Thời cơ của năng lượng tái tạo đang đến với doanh nghiệp Việt Nam.
Lĩnh vực đầy tiềm năng
Việt Nam là quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, có tiềm năng rất lớn về năng lượng sạch, nhất là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Theo Bộ Công Thương, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000-2.500 giờ nắng, với mức chiếu nắng trung bình khoảng 150kCal/cm², tương đương với 43,9 triệu tấn dầu quy đổi/năm. Nguồn năng lượng gió cũng dồi dào, với 3.260 km bờ biển, tiềm năng sản xuất điện từ năng lượng này có thể đạt được 24GW/năm.
Với những tiềm năng đó, theo báo cáo “Kịch bản bền vững cho ngành điện Việt Nam – Tầm nhìn đến năm 2050” của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) và Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam công bố ngày 12/05/2016, trừ kịch bản phát triển thông thường dựa vào nhiên liệu hóa thạch và công nghệ lạc hậu; hai kịch bản Phát triển năng lượng bền vững và Phát triển năng lượng bền vững tối ưu cho thấy, tới năm 2050, cả trên phương diện kỹ thuật và kinh tế, năng lượng tái tạo đều có thể đáp ứng 80%-100% nhu cầu điện quốc gia, đồng thời giúp giảm tới 80% lượng khí thải carbon. Trong đó, năng lượng mặt trời có thể đáp ứng ít nhất 35%; năng lượng gió có thể đáp ứng 13%, bên cạnh còn có năng lượng thủy triều, sinh khối...
Ngoài ra, để khuyến khích phát triển ngành này, gần đây, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách đẩy mạnh thị trường năng lượng tái tạo trong nước. Mới đây nhất, ngày 25/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với hàng loạt cơ chế, chính sách ưu tiên và mang nhiều tính đột phá, được kỳ vọng sẽ tạo ra lực đẩy mạnh mẽ phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam.
Như vậy, với tiềm năng lớn và các chính sách khuyến khích phát triển bền vững, thời cơ của năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đang đến với các doanh nghiệp Việt Nam.
Song, doanh nghiệp vẫn “e dè”
Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng nhiều doanh nghiệp còn khá “e dè” khi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Vì vậy, công suất năng lượng tái tạo đang được khai thác chỉ chiếm khoảng 3,4% tiềm năng, trong đó năng lượng mặt trời mới khai thác được khoảng 3% tiềm năng.
Chia sẻ lý do doanh nghiệp còn nhiều ngại ngần khi tính đến các giải pháp năng lượng sạch, tại hội thảo “Phát triển năng lượng bền vững – Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam”, ngày 31/05/2016, ông Nguyễn Văn Quyết, Giám đốc cung ứng chuỗi Coca-Cola Việt Nam cho biết: “Những khoản đầu tư cho giải pháp năng lượng đòi hỏi đầu tư rất cao nhưng khả năng thu hồi thì lại lâu. Như trường hợp hệ thống năng lượng mặt trời, thời gian thu hồi vốn tính đến 10 đến 20 năm”.
Cũng nhận định về vấn đề trên, tại hội thảo “Năng lượng chuyển hóa - Tương lai cho Đông Nam Á”, ngày 02/03/2016, theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, rào cản lớn nhất khiến các doanh nghiệp còn “e dè” khi đầu tư vào năng lượng tái tạo là những hạn chế về cơ chế chính sách.
Theo ông Tước: “Trong khi khung thể chế, pháp lý mới chỉ hình thành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì các chính sách về năng lượng tái tạo lại chưa đầy đủ. Điều này dẫn đến việc thiếu đồng bộ trong điều chỉnh các hoạt động năng lượng phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - chính trị - xã hội của nước ta”.
Một khó khăn lớn nữa là vấn đề tài chính khi chi phí đầu tư cho dự án năng lượng tái tạo tương đối cao. Trong khi đó, việc tiếp cận các nguồn vốn vay cũng gặp nhiều khó khăn nếu không có sự can thiệp của Chính phủ và đặc biệt là sau khi sản xuất ra, giá bán điện thấp, không đảm bảo khả năng thu hồi vốn của nhà đầu tư cũng góp phần làm các nhà đầu tư không mấy mặn mà.
Theo đó, để thị trường năng lượng tái tạo phát triển, ông Tước cho rằng, Nhà nước cần phải có những cơ chế, chính sách mạnh hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư. Bên cạnh đó là đẩy mạnh tuyên truyền để nhiều doanh nghiệp có thêm thông tin, dữ liệu phục vụ cho quá trình hoạt động.
Ở góc độ doanh nghiệp, trả lời trên báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà cho rằng, để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, thì Nhà nước cần có chính sách ưu đãi linh hoạt về năng lượng tái tạo, áp dụng cho giai đoạn nghiên cứu, thí điểm và những năm đầu sản xuất...
“Bên cạnh đó, cần có hành động đầu tư thiết thực và công bằng giữa các tập đoàn kinh tế nhà nước với thành phần kinh tế tư nhân. Hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến để sản xuất các sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo, từ đó nội địa hóa các sản phẩm này”, ông Sơn cho biết.