 38 MW, vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD.
Nếu các kế hoạch triển khai của Mainstream trở thành hiện thực, thì có lẽ, Mainstream sẽ là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất muốn đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. “Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất về nhu cầu năng lượng ở khu vực Đông Nam Á. Hoạt động đầu tư vào Việt Nam rất phù hợp với mục tiêu của chúng tôi trong việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn ở những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và có nhu cầu lớn về nguồn điện”, ông Andy Kinsella, Tổng giám đốc điều hành Mainstream Renewable Power nói.
Thực tế, không chỉ Mainstream, mà thời gian qua, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã nhận thấy tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam và đã đăng ký đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời với các quy mô khác nhau.
Đầu năm nay, Solarpark (Hàn Quốc) đã ký Biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Đắk Lắk về việc triển khai một dự án điện mặt trời trên hồ Ea-súp thượng. Dự án có quy mô dự kiến 300 - 500 MW, vốn đầu tư từ 600 triệu USD đến 1 tỷ USD.
Không khó để liệt kê danh sách các dự án kiểu như vậy. Không chỉ là vốn cộng gộp các dự án lên tới hàng tỷ USD, mà đã thực sự có các dự án quy mô lên tới cả tỷ USD sẵn sàng được các nhà đầu tư nước ngoài “đặt gạch” vào Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng dự án được triển khai khá hiếm hoi. Thậm chí, nếu đặt lên bàn cân để tính toán, thì thậm chí, số lượng dự án “giã biệt đường đua” năng lượng tái tạo ở Việt Nam còn nhiều hơn số dự án được triển khai.
Chỉ tính ở Ninh Thuận - địa phương đang được coi là “mảnh đất vàng” cho các dự án điện gió - đã có hàng loạt dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư hoặc cảnh báo thu hồi giấy chứng nhận đầu tư vì chậm triển khai. Chẳng hạn, Dự án của IMPSA (Singapore), vốn đầu tư dự kiến lên tới 2 - 3 tỷ USD; hay Nhà máy Điện năng lượng tái tạo Phước Nam – Enfinity; rồi Nhà máy Điện gió Mũi Dinh; Điện gió của LandVille Energy, của Timur (Malaysia)...
Lý do phổ biến nhất cho sự chậm trễ này được cho là các cơ chế, chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam chưa rõ ràng. “Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số quy định về năng lượng sạch. Tuy nhiên, hiện chưa có luật về năng lượng tái tạo để điều phối sự phát triển của ngành này”, ông Tomaso Andreatta, Chủ tịch Ủy ban Ngành tăng trưởng xanh thuộc EuroCham lý giải vì sao nhiều nhà đầu tư vẫn còn tâm lý e ngại khi đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Cũng theo ông này, mặc dù mới đây, Chính phủ Việt Nam đã điều chỉnh lại Quy hoạch Điện VII, nhưng cũng vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho việc phát triển năng lượng tái tạo. Thêm nữa, các vấn đề liên quan đến giá mua - bán năng lượng tái tạo đang được cho là trở ngại lớn nhất khiến các dự án năng lượng tái tạo phần nhiều vẫn đang chỉ là lời hứa.
Trao đổi với báo giới mới đây, ông Đặng Đình Thống, Phó viện trưởng Viện Công nghệ sạch (Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam) cũng cho rằng, nút thắt nằm ở giá điện. “Giá điện đặc thù cho năng lượng tái tạo hiện nay vẫn chưa hấp dẫn các nhà đầu tư”, ông Thống nói.
Năm ngoái, khi công bố nghiên cứu về điện gió ở Việt Nam, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho rằng, mức giá mua điện gió hiện nay tuy cao hơn so với giá điện tới tay người tiêu dùng, nhưng các nhà đầu tư điện gió vẫn lỗ nặng. Điều này ắt dẫn đến việc các nhà đầu tư lừng chừng trong triển khai để chờ cơ chế mới của Chính phủ.
Nhiều nguồn tin cho biết, Bộ Công thương đã từng đề xuất mức giá mua điện gió vào khoảng 10 UScent/kWh, nhưng cho đến nay, đề xuất này vẫn chưa được chốt. Trong khi đó, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời cũng vẫn đang được xem xét. Đây là những yếu tố khá cơ bản quyết định sự phát triển của năng lượng tái tạo ở Việt Nam, trong bối cảnh nhiệt điện, thủy điện đang vấp phải nhiều vấn đề.
“Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị dự án. Vì đây là dự án được xây dựng trên mặt nước, nên vốn đầu tư sẽ lớn hơn xây dựng trên mặt đất. Chúng tôi cũng đang cố gắng đàm phán để đạt được mức giá bán điện cao hơn”, ông S.T.Woo, Chủ tịch của Solapark Global I&D Co., Ltd cho phóng viên biết. Theo ông S.T.Woo, một mức giá hợp lý sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư sớm hiện thực hóa các kế hoạch đầu tư của mình.