Ảnh minh họa.
Ở Việt Nam, các nhà khoa học đều đánh giá cao tiềm năng của năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như địa nhiệt, sinh khối, đại dương, nước… nhất là năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Theo TS Nguyễn Thăng Long - Điều phối viên giữa Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Tổng cục năng lượng trong dự án Hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam, nguồn năng lượng gió ở nước ta có thể đạt công suất lắp đặt 24GW/năm, nguồn năng lượng mặt trời lên tới 130GW/năm. Sản xuất điện nhiệt có công suất tương đối nhỏ nhưng hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu dân sinh.
Tuy nhiên, một nghịch lý cho thấy việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện nay còn khá khiêm tốn. Cụ thể, năm 2015, tỉ phần năng lượng tái tạo so với hệ thống điện là 5%, chủ yếu vẫn là thủy điện nhỏ, chưa có năng lượng gió, mặt trời. Theo kế hoạch đặt ra, đến năm 2030, tỉ phần điện từ năng lượng tái tạo ở Việt Nam đạt 20%.
Với tiềm năng đó, Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) đã xây dựng báo cáo “Kịch bản bền vững cho ngành điện Việt Nam – Tầm nhìn đến năm 2050”. Trong đó, có 3 đều dành cho sự phát triển năng lượng ở Việt Nam: Kịch bản phát triển thông thường, Kịch bản phát triển năng lượng bền vững và Kịch bản phát triển năng lượng bền vững tối ưu.
Cụ thể, nếu phát triển theo Kịch bản phát triển thông thường thì vẫn dựa vào nhiên liệu hóa thạch và công nghệ lạc hậu, vừa không tạo được nhiều hiệu quả lại gây ra nhiều khí thải nhà kính. Với hai kịch bản còn lại, đến năm 2050, năng lượng tái tạo có thể đáp ứng 80 – 100% nhu cầu điện quốc gia cả trên phương diện kỹ thuật và kinh tế, giúp giảm tới 80% lượng khí thải carbon.
Đánh giá về kịch bản này, TS Nguyễn Thăng Long cho biết: “Trong tương lai, kịch bản 100% năng lượng tái tạo đều khả thi với tất cả các nước trên thế giới. Ở Việt Nam, chúng ta cần kiểm soát được điểm mốc quan trọng là 20% rồi xem xét ảnh hưởng của nguồn năng lượng tái tạo đó để có những điều chỉnh cần thiết về mặt luật pháp”.
Nói về kịch bản phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam, TS Nguyễn Trịnh Hoàng Anh - chuyên gia về năng lượng tái tạo tại Trung tâm Nghiên cứu năng lượng sạch và phát triển bền vững (CleandED) cho rằng nhà nước đang có dự thảo khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất năng lượng tái tạo để vừa sử dụng vừa bán điện bằng cách phát điện lên lưới, trên hệ thống dự trữ năng lượng.
“Công nghệ năng lượng tái tạo giờ không đắt đỏ như trước, việc chuyển giao công nghệ giữa các nước tạo điều kiện để Việt Nam có thể tiếp cận được với các công nghệ tiên tiến trên thế giới để thực hiện lộ trình sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Do đó, về mặt kỹ thuật, Việt Nam hoàn toàn có thể tiến tới sử dụng 100% năng lượng tái tạo”, ông Long nhấn mạnh.
Nhưng ông Long cũng cho rằng do những tác hại nghiêm trọng của nhiệt điện than cũng như an ninh năng lượng, chúng ta phải tiến đến 2 giải pháp quan trọng là năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, Chính phủ cần sửa đổi một số chính sách chưa hiệu quả và đầu tư nghiên cứu, có ưu đãi đầu tư để đưa năng lượng tái tạo vào đời sống, đem đến lợi ích tốt nhất cho quốc gia và người dân.
Được biết, từ năm 2000, World Bank đã có những nghiên cứu về tiềm năng gió ở Việt Nam và được hiệu chỉnh năm 2011. Các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận; sau đó là vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên là những vùng có tiềm năng gió lớn nhất. Trong đó, Tây Nguyên có gió địa hình đồi núi, phù hợp để xây trại gió quy mô công nghiệp.